Vốn là một cử nhân chuyên ngành Hóa dầu, sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Phụng Hiểu vào làm việc cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực Dầu khí tại khu công nghiệp Đông Xuyên - TP Vũng Tàu; năm 2014, anh trở về nhà nối nghiệp kinh doanh của gia đình. Trong một lần xem tin tức, vô tình biết về mô hình nuôi dế kết hợp tắc kè thương phẩm đem lại giá trị cao về kinh tế và thị trường tiêu thụ khá ổn định nên anh đã dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu và quyết định đầu tư để làm thử.
Thời gian đầu, anh Lê Phụng Hiểu bỏ ra số tiền đầu tư là 900 nghìn đồng để làm chuồng nuôi và mua 06 ổ trứng dế giống giá 750 nghìn đồng. Sau một thời gian nuôi thử thành công, anh Hiểu quyết định đầu tư thêm 3 triệu đồng để mua con giống tắc kè và làm chuồng trại. Anh Hiểu cho biết: trong thời gian này chỉ xem nuôi dế và tắc kè như một thú chơi, sau hơn 2 năm nuôi trải nghiệm, tôi mới quyết định mở rộng mô hình, dù đã có kinh nghiệm trong việc nuôi thử nhưng khi mở rộng mô hình thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau nửa năm tìm tòi, học hỏi, tôi bắt đầu xuất bán giống tắc kè và trứng dế ra ngoài. hiện tại mô hình này đã nuôi hơn 500 cá thể tắc kè, gồm cả con giống và thương phẩm, với giá từ 150 nghìn đồng đến 170 nghìn đồng/cặp. Tắc kè thương phẩm có kích cỡ dài toàn thân từ 40cm trở lên nhờ dược tính cao nên có giá trị kinh tế lớn đang được bán với giá từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi con.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ đã mở rộng ra các tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn,... dù chỉ nuôi với số lượng không quá nhiều, nhưng thu nhập hiện tại của anh Hiểu từ đàn tắc kè cũng được 7 triệu đồng/tháng. Anh Hiểu cho biết thêm, dự kiến sẽ nâng đàn tắc kè giống của mình lên 1.000 con vào cuối năm nay.
Lê Phụng Hiểu chia sẻ: “Nuôi tắc kè không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Khi nuôi đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt hơn như thức ăn phải sạch 100%, chuồng trại phải thông thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên, mát, nhiệt độ chuồng vừa phải. Hàng tuần phải phun thuốc sát trùng và thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ thì tắc kè sẽ không bị mắc bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn hay bị bệnh tiêu hóa”.
Mùa sinh sản của tắc kè từ tháng 2 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Mỗi lứa một cá thể mẹ sinh sản đạt từ 6 - 8 quả trứng, chúng đẻ liên tục trong nhiều năm, sau khoảng 3 tháng thì trứng tự nở. Kinh nghiệm khi nuôi tắc kè là ngoài việc cung cấp đủ dế mèn, nước uống, người nuôi cần phải chú ý ghép đàn theo tỷ lệ 1 đực với 4 cái/chuồng nuôi; khi đó, tắc kè mới sinh sản tốt và nhân đàn nhanh. Việc nuôi dế kết hợp giúp anh tự chủ về nguồn thức ăn, lại kiểm soát và không lo dịch bệnh, tắc kè sẽ khỏe mạnh, nhân đàn nhanh, đặc biệt là đỡ được một khoản chi phí không nhỏ.
Anh Hiểu cũng cho hay, nuôi dế không tốn nhiều diện tích, dế ít thải phân nên không ô nhiễm môi trường, chi phí thấp. Chuồng nuôi dế được làm bằng cách đóng các thùng tôn với diện tích 1,2 x 2,4 m; bên trong để các khay trứng giấy làm nơi trú ngụ cho dế. Thức ăn cho dế khá đơn giản. Dế ăn nhiều loại rau, cỏ, củ, quả như: cỏ non, bắp cải, lá khoai lang, lá sắn, củ sắn, cám ngô, cám gạo, bột đậu xanh, bột đậu tương, cám gà con… Thức ăn phải sạch, không để dính nước nên khi cho dế ăn các loại rau củ quả, cần chọn các loại rau không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, rau được rửa sạch và phơi ráo nước mới rải dần vào chuồng cho dế ăn. Hiện anh đang có 10 chuồng nuôi dế để vừa cung cấp thức ăn cho tắc kè vừa bán giống ra thị trường. Riêng tiền bán trứng dế giống đang giúp anh có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ tất cả các chi phí.
Anh Nguyễn Phi Hùng - Bí thư xã Đoàn Sơn Hà cho biết: “Hiểu là một trong những thanh niên tiêu biểu của địa phương trong việc mạnh dạn mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Bằng sự đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, hi vọng mô hình của anh Hiểu sẽ ngày càng thành công và xã Đoàn sẽ triển khai rộng rãi để và giúp đỡ nhiều thanh niên trong và ngoài xã muốn học tập mô hình phát triển kinh tế này”.
Nguyễn Huệ