Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại buổi gặp Bác trước ngày họp Hội đồng Chính phủ: “Trời càng về đêm càng mưa lớn. Chúng mình phải ở lại kéo dài câu chuyện với Cụ trong lúc chờ đợi hết mưa. Cụ ân cần thăm hỏi gia đình của mọi người.
Đến lúc chúng mình vui câu chuyện nhắc đến gia đình Cụ, Cụ phì cười và nói: “Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng là người như tất cả mọi người. Nhưng với hoàn cảnh này, còn điều kiện nào nghĩ đến gia đình. Ý kiến các chú thế nào?”.
Chúng mình cũng chỉ phì cười mà nói: “Thật là khó”, không thể có ý kiến gì khác. Cụ cười và nói tiếp: “Gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo gia đình lớn đi vậy”.
Nói về gia đình riêng, trước đó, vào tháng 1/1947, trong bức điện chia buồn với Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bác Hồ tâm sự: “Thưa Ngài, tôi được báo cáo rằng: Con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột vậy...”.
Ngày 26/4/1960, nhận được bức thư của một nữ công dân Liên Xô, chị Ekaterina Iosipdovna chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 gửi tới “vợ đồng chí Hồ Chí Minh”, Bác đã thân mật viết thư cảm ơn trong đó có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng. Gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.
Năm 2007, Đoàn làm phim của Hội Điện ảnh Việt Nam gặp Bà Madelein Riffaud, một nhà báo được Bác Hồ quý mến, gặp lần đầu tại Pháp (1946), sau đó bà sang Việt Nam nhiều lần trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong trả lời phỏng vấn bà đã kể lại câu chuyện Bác tâm sự với bà khi an ủi việc bà phải chấp nhận từ bỏ ý định hôn nhân với nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Bà kể lại: “Bác gọi tôi đến và nói với tôi: Cháu không phải là người duy nhất hy sinh tình yêu của mình cho cách mạng... Khi Bác ở Pháp thì cháu còn chưa ra đời. Cháu yêu quý, cháu có biết không, Bác cũng yêu và có những tình cảm như cháu bây giờ. Bác là con người như những người khác thôi. Bác đã hy sinh tình yêu của mình cho cách mạng Việt Nam cũng như cháu hy sinh tình yêu của cháu bây giờ.
Cháu thấy đấy, Bác chưa bao giờ lập gia đình. Bác có hàng nghìn người con là những trẻ em Việt Nam. Bây giờ Bác nghĩ lại thấy đúng. Thế nhưng, Bác vẫn giữ trong lòng tình yêu với người con gái Bác yêu... Bác đã phải làm như thế là vì cách mạng và Bác không hề hối tiếc...” (Bản dịch theo phim của Hội Điện ảnh Việt Nam).
Theo http://kienthuc.net.vn/