50 năm Di chúc Bác: Mỗi đoàn viên là một công dân học tập

Chủ nhật - 19/05/2019 20:26
Trong Di chúc của Bác Hồ, đoàn viên, thanh niên được Bác đặt ở vị trí những người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên", là lực lượng cách mạng cho tương lai rất quan trọng và cần thiết. Vậy mỗi đoàn viên thanh niên phải học tập, rèn luyện, bồi dưỡng tư tưởng cách mạng để xứng đáng kế thừa niềm tin và kỳ vọng của Bác.

Sáng ngày 19/5, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên.

Học để làm người, làm việc, làm cán bộ

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới công tác cán bộ và đào tạo cán bộ ngay trong những ngày đầu thành lập Đảng, từ việc chuẩn bị những đội ngũ cốt cán để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. "Đối với Bác, cán bộ là việc hết sức quan trọng, Bác gọi là 'công việc gốc của Đảng', muôn sự thành công chủ yếu hoặc phần nhiều là do cán bộ tốt, cho nên đào tạo cán bộ là việc thường xuyên. Tư tưởng ấy được Người nhấn mạnh nhiều lần trong các buổi làm việc, gặp gỡ, trao đổi và những bài viết sâu sắc, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người”. Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nói.

 “Học để làm người, làm việc, làm cán bộ. Học để phụng sự tổ chức, đoàn thể rồi mới đến phụng sự Tổ quốc, nhân loại”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo cũng có nhiều ý kiến về cách thức giáo dục thanh niên. Nhiều tác giả nhận định thanh niên cơ bản rất tốt, có lý tưởng, có kiến thức, có trí tuệ, có năng lực, tự hào về truyền thống dân tộc, là con cháu Bác Hồ và không ngừng phấn đấu. Nhưng cũng có một bộ phận thanh niên chịu ảnh hưởng nặng nề của những thông tin không chuẩn xác, thậm chí dao động, mất niềm tin, gây ra các hiệu quả tiêu cực cho xã hội. 

Vì vậy, việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin của thanh niên trong thời đại mới với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội trở thành một thử thách lớn đối với gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân thanh niên.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, cần giáo dục thanh niên bằng các công cụ gương sáng, gương tốt. “Người lớn tuổi nêu gương tốt cho người nhỏ tuổi hơn; đảng viên nêu gương sáng cho người ngoài Đảng; đoàn viên nêu gương cho thanh niên và thiếu niên nhi đồng; thầy nêu gương tốt cho trò…”. Ông nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Hồng Sơn - Bí thư Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo.

Bí thư Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn chia sẻ thực tiễn cho thấy những cơ sở Đoàn thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nơi có những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, thường xuyên và liên tục. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực hiện lời dạy của Bác, các danh hiệu, giải thưởng, tấm gương điển hình tiêu biểu, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt-Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”… được quan tâm, đẩy mạnh, lan tỏa để giới trẻ luôn nhìn vào những câu chuyện tốt đẹp trong xã hội, những tấm gương sáng để noi theo.

Mỗi đoàn viên là một công dân học tập

Trong bản Di chúc của mình, sau khi nói về Đảng, Người đã dành tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc đối với thế hệ trẻ - những người chủ nhân tương lai của đất nước, người kế tụng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước. 

Người viết “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người nhấn mạnh “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Càng nghiên cứu Di chúc của Bác, càng thấm thía và hiểu rõ từng lời, từng chữ Bác đã dụng tâm viết để lại cho thanh niên, trong đó gửi gắm nhiều niềm tin và kỳ vọng.

GS, TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh “công dân học tập” chính là những lớp người trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.

Muốn bồi dưỡng lý tưởng cách mạng thì mỗi công dân cần phải học tập và rèn luyện. Học từ gia đình, nhà trường, xã hội và tự học. Theo GS, TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương nhấn mạnh “công dân học tập” chính là những lớp người trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có thể phát động một phong trào hoặc cuộc vận động “mỗi đoàn viên là một công dân học tập” để mỗi đoàn viên học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện trưởng thành, xây dựng một xã hội học tập. 

Bên cạnh đó, việc nêu gương của cán bộ Đoàn rất quan trọng, đồng chí Vũ Mão cho biết, đối với cán bộ Đoàn, Bác Hồ yêu cầu việc gì cũng cần phải thiết thực “nói được, làm được”; Chống bệnh quan liêu, vô cảm, chống cách lãnh đạo chung chung, chỉ tay năm ngón; Cần đi sâu, đi sát điều tra nghiên cứu để đưa ra những việc làm mới, không nhàm chán; Cần phải khuyến khích, thu góp, bổ sung và phổ biến rộng rãi những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của quần chúng; Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực.

Những dòng tâm huyết Bác dành cho thanh niên

Tìm đọc lại những trang bản thảo Di chúc của Bác từ năm 1965, ngay lần đầu tiên chuẩn bị cho việc đi xa của mình, đoàn viên thanh niên được Bác yêu thương, quan tâm nhắc ngay đến sau khi nói về Đảng. 

Trong Di chúc, đoàn viên thanh niên được Bác đặt ở vị trí những người "thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên", là lực lượng cách mạng cho tương lai rất quan trọng và cần thiết. Đó là sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược của Bác cho tương lai của Đảng và đất nước, đó là sự kỳ vọng rất đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đoàn viên thanh niên trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.

"Học tập tấm gương của Bác phải dần trở thành việc làm thường xuyên, là quá trình đoàn viên thanh thiếu nhi hoàn thiện hơn, phải luôn nhớ lời căn dặn của Bác việc gì cũng phải thiết thực, nói được làm được", đồng chí Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết.

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và ý kiến góp ý tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Thực tiễn và những kết quả thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

"Trong 50 năm qua, thực hiện theo Di chúc của Người, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực, liên tục phát triển để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Tuổi trẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập và làm theo lời Bác, rèn luyện và trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh để sẵn sàng cống hiến xứng đáng nhất. Dù đi bất cứ nơi đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào và làm bất kì việc gì đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc", đồng chí nhấn mạnh.

Nhìn lại 50 năm thực hiện lời căn dặn của Bác về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đời sau để thấy chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người vừa hồng vừa chuyên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của gia đình, nhà trường và xã hội. Trách nhiệm phải được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp và được tổ chức thực hiện đầy đủ, bài bản, thường xuyên và kiên trì ở mọi cấp, mọi ngành. Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cần nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực của từng cá nhân, tổ chức học tập và làm theo lời Bác.

Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận thực tiễn và những nội dung chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và cùng nhau nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, đóng góp của nhiều nhà khoa học, quản lý, cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên. 

Từ 329 bài tham luận đã lựa chọn 160 bài đưa vào Kỷ yếu. Các bài tham luận đều có những giá trị riêng, khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm vóc,chiều sâu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Những lời căn dặn trực tiếp của người trong Di chúc là kết tinh, có sức khái quát thể hiện đầy đủ, trọn vẹn sự quan tâm, tin tưởng, tình cảm của Bác đối với công việc hết sức quan trọng của Đảng, đất nước.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội thảo, chiều 18/5, đã diễn ra 3 phiên hội thảo chuyên đề, với 3 chủ đề khác nhau: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Phong trào hành động cách mạng - môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Được tổ chức cùng nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ tiếp tục khẳng định niềm tin yêu, tự hào, sự kính trọng của tuổi trẻ Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kết quả nghiên cứu, góp ý qua các tham luận sẽ mở ra những góc tiếp cận mới, giá trị mới khi tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong quá trình tiếp tục thực hiện theo Di chúc của Người. 

 
 
Ngọc Anh-Bảo Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây