Đoàn kết dân tộc trong kỷ nguyên mới

Thứ tư - 16/10/2024 23:20
Ngày 17/10/2024, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X sẽ chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Mặt trận là Dân, Dân là Mặt trận. Trong suốt những năm qua, trải qua các nhiệm kỳ Đại hội, công tác Mặt trận đã và đang thực hiện sứ mệnh đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân để phát huy dân chủ và đồng thuận xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ phát động toàn dân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra (tháng 9/2024). Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ phát động toàn dân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra (tháng 9/2024). Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra một nguyên lý về đại đoàn kết dân tộc: “Đoàn kết là một chính sách của dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Là cơ sở của chính quyền nhân dân, chính quyền của dân, do dân và vì dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang thực hiện theo chân lý ấy, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần tôn trọng những điểm khác biệt miễn là không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta hôm nay là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, là sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tất cả những ai cùng hướng tới mục tiêu ấy thì trở thành một khối đoàn kết sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, đồng tâm hiệp lực thực hiện cho bằng được mục tiêu chung.

 

Hơn ở đâu hết, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là biểu tượng sinh động của đại đoàn kết. Đại biểu dự Đại hội là những cán bộ mặt trận, những người nông dân bình dị, những công nhân lao động, những doanh nhân, là các cựu chiến binh, các lực lượng vũ trang, là phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tín đồ tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các nhân sĩ trí thức, những người Việt Nam tiêu biểu… Đó chính là cái độc đáo, cái đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 18/11/1930, Hội phản đế đồng minh – hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ra đời. Kể từ đó đến nay, trải qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn với hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, trải qua 9 kỳ Đại hội, lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là những trang vàng chói lọi, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng với một mục tiêu chung: Đoàn kết, tập hợp các giai cấp, tầng lớp trong xã hội thành một khối thống nhất, khối đại đoàn kết dân tộc “muôn người như một”.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X diễn ra vào một thời điểm thật đặc biệt, thời điểm lịch sử quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Trong các bài viết mới đây: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Trong tình hình mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X là dịp để một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc tạo ra đồng thuận xã hội xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, hướng tới một “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Mặt trận ngày càng hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân để kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội… để Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân.

Đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, hơn bao giờ hết chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới trở thành sức mạnh để vượt qua những thách thức ấy. Thông điệp từ Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một lần nữa là thông điệp đoàn kết, để củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của đồng bào trong nước, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Lịch sử đất nước, lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chứng minh một chân lý: Lòng dân như nước, chỉ có nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Những nhà tư tưởng ưu tú của dân tộc đã đúc kết: Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách để giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng tinh hoa “dân là gốc” từ hàng nghìn năm lịch sử, đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân bằng tư tưởng: “Dễ nghìn lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Cũng Người đã nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Chính là từ thực tiễn cuộc sống và đất nước, từ những hoạt động hiệu quả và tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân, xã hội và hệ thống chính trị các cấp sẽ có những đánh giá và nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vai trò của Mặt trận Tổ quốc, về tầm quan trọng của công tác Mặt trận, về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỳ vọng và gửi gắm của nhân dân vào một thời kỳ phát triển mới của đất nước sẽ được thể hiện trong tinh thần Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X. Thêm một lần nữa, dưới mái nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những người làm công tác Mặt trận trong cả nước lại gánh lên vai trọng trách của mình, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, tham gia vào xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc chính là vai trò, trách nhiệm của một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thách thức phía trước đối với cả đất nước là to lớn. Nhưng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…”.

Theo Đại đoàn kết

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây