Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập đã có “cái nhân” nòng cốt là Cộng sản đoàn. Những cuộc đình công của thợ thuyền trong hai năm 1928, 1929 do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo đã tỏ ra là một lực lượng dần dần lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam. Phong trào này ở Bắc Kỳ tương đối mạnh hơn vì là nơi tập trung công nhân nhiều hơn; do đó nó đã ảnh hưởng đến cán bộ phụ trách lãnh đạo ở đây về việc thành lập một đảng chính thức của giai cấp công nhân.
Trước tình hình mới, cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập một ban trù bị ở Quảng Châu để chuẩn bị cho đại hội của đảng họp vào năm tới. Trong hội nghị trù bị, vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản đã được đề ra nhưng không được chấp nhận. Ý kiến khác nhau giữa những người công tác ở trong nước và những người lãnh đạo ở ngoài nước vẫn là vấn đề mấu chốt này. Tuy vậy, một số đồng chí yếu nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Bắc Kỳ vẫn kiên trì ý kiến của mình là thành lập Đảng Cộng sản.
Tháng 3-1929, một tiểu tổ cộng sản gồm có 7 người là: Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính được bí mật tổ chức, nằm trong lòng xứ ủy Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tiểu tổ này thừa nhận chương trình điều lệ của Quốc tế cộng sản, dựa vào tổ chức công nhân ở một số xí nghiệp lớn và chuẩn bị kế hoạch tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Theo kế hoạch đã vạch ra, họ chú ý nắm lấy những phần tử tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để đưa dần vào tổ chức cộng sản và vận động cho người của nhóm mình được cử làm đại biểu đi dự Đại hội để đấu tranh cho đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Điều dự định của họ đã đạt được: Bốn đại biểu Bắc Kỳ được cử đi dự đại hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đều thuộc về nhóm này.
Ngày 1-5-1929, Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp ở Hương Cảng, có 14 đại biểu Bắc, Trung, Nam và đại biểu ở Xiêm (Thái Lan) đến dự (gồm: 2 đại biểu của Tổng bộ Thanh niên; 2 đại biểu của Thanh niên ở Xiêm; 4 đại biểu của Thanh niên Bắc Kỳ; 3 đại biểu của Thanh niên Nam Kỳ và 3 đại biểu của Thanh niên Trung Kỳ). Trước khi hội nghị khai mạc, dư luận hai bên đã phân ra hai chủ trương trái ngược nhau. Một là chủ trương giải tán của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập Đảng Cộng sản của đoàn đại biểu Bắc Kỳ. Hai là vẫn duy trì Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có cái “nhân” cộng sản ở trong theo ý kiến của các đại biểu Trung, Nam, Kỳ và Thái Lan; nói rõ hơn, theo ý kiến của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu hồi đó.
Trong phần khai mạc của hội nghị, đề nghị của đoàn đại biểu Bắc Kỳ không được ghi vào chương trình nghị sự để thảo luận. Ngày 5-5-1929, ngay đầu phiên họp, đồng chí Ngô Gia Tự - Trưởng đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã nêu vấn đề và yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội việc thành lập Đảng Cộng sản. Yêu cầu của đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt trong Đại hội. Đồng chí Ngô Gia Tự thông báo cho Đại hội biết hầu hết các tổ chức cơ sở, các đoàn thể quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đều hoan nghênh và tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản để thay thế cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí nhấn mạnh: “Nếu không thành lập ngay một Đảng Cộng sản, dù công khai hay bí mật, thì không thể tập hợp được quần chúng đấu tranh dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản được”. Không được Đại hội chấp nhận, tức thì, ba đại biểu là Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự và Nguyễn Văn Tuân “tuyên bố thoát ly Đại hội” bỏ hội nghị ra về.
Nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương về Đông Dương Cộng sản Đảng, do trùm mật thám Đông Dương Louis Marty viết năm 1933, mật thám đã nắm rõ được tình hình hội nghị khi ấy: “Ngay những phiên họp đầu đã cho thấy thế lực ủy ban chỉ đạo (Tổng bộ Thanh niên - TG) đối với đảng viên trong nước sút giảm đi nhiều. Khi phải biểu quyết điều lệ liên quan đến danh hiệu đảng, ủy ban chỉ đạo gồm những đảng viên bị bắt buộc phải sống ở Trung Hoa và vì vậy, họ gặp nhiều khó khăn khi phô trương những tư tưởng Cộng sản - cương quyết từ chối đề nghị của ba đại diện quốc nội nhằm đổi danh xưng “Thanh niên” thành “Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì những đại biểu khác cũng đồng quan điểm với ủy ban chỉ đạo, ba đại diện quốc nội đóng sầm cửa lại và rời hội nghị. Đảng Thanh niên chỉ còn hư danh mà thôi”.
Tuy vậy, đại hội vẫn tiếp tục làm việc cho đến ngày 9-5. Đại hội có thảo một bản tuyên ngôn, định ra cương lĩnh đấu tranh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đề nghị Quốc tế Cộng sản công nhận Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nhưng tất cả những văn kiện trên đây đều không có giá trị lịch sử, vì sau đại hội lần thứ nhất này thì Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng không còn nữa.
Đến đây, lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam đã chuyển sang một bước ngoặt: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị giải tán, các tổ chức cộng sản ra đời. Nhận định về những sự kiện quan trọng này, nhiều người cho rằng chủ trương thành lập Đảng cộng sản bấy giờ là đúng lúc, là hợp thời. Nhưng còn vấn đề có nên duy trì Hội để coi nó như một mặt trận không thì đương còn là một điểm thảo luận.
Sau khi đoàn đại biểu Bắc Kỳ thoát ly hội nghị trở về nước, việc tổ chức Đảng Cộng sản càng được đẩy mạnh. Ngày 17-6-1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở Bắc Kỳ họp Đại hội tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Đại hội tán thành hành động của đoàn đại biểu Bắc Kỳ ở Đại hội và bàn kế hoạch xúc tiến việc thành lập Đảng Cộng sản. Theo kế hoạch, đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu Ban Chấp hành lâm thời, chỉ định Bí thư Tỉnh ủy và các Ủy viên phụ trách các địa phương, thảo Chính cương và Điều lệ Đảng dựa vào chương trình và điều lệ của Quốc tế cộng sản. Đồng thời, Đảng Cộng sản Đông Dương phát ra một bản tuyên ngôn nói về nhiệm vụ hiện tại của cách mạng Đông Dương, ấn định nhiệm vụ của Đảng và tuyên bố giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ngoài tổ chức đảng ra, các hội quần chúng cũng được xúc tiến thành lập với những điều lệ riêng. Báo “Búa Liềm” là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền chính thức của Đảng và xuất bản tạp chí “Công hội đỏ” chuyên về vận động công nhân. Chính vì chủ trương kịp thời và có cơ sở từ trước, nên trong một thời gian ngắn, Đông Dương Cộng sản Đảng đã thu hút được hầu hết những phần tử tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Bắc Kỳ, cả một số đảng viên Tân Việt ở Trung Kỳ. Những cuộc bãi công tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Gai, Vinh, Sài Gòn... đều do Đảng lãnh đạo nên ảnh hưởng của Đảng dội mạnh vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Báo Búa Liềm, cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Trước khi thống nhất vào Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 6-1-1930), Đông Dương Cộng sản Đảng là một tổ chức Cộng sản mạnh hơn cả so với An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng lúc đó là đáp ứng với xu thế tất yếu khách quan, yêu cầu của giai cấp công nhân. Ngoài ra, do Đông Dương Cộng sản Đảng đi trước bước đầu nên sau đó mới kế tiếp xuất hiện An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trước hết là tổ chức tiền thân của Đảng, đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình là người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho một Đảng Cộng sản chân chính ra đời ở Việt Nam. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã dẫn đến sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào tháng 8 và tháng 9-1929, trên đất nước ta. Sự ra đời của các tổ chức cộng sản là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Lịch sử cần ghi nhận những chiến sĩ cộng sản dũng cảm trong đội tiền phong của giai cấp vô sản Việt Nam đã dẫn đầu trong bước ngoặt lịch sử này của dân tộc.
NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tác giả: Diepkinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn