Từ bé, Đại tướng đã được cụ thân sinh dạy học tại nhà và sau đó đi học ở trường làng. Đại tướng luôn được bố mẹ rèn cặp, hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Đến năm 13 tuổi, Đại tướng vào học ở trường Quốc học Huế, sau ra Hà Nội học tiếp và đã hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của sinh viên, học sinh. Năm 1929, Đại tướng tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, sau đó tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục, làm thầy giáo dạy lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long và có nhiều bài viết cho các tờ báo ra công khai lúc bấy giờ như Tin Tức, Nhân Dân, Lao Động. Giai đoạn 1936-1939, Đại tướng là một trong những người sáng lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương và có nhiều hoạt động nổi bật về vấn đề đấu tranh đòi ruộng đất cho nông dân. Sau thời kỳ này, Đại tướng đã ra nước ngoài, hoạt động trong phong trào hải ngoại ở Trung Quốc.
Tháng 6-1940, Đại tướng được gặp Bác Hồ lần đầu tiên ở Thúy Hồ (Trung Quốc). Được sự dìu dắt của Bác, ngay trong năm 1940, Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1941, Đại tướng trở về nước hoạt động, tích cực tham gia thành lập Mặt trận Việt Minh và được giao phụ trách Ban Xung phong Nam tiến.
Cuối năm 1944, Bác Hồ tin tưởng giao cho Đại tướng chọn lựa những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất với những vũ khí tốt nhất, lập thành một đội vũ trang mang tên là “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Bác đã nói: Việc quân sự thì giao cho chú Văn (Văn là bí danh của Đại tướng). Sau một thời gian chuẩn bị, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập vào ngày 22-12-1944, tại một khu rừng ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sau này, khu rừng ấy được đặt tên là khu rừng Trần Hưng Đạo, còn Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước khi thành lập, Bác nói với Đại tướng là trong vòng một tháng phải có hoạt động. Điều kỳ diệu là chỉ hai hôm sau, vào ngày 24 và 25-12-1944, Đội đã liên tiếp đánh thắng hai trận vang dội, diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch.
Trong những ngày cả nước sục sôi khí thế cách mạng, khi chiến tranh thế giới lần thứ II đã dần ngã ngũ với thắng lợi thuộc về phe đồng minh thì ở căn cứ Việt Bắc, Bác bị ốm rất nặng. Lúc này, cán bộ Trung ương ở bên cạnh Bác chỉ có Đại tướng. Bác sốt liên tục, hễ tỉnh lại lúc nào là nói chuyện tình hình và nhiệm vụ cách mạng như có ý dặn lại mọi việc với Đại tướng. Trong những điều Bác dặn dò ấy, có một câu nói đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập!”.
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công thì thù trong giặc ngoài ráo riết chống phá, hòng bóp chết Nhà nước Cộng hòa non trẻ. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ra sức chèo lái vận mệnh sơn hà và đã phải nhân nhượng với kẻ thù nhiều điều nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Song những nhân nhượng ấy cũng có một số cán bộ chưa đồng tình. Để thông suốt chủ trương, trong một cuộc họp, Bác đã hỏi: “Mình đứng đây, cái bục ở đây - Bác chỉ vào cái bục ở ngay trước ngực - Mình có thể nhảy qua cái bục này được không?”. Mọi người ngạc nhiên, chưa biết Bác định nói gì, thì Bác chỉ tay vào Đại tướng: “Chú Giáp! Chú là người giỏi văn, giỏi võ, chú thấy có thể nhảy qua được không?”. Đại tướng từ tốn trả lời: “Thưa Bác! Có thể nhảy qua được với một điều kiện”. Bác hỏi tiếp: “Điều kiện gì?”. Đại tướng bình tĩnh đáp: “Thưa Bác! Mình phải lùi lại một khoảng để lấy đà”. Bác liền khen: “Chú nói đúng! Chúng ta nhân nhượng với giặc chính là đang lùi lại để lấy đà đấy!”.
Đến một cuộc họp Hội đồng Chính phủ sau đó, Bác Hồ hỏi Đại tướng: “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?”, Đại tướng trả lời: “Thưa Bác! Có thể giữ được một tháng”. Bác lại hỏi: “Các thành phố khác thì sao?”, Đại tướng trả lời: “Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn”. Bác hỏi tiếp: “Còn vùng nông thôn?”, Đại tướng trả lời: “Vùng nông thôn ta nhất định giữ được”. Sự trả lời vững vàng của Đại tướng làm cho Bác nhanh chóng quyết định “Ta lại trở về Tân Trào”, chọn căn cứ địa Việt Bắc làm Thủ đô kháng chiến. (Thực tế khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chúng ta đã giữ được Hà Nội hơn 2 tháng).
Xuân Mậu Tý 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã ra một vế đối: “Giáp phải giải pháp”, ý nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải chỉ huy quân đội đánh thắng giặc Pháp, nhưng vế đối khó ở chỗ 2 chữ Giáp phải khi nói lái sẽ trở thành giải pháp. Mọi người còn đang đăm chiêu suy nghĩ thì ông Tôn Quang Phiệt đứng lên xin đối là: “Hiến tài hái tiền”. Hiến chỉ Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến và Hiến tài nói lái sẽ trở thành hái tiền. Thật là hay! Vế xướng nói về kháng chiến, vế đối nói về kiến quốc, chính là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong thời kỳ này.
Cuối năm 1953, Đại tướng được giao nhiệm vụ ra mặt trận làm Tổng tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Bác Hồ đã căn dặn: “Chú ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, có toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng. Các chú nhất định phải thắng. Chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng, không đánh”. Nhớ lời căn dặn của Bác, khi đến Điện Biên Phủ, trực tiếp theo dõi tình hình địch suốt 11 ngày đêm, thấy địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, Đại tướng xét thấy phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không bảo đảm chắc thắng. Từ đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh, giải quyết nhanh thành đánh chắc, tiến chắc. Thực tế đã chứng minh sự thay đổi ấy là một yếu tố cực kỳ quan trọng để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Bác Hồ đã gọi đó là “cây cột mốc bằng vàng”.
Những chiến công của quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ luôn gắn liền với tên tuổi của Đại tướng. Là một vị tướng lừng danh thế giới, nhưng Đại tướng luôn coi mình là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đại tướng thường kể lại với mọi người về những ấn tượng sâu sắc trong lần đầu tiên được gặp Bác Hồ: “Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi! ở Bác toát ra một cái gì đó rất trong sáng, gần gũi. Một điều làm tôi hết sức cảm phục là khi nói chuyện với tôi, Bác nói rất nhiều tiếng địa phương. Tôi không ngờ một người xa đất nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng nói của quê hương...”
Theo Báo Bắc Ninh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn