Trong những ngày đầu vận động thành lập tổ chức Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ thường nhắc nhở mọi người: “Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng lớn mạnh, phải đoàn kết. Phải biết đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Các chú phải tuyên truyền làm cho từng người giác ngộ, phát động lòng yêu nước căm thù giặc, xây dựng tổ chức Việt Minh thật vững mạnh”. Từ đấy, Mặt trận Việt Minh phát triển rất mau chóng và rộng khắp trong cả nước, kêu gọi toàn dân nổi dậy Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đúng như tiên đoán của Bác Hồ trong lịch sử diễn ca: “Nay ta đã có Việt Minh/Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh, sự nghiệp hoàn thành”.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, để mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm thu hút các lực lượng chưa có điều kiện tham gia Việt Minh, tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập, gọi tắt là Hội Liên Việt. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Việt Minh và Liên Việt đã động viên và tập hợp được đông đảo nhân dân ta từ Bắc đến Nam tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam ngày đó có đoạn: “Quốc dân Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất Trung Nam Bắc, giữ cho lãnh thổ nước nhà được toàn vẹn, phá tan âm mưu tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam”. Tháng 3-1951, Việt Minh và Liên Việt đã mở đại hội hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, nhất trí bầu Bác là Chủ tịch danh dự. Nhân dịp này, Bác ân cần nhắc nhở: “Các đảng phái, đoàn thể và nhân sỹ trong Mặt trận phải đoàn kết chặt chẽ, thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ”. Hoạt động của Mặt trận Liên Việt đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta đến thắng lợi. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ còn xây dựng Mặt trận đoàn kết Việt - Miên - Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bác thành lập Mặt trận nhân dân thế giới (kể cả nhân dân Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam chống Mỹ).
Sau ngày hoà bình, để xây dựng miền Bắc và tiếp tục hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, tháng 5-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, nhất trí bầu Bác là Chủ tịch danh dự. Tháng 12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Đến năm 1968, Mặt trận đổi tên là Uỷ ban Trung ương Liên Minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam và nay là tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, từ Hội phản đế Đồng minh năm 1930 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm nay, nhiều lần thay đổi tên gọi, cương lĩnh, cơ cấu tổ chức cho phù hợp với thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam nhưng đều đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những bài học lịch sử ông cha để lại, kinh nghiệm của cách mạng thế giới, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với luận điểm của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, từ thực tế cách mạng nước nhà đã sớm giúp Bác Hồ nhận ra vai trò quan trọng của tổ chức Mặt trận… Bác đã khẳng định: “Cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, “muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết phải tập hợp cho được lực lượng cách mạng toàn quốc”. Muốn giải phóng dân tộc, nhất định phải phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả dân tộc. Vì thế, Bác cũng chỉ rõ “Cách mệnh là việc chung của dân chúng” và phải tổ chức “khối đoàn kết rộng rãi nhất, chưa từng có trong phong trào giải phóng dân tộc”. Bác cho rằng sự đoàn kết của các lực lượng cách mạng ấy, phải lấy cái gốc là liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngay từ năm 1921, Bác đã nói về vai trò của đảng cộng sản: “Chỉ có thành lập một đảng cộng sản mới đem lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”. Bác hoàn toàn tin tưởng vào dân tộc ta và các dân tộc trên bán đảo Đông Dương: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi, chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng mà thôi”. Để giáo dục cho cán bộ tin tưởng vào dân, dựa vào dân, có lần Bác đã đặt ra các câu hỏi và tự trả lời: “Ai làm cách mạng”. Trả lời: “Nhân dân”. “Ai kháng chiến thắng lợi?”. Trả lời: “Toàn dân”. Trong quá trình sáng lập và lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Bác đã đúc kết nên một chân lý chiến lược: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
Thước đo hiệu quả hoạt động của Mặt trận cũng như của người cán bộ mặt trận không chỉ ở những hoạt động bề nổi. Nó đòi hỏi một tầm cao mới, một chiều sâu mới, một phương pháp mới phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của đất nước ta trong từng thời kỳ cũng như trước những diễn biến phức tạp của thế giới. Cán bộ mặt trận của thời kỳ đổi mới rất cần có tư duy mới, gương mẫu và thực tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Cần chống căn bệnh hẹp hòi, thiên kiến, bè cánh, cục bộ địa phương, thiếu dân chủ thiếu đoàn kết.
Thực tế trong nội bộ Mặt trận cũng đang đòi hỏi xây dựng một tinh thần đoàn kết đúng đắn, cùng hướng về một mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Phải thực hiện đúng đắn các chính sách mặt trận của Đảng, của Nhà nước đi đôi với thực hiện các chính sách đối với cán bộ. Cần xem xét số đảng viên được Đảng cử sang làm công tác Mặt trận có khả năng đoàn kết, quy tụ mọi lực lượng cách mạng trong nước và ngoài nước, thực hiện đúng các nghị quyết của Đảng không? Nếu cần, bãi miễn những người không đủ tư cách làm công tác Mặt trận. Có như thế, hoạt động của Mặt trận mới tạo nên sinh khí mới theo đúng “ý Đảng, lòng dân”, nâng cao uy tín của Mặt trận trong thời kỳ đổi mới, xứng đáng là một thành viên trong hệ thống chính trị năng động và sáng tạo, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo TapchixaydungDang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn