Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là một nhà tư tưởng; là người khai lập và tham gia sáng lập nhiều tổ chức chính trị - xã hội. Ở Hồ Chí Minh có nhiều vị thế trong một con người: vừa là người sáng lập các tổ chức chính trị, xã hội, vừa là người giữ các chức vụ cao nhất của dân tộc - quốc gia và của Đảng Cộng sản Việt Nam, lại vừa là người trên thực tế chứng tỏ được tư chất lãnh tụ của mình và thực sự được toàn dân yêu nước và toàn Đảng Cộng sản Việt Nam tôn vinh là lãnh tụ.
Thực tế lịch sử chính trị của nhân loại cho thấy, không phải cứ sáng lập tổ chức chính trị, xã hội, giữ nhiều chức vụ cao và quan trọng thì cứ thế nghiễm nhiên được gọi là lãnh tụ. Lãnh tụ là một chuyện, còn lãnh tụ đó có phải là nhà tư tưởng hay không lại là một chuyện khác. Đã là một con người bình thường thì ai cũng có tư tưởng, chỉ với nghĩa là ý tưởng, thậm chí cao hơn là quan điểm. Nhưng, để được gọi là nhà tư tưởng, thì người đó phải đạt được một tổ hợp gồm những tiêu chí: 1) Có được một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề chính trị - xã hội đối với một cộng đồng quốc gia - dân tộc hoặc đối với cộng đồng quốc tế. 2) Có một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề chính trị - xã hội mang tính khoa học và cách mạng, khả thi, có ý nghĩa dẫn đường cho xã hội phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ. 3) Người đó phải dấn thân vào cuộc sống thực tế, trở thành một nhân vật cốt yếu nhất thực thi một cách tích cực nhất, có hiệu quả nhất những quan điểm của mình đã nêu ra. 4) Hệ thống quan điểm của người đó trên thực tế được cộng đồng thừa nhận và tổ chức thực hiện với tư cách là cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động(1).
Đối chiếu với những tiêu chí, yêu cầu trên đây thì Hồ Chí Minh xứng đáng được gọi là nhà tư tưởng. Và, với ý nghĩa như vậy thì hoàn toàn đúng khi nhiều người đặt tên là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thật đúng khi Đảng Cộng sản Việt Nam ghi vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011) cụm từ “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Như vậy, trên thực tế, có “tư tưởng Hồ Chí Minh” chứ không phải là không có, thậm chí một số người cho rằng, phải gọi là “học thuyết Hồ Chí Minh”, với nghĩa, theo họ, “học thuyết” lớn hơn “tư tưởng”.
Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng thì dẫn đến một vấn đề là có phương pháp luận Hồ Chí Minh(2). Phương pháp luận Hồ Chí Minh nằm trong phương pháp luận Mác - Lênin. Bởi vì chủ nghĩa Mác - Lênin là một cơ sở để hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Và như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin có quan hệ khăng khít với nhau. Nếu không có yếu tố “chủ nghĩa Mác - Lênin” thì không thể có “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nói một cách khác, nếu Hồ Chí Minh không tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần khẳng định một cách chắc chắn điều này bởi vì có một số người muốn đem tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời, thậm chí đối lập, với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu tách rời hoặc đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin thì hoàn toàn không đúng về mặt lý luận và cả về mặt thực tế.
Cũng giống như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không nên được vận dụng một cách giáo điều, mà vẫn rất cần được vận dụng và phát triển sáng tạo. Cái còn lại vĩnh viễn của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở phương pháp luận, ở bản chất vấn đề chứ không nằm trong hành vi, bởi vì hành vi chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp ở lúc này mà không phù hợp ở lúc khác. Cũng như bản thân C.Mác, Ph.Ăngghen nhiều lần tự cho rằng, những luận điểm của các ông nêu ra không phải là học thuyết (với nghĩa là đừng giáo điều) mà chính là nằm ở phương pháp biện chứng duy vật thống nhất trong chủ nghĩa duy vật biện chứng của triết học Mác. Chỉ có trên cơ sở nắm vững phép biện chứng duy vật này thì mới có những hành động đúng, tương thích với mọi biến đổi nhanh chóng của thời gian. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận mở, bởi vì nó luôn luôn nhận nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống.
Những vấn đề về phương pháp mà Hồ Chí Minh thể hiện nhiều khi chứa đựng cả những vấn đề lý luận và thực tiễn kết hợp nhau khó mà tách bạch. Những vấn đề thuộc về lý luận nhận thức của phương pháp luận lại là những vấn đề của phương pháp cụ thể mang tính lý luận hoặc đúc kết thành lý luận. Vì vậy, trong thực tế nghiên cứu phương pháp luận và phương pháp Hồ Chí Minh, có thể gọi một số nội dung vừa có tính phương pháp luận vừa là phương pháp. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” chẳng hạn, đó là nội dung của cả phương pháp luận và phương pháp cụ thể Hồ Chí Minh.
Phương pháp luận Hồ Chí Minh nằm trong phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử Mác - Lênin, được hình thành và phát triển qua quá trình hoạt động cách mạng của Người. Phương pháp luận đó chỉ đạo các phương pháp suy nghĩ và hành động trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và cuối cùng đi đến giải phóng con người. |
Có hai cách trình bày: hoặc trình bày riêng ra những nội dung phương pháp luận Hồ Chí Minh rồi mới trình bày những nội dung vận dụng phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay; hoặc trình bày xen lẫn vào. Trong bài viết này, tôi chọn cách thứ hai.
VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP LUẬN HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Có nhiều nội dung cần vận dụng phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Trong phạm vi bài viết, xin nêu lên bốn vấn đề.
1. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
Một số người cho rằng, Hồ Chí Minh không phải là nhà lý luận mà chỉ là người hoạt động thực tiễn có tài. Nhận định này không đúng, vì ở Hồ Chí Minh, tư duy và hành động kết hợp một cách nhuần nhuyễn với nhau, lý luận luôn luôn đi cùng thực tiễn, trong lý luận có chất thực tiễn đúc kết ở đó và trong thực tiễn có sự chỉ đạo của lý luận. Hồ Chí Minh hay nêu lên những cặp chỉnh thể, như học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm, lý luận kết hợp với thực tiễn, v.v.
Hồ Chí Minh nêu lên quan niệm về mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế… Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi… Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ… Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách… Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”(3).
Hồ Chí Minh vừa coi trọng lý luận vừa coi trọng thực tiễn vì thực tiễn khái quát nên lý luận và chính lý luận lại chỉ đạo thực tiễn. Ở Hồ Chí Minh, chúng ta thấy không có sự tuyệt đối hóa mặt nào giữa chúng. Thậm chí, nhìn xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh thì trong lý luận đã có thực tiễn, trong thực tiễn đã có lý luận; chỉ khi muốn nghiên cứu thật sâu với tư cách là một yếu tố chuyên biệt thì chúng ta mới có thể cắt lát riêng ra, nhưng việc cắt lát cũng chỉ là tạm thời trong một động thái nào đó của thao tác nghiên cứu, còn về bản chất của nội dung phương pháp luận này là sự thống nhất biện chứng “2 trong 1”.
Điều này phải được thể hiện ngay trong cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối đúng đắn của Đảng bao giờ cũng phản ánh sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Trong khoảng hơn ba chục năm trở lại đây, ở Việt Nam lý luận chính trị đã có một số biểu hiện của sự lạc hậu so với thực tiễn. Không ít những vấn đề thực tiễn không được lý luận soi sáng; nhiều vấn đề thực tiễn chưa được tổng kết hoặc tổng kết một cách chưa thấu đáo. Điều đó một mặt phản ánh sự biến chuyển nhanh chóng, khó lường của tình hình thực tiễn; mặt khác phản ánh thực trạng của công tác nghiên cứu lý luận còn nhiều hạn chế. Ở đây, cần nghiêm khắc nhìn về phía nguyên nhân chủ quan, tức là ở nhận thức tầm quan trọng của công tác này; ở việc tổ chức bộ máy; ở xây dựng đội ngũ nghiên cứu, tham mưu; ở phương pháp nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn chưa phù hợp, chưa đạt yêu cầu. Vận dụng phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay cần chú ý đặc biệt đến công tác này để khắc phục cho được tình trạng đó; đặc biệt có cả việc hoạt động của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong từng cá nhân, cũng phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn hiện nay đang đứng trước những yêu cầu lớn. Đó là khắc phục tình trạng dạy chay, học chay, chạy theo kiến thức, ít dạy và học về kỹ năng. Cần trở lại quan điểm có tính phương pháp luận mà Hồ Chí Minh ghi trong quyển sổ của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tháng 9/1949: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công, vô tư”(4). Có như thế mới khắc phục được tình trạng đào tạo, bồi dưỡng chưa thiết thực, còn nặng về lấy chứng chỉ, bằng cấp, mà chưa chú trọng đúng mức tới việc học để hiểu biết lý luận, vận dụng lý luận vào thực tế; tổng kết thực tiễn để bổ sung cho lý luận trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Tính bao quát, có trọng điểm
Hồ Chí Minh nhìn sự vật và hiện tượng trong một tổng thể vận động với những cái chung và cả những cái riêng, những đặc điểm trong sự vận động cụ thể của điều kiện hoàn cảnh nhất định nào đó và xem xét chúng trong xu thế chung. Trong cuộc sống, Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ điều đó khi đặt con người nằm chung trong một thực thể của tự nhiên để hòa đồng với thiên nhiên, thân thiện với thiên nhiên, tác động thuận cho thiên nhiên tươi tốt hơn chứ không vùi dập, làm xấu, làm hỏng thiên nhiên. Hồ Chí Minh cũng đặt mọi hoạt động của con người vào sự vận động chung của xã hội mà con người cần là và thực tế là một thực thể tác động tích cực vào xã hội để tạo ra sự tiến bộ xã hội. Vì coi tính bao quát là một nguyên tắc tư duy và hành động, như là một phương pháp luận, cho nên Hồ Chí Minh xem xét cách mạng Việt Nam trong quan hệ tổng thể với cách mạng thế giới. Cũng chính vì thế mà Hồ Chí Minh rất ghét căn bệnh địa phương chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, biệt phái, hẹp hòi, cục bộ và hàng loạt căn bệnh khác nữa nói lên sự tách rời cái riêng ra khỏi cái chung. Người coi một con người như là một bộ phận trong một cỗ máy khi vận động tương tác nhau.
Trong khi nhìn bao quát, phương pháp luận Hồ Chí Minh còn chỉ rõ điểm nhấn, cái bộ phận nào có tính trọng điểm để hướng hành động một cách tập trung ưu tiên vào đó. Trọng điểm này có khi không phải là trọng điểm của cả một quá trình dài mà chỉ là trọng điểm của một giai đoạn, một thời kỳ nào đó mà thôi. Khi nhìn lực lượng cách mạng, Hồ Chí Minh nhìn thấy trước hết là lực lượng lãnh đạo, lực lượng “gốc” là công nông rồi nhìn bao quát cả “đồng bào”. Hồ Chí Minh hay có cách nói, cách viết chỉ ra cho mọi người rõ cái “gốc”, cái nền tảng của vấn đề, chẳng hạn: cán bộ là cái gốc của mọi công việc; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng; gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân; dân là gốc của nước; đạo đức cách mạng là gốc của cây, là nguồn của sông, là cái căn bản của con người, v.v. Với phương pháp luận này, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cho những người cách mạng giải quyết một cách biện chứng, đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp ở Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời, với phương pháp luận này, Hồ Chí Minh đã tìm thấy điểm tương đồng, từ đó nhân lên điểm tương đồng, hạn chế điểm khác biệt trong các giai cấp, tầng lớp của xã hội Việt Nam để tạo ra lực lượng cách mạng tổng hợp giành thắng lợi. Khi nhìn nhiệm vụ thì Hồ Chí Minh thấy rõ những việc “cần kíp”, “cần thiết” trong từng giai đoạn để tập trung nguồn lực vào giải quyết cho có hiệu quả.
Học tập và làm theo phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, cả tổ chức và cả từng cán bộ, đảng viên phải:
1) Có tầm nhìn xa và sâu về mục tiêu, con đường phát triển. Đó là yêu cầu về tính bao quát. Muốn như vậy thì phải có tầm trí tuệ, nghĩa là phải có năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Năng lực này không tự nhiên mà có, nó được tích lũy qua quá trình hoạt động của Đảng và sự phấn đấu bền bỉ của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực tế.
2) Cần chú trọng hơn nữa việc tổng kết quá trình thực thi những nhiệm vụ đã đặt ra. Trong tổng kết, cần chú trọng tìm tòi những quy luật vận động của tình hình. Có như thế Đảng mới có những quyết sách phù hợp thực tế, có cái nhìn bao quát, không những cho cả một thời kỳ dài mà còn cho cả những nhiệm vụ trước mặt của từng giai đoạn nhỏ. Quy luật cần được tôn trọng, nếu vi phạm thì sẽ bị quy luật trừng phạt. Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 và nhiều Đại hội tiếp theo đều nhấn mạnh vấn đề phải tôn trọng quy luật khách quan. Ở đây thuộc về bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người lúc nào, bao giờ cũng bình tĩnh, thanh thản, và do như thế cho nên Người có những quyết sách đúng. Sở dĩ như vậy là Người có bản lĩnh chính trị cao cường, có tầm nhìn xa, rộng, sâu, nắm được quy luật, chiều hướng phát triển của sự vật và hiện tượng, làm chủ được bản thân mình. Phương pháp luận này giúp cho Hồ Chí Minh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác gềnh, hiểm nguy để tới đích quang vinh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cương lĩnh là tầm nhìn xa. Cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận - thực tiễn trong nước và thế giới để bổ sung và phát triển nó như đã từng bổ sung và phát triển năm 2011. Đảng đã có những nghị quyết cho từng khóa đồng thời có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ít nhất từng chặng 10 năm. Đó cũng có thể coi là sự phản ánh tầm nhìn bao quát và có trọng tâm, trọng điểm. Nhưng, quan trọng hơn là cần xác định, làm rõ thêm những vấn đề tầm nhìn như thế đã đúng chưa, đồng thời cần điều chỉnh ở khâu nào, có phải do chủ quan duy ý chí như Đảng đã tự phê bình không. Hơn nữa, nhiều chính sách quốc gia (phần nhiều là biểu hiện trọng tâm, trọng điểm ở từng giai đoạn nhỏ - thường được hiểu là các giải pháp đột phá) cần được xem xét cho phù hợp và mang tính hiệu quả.
3. Luôn luôn giải phóng, đổi mới và phát triển
Hồ Chí Minh nhìn sự vật và hiện tượng trong một trạng thái vận động không ngừng. Đó là một quá trình giải phóng mọi trở lực: trở lực bên ngoài, trở lực bên trong, thậm chí trở lực nằm ngay trong mỗi tổ chức của hệ thống chính trị, trong mỗi con người, để phát triển bền vững. Phương pháp luận Hồ Chí Minh về điểm này là ở chỗ tổ chức chính trị - xã hội và con người phải luôn luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Muốn thích nghi, phải luôn luôn tự đổi mới để phát triển. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn luôn nhanh nhạy với cái mới. Quá trình phát triển là quá trình phủ định biện chứng cái cũ, nhân lên yếu tố mới. Đó cũng là quá trình luôn luôn giải phóng, giải phóng mọi sự ràng buộc lạc hậu để bắt kịp những điều tiến bộ.
Từ sớm, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Hồ Chí Minh đã không ít lần tuyên bố chính sách “mở cửa và hợp tác”(5), tức là có ý thức chủ động đổi mới và phát triển. Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc năm 1946, Hồ Chí Minh nêu:
“Trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:
1 - Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.
2 - Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.
d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”(6).
Thật đáng ngạc nhiên về tầm nhìn xa và rộng của Hồ Chí Minh, vì quan điểm đổi mới để phát triển, mở cửa và hợp tác trên đây được đặt ra từ rất sớm và có tính nhất quán ở Hồ Chí Minh. Điều này nói lên tính phương pháp luận của sự phát triển. Phát triển là một quá trình tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ và luôn luôn sửa đổi bản thân mình, biết kế thừa những yếu tố tiến bộ đã và đang có. Cũng trên tinh thần đó, đối với công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình, coi đó là quy luật tồn tại và phát triển của bản thân Đảng.
Đất nước Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhưng trong điều kiện giai đoạn hiện nay là mở cửa, hội nhập quốc tế trong khi quốc tế có những biến chuyển nhanh chóng, khó lường, phức tạp, vừa có những thời cơ để phát triển, vừa có những thách thức, nguy cơ. Với phương pháp luận Hồ Chí Minh, đất nước càng cần có sự đổi mới lớn hơn, cập nhật tình hình nhanh hơn và cần chú ý tới tính hiệu quả lớn hơn để cho đất nước phát triển bền vững. Đổi mới, giải phóng và phát triển, theo phương pháp luận Hồ Chí Minh phải bảo đảm cho thế chân vạc của đất nước thật vững, đó là: 1) Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; 2) Chủ nghĩa xã hội; 3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế đứng đó muốn vững phải luôn luôn được phát triển sáng tạo. Giáo điều là con đường chết của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Đương nhiên, sáng tạo ở đây không phải là thoát ly bản chất của thực thể mà từ đó sáng tạo. Tiếp cận mục tiêu phát triển của đất nước Việt Nam, theo phương pháp luận Hồ Chí Minh, là ở sự phát triển bền vững, chứ tuyệt nhiên không phải ở chỗ tăng trưởng kinh tế, đành rằng, tăng trưởng kinh tế là một trong nhiều tiêu chí bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Nếu chỉ chú trọng tới tăng trưởng kinh tế thôi, thậm chí tăng trưởng bằng mọi giá, thì sẽ sa vào kinh tế phiệt - điều trái hoàn toàn với phương pháp luận Hồ Chí Minh. Một vấn đề nữa là, ở đây đổi mới, giải phóng và phát triển còn là giữ được chủ quyền. Chủ quyền ở đây không chỉ là lãnh thổ mà chủ quyền còn bao hàm cả nhận thức, ở đường lối, quan điểm, không bị sức ép từ bên ngoài, không lệ thuộc bên ngoài, không làm theo bên ngoài mà không chịu nhìn vào thực tế đất nước.
4. Mọi suy nghĩ và hành động đều thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn
Giải phóng cho con người theo chủ nghĩa nhân văn mácxít là mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản. Ở xã hội cộng sản, mà Hồ Chí Minh đã ghi thành mục tiêu của cách mạng Việt Nam khi xác lập cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, thì con người được giải phóng khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, con người làm chủ xã hội, ở đó con người sống trong tự do thật sự. Vấn đề có tính phương pháp luận Hồ Chí Minh là ở chỗ, mọi suy nghĩ và hành động, mọi lúc, mọi nơi, người cách mạng đều phải hướng tới mục tiêu giải phóng đó. Mọi công cuộc giải phóng trước đó, như giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, đều chỉ là mục tiêu của từng chặng đường, chỉ có con người được giải phóng toàn diện, được ngự trị ở vương quốc tất yếu của tự do, thì đó mới thực sự là mục tiêu cuối cùng và cao cả nhất.
Chính vì thế, thước đo duy nhất cho hiệu quả tư duy và hành động của người cách mạng, của tổ chức cách mạng Việt Nam là ở chỗ đưa lại quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Mọi suy nghĩ và hành động trái với lợi ích đó đều là những yếu tố có tính chất đi ngược lại với nguyên tắc phương pháp luận Hồ Chí Minh.
Nội dung phương pháp luận này của Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cho cách mạng Việt Nam hiện nay cần vận dụng là:
1) Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa chính là một xã hội đi tới giải phóng con người. Mọi suy nghĩ và hành động hiện nay làm tổn hại tới mục tiêu và con đường đó đều trái với phương pháp luận Hồ Chí Minh. Không vì hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn; không vì trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước đây và hiện nay có một số tiêu cực, thậm chí nảy sinh một số quái thai; không vì trong thực tế ở Việt Nam có điều này điều nọ tiêu cực mà đi đến phủ nhận mục tiêu và con đường đó để đi theo con đường khác.
2) Lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm thước đo cho trình độ lãnh đạo của Đảng cũng như hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Với nội dung phương pháp luận này của Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung, cán bộ, đảng viên phải hành động trên tinh thần phục vụ nhân dân. Tất cả vì con người, mà cụ thể ở đây là tất cả vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, đó chính là chương trình hành động lớn nhất của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Khác với C.Mác, Ph.Ăngghen khi coi đảng cộng sản là bộ phận tinh túy nhất của giai cấp vô sản đại công nghiệp; khác với V.I.Lênin khi coi đảng cộng sản là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh coi Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị từ trong xã hội mà ra, là Đảng con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động; vì thế Đảng chính là con của dân, là có quan hệ máu thịt với nhân dân. Vì vậy, Đảng phải làm tròn chữ Hiếu đối với nhân dân.
3) Đảng và hệ thống chính trị nói chung cũng như cán bộ, đảng viên phải “nâng cao dân chúng”, nghĩa là phải làm cho dân giác ngộ cách mạng, để luôn luôn trở thành “dân tiên tiến”. Đảng không được coi mình là một nhóm tách rời nhân dân để đi đến nhận thức và hành động cho lợi ích nhóm. Bản chất vấn đề ở đây là ở chỗ: mục đích của Đảng và của nhân dân, của Tổ quốc là một. Đồng thời, tránh thói mị dân, tránh “theo đuôi quần chúng”. Sự nghiệp giải phóng con người, tức là theo chủ nghĩa nhân văn, do chính bản thân con người gánh lấy, nhưng hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, phải là tổ chức luôn luôn tiên phong dẫn lối đưa đường. Đảng phải là tổ chức tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”(7).
4) Vấn đề vị trí, vai trò của nhân dân ở Việt Nam đã được Hiến pháp, pháp luật quy định rõ ràng. Trách nhiệm của Đảng đối với dân cũng đã được ghi rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng. Vấn đề là ở chỗ thực hiện trong thực tế như thế nào cho có hiệu quả. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân vẫn là yêu cầu số một hiện nay.
5) Muốn bồi đắp và luôn luôn thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, trước hết, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải làm gương trong cuộc sống, trong mọi lĩnh vực công tác. Phải hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng, của nhân dân, như quan điểm của Hồ Chí Minh: “Giàu sang không thể quyến rũ/Nghèo khó không thể chuyển lay/Uy lực không thể khuất phục”(8), như yêu cầu tư cách của người cách mạng được Hồ Chí Minh ghi trong trang đầu cuốn sách Đường cách mệnh: “Ít lòng tham muốn về vật chất”(9). Đó cũng là điều Hồ Chí Minh gửi gắm trong Di chúc: “Về việc riêng. Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Không phải tiếc vì chưa có vật chất đủ đầy, chưa có cuộc sống cao sang, mà tiếc là không còn sống lâu hơn nữa để phục vụ nhân dân. Đó là sự nuối tiếc đong đầy chủ nghĩa nhân văn của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Điều này, chúng ta cũng thấy trong bài trả lời phỏng vấn của Hồ Chí Minh với các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”(10).
Gương sáng của cán bộ, đảng viên là cực kỳ quan trọng đối với giáo dục con người, là điểm quy chiếu cho mọi suy nghĩ và hành động hướng tới chủ nghĩa nhân văn. Hồ Chí Minh đã dạy: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(11); “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu (...) nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”(12); “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất”(13)...
Muốn học tập và làm theo những vấn đề phương pháp luận Hồ Chí Minh, ít nhất phải có ba điều: có tâm thế chủ động, tích cực; hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung phương pháp luận; làm cho phù hợp. Những nội dung phương pháp luận Hồ Chí Minh cần được vận dụng sát hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới giai đoạn hiện nay để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Vận dụng cho đúng là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay để làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn là một tổ chức chính trị xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
_______________________
(1) V.I.Lênin cho rằng: ““Nhà tư tưởng” chỉ xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng khi nào họ đi trước phong trào tự phát, chỉ đường cho nó, khi nào họ biết giải quyết, trước những người khác, tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề về tổ chức mà “những yếu tố vật chất” của phong trào húc phải một cách tự phát” (V.I.Lênin: “Mạn đàm với những người bảo vệ chủ nghĩa kinh tế”, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.5, tr.445-446).
(2) Cho đến nay, vẫn đang còn những ý kiến khác nhau về vấn đề có phương pháp luận Hồ Chí Minh hay không.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.273, 274, 275.
(4) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.
(5) (6) (10) (12) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.523, 523, 187, 558, 558.
(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t.34, tr.122.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.280.
Văn Khang (Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn