Biết dùng người, không lo thiếu cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân tố con người là vấn đề có tính chất phương pháp luận quan trọng nhất và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Quan niệm của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước.
Người nhận thấy rất rõ vị trí, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như đối với sự phát triển của cả nhân loại. Do vậy, nhân tài phải được phát huy, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Đồng thời, Người cũng khẳng định rằng một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Theo Hồ Chí Minh, khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ và chính Người cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Người chủ trương phải “tìm người tài đức” vì “kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, một vấn đề rất quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đó là người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Đây là điểm mấu chốt của việc phát huy nhân tài trong sự nghiệp cách mạng. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng và nó cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.
Trong thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới. Tháng 01-1946, trong tình thế cách mạng diễn biến hết sức phức tạp, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công, lập ra Quốc hội dân chủ nhân dân đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt mới trong đời sống chính trị của người lao động Việt Nam. Điều đặc biệt, thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc các tầng lớp khác nhau, trí thức Hán học có các nhân sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe..., trí thức Tây học có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết dân tộc chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc. Trong các giai đoạn cách mạng sau này, Người đã thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tài năng tham gia vào cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Cần có chiến lược phát triển nhân tài
Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trên cương vị là Chủ tịch nước, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện các thế hệ cách mạng luôn là sự quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn ân cần dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập khu vực và thế giới, vấn đề trọng dụng nhân tài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh và có thể khẳng định, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trở thành bài học quý còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian vừa qua, đội ngũ nhân tài nước ta có bước phát triển đáng kể, phát huy được vai trò tích cực cho sự phát triển đất nước. Thực tiễn qua 30 năm thực hiện quá trình Đổi mới chúng ta càng thấy rõ điều này. Tuy nhiên, so với yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, vấn đề sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức nói chung, nhân tài nói riêng ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập và hạn chế.
Để khắc phục tình hình trên và có cơ sở đề ra những phương hướng, biện pháp đúng đắn trong việc bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài ở nước ta nhằm phục vụ sự nghiệp Đổi mới đất nước, trước hết, Đảng, Nhà nước phải xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nhân tài, bởi kinh nghiệm cho thấy, trong thời kỳ hiện đại, nhiều nước đã coi việc “cầu hiền tài” là một chiến lược phát triển quốc gia. Đây là một vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Xã hội càng phát triển thì vai trò của trí thức nói chung và nhân tài nói riêng càng có vị trí, vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá để nhận diện nhân tài, phải xuất phát từ đặc điểm, tính chất của từng lĩnh vực hoạt động để phát hiện đúng và thu hút được nhân tài phù hợp. Cần học tập cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát hiện nhân tài bằng hai cách: Tự đề cử và đề cử, khuyến khích mọi người dân, cán bộ, công chức săn tìm, phát hiện và tiến cử nhân tài trong xã hội.
Thêm vào đó, cần áp dụng các hình thức phát hiện, thu hút nhân tài phù hợp với từng lĩnh vực và điều kiện của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Không chỉ phát hiện những nhân tài đã lộ rõ, mà quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng chính sách thích hợp để thu hút được những nhân tài tiềm năng. Song song với đó, để thu hút và trọng dụng nhân tài rất cần chính sách về tôn vinh lẫn chính sách khuyến khích vật chất, đồng thời tạo lập môi trường, điều kiện làm việc, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất và cơ chế dân chủ cho cống hiến, sáng tạo và cần có chiến lược thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Những năm tới đây chúng ta sẽ được chứng kiến sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Xét cho cùng, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào của đất nước, cốt lõi của thành công chính là việc chúng ta đi lên bằng trí tuệ của con người Việt Nam, vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài là việc cần thiết và rất quan trọng. Chúng ta cần kịp thời nhận thức đầy đủ vai trò của người hiền tài và có cách thức sử dụng nhân tài hợp lý nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước./.
TS. Doãn Thị Chín, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn