Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ năm - 20/02/2020 22:44
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người luôn dành tất cả sự quan tâm, chăm lo và dành tình cảm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong tư tưởng của người, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số.

Khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”

Bên cạnh việc đấu tranh giành độc lập, Bác luôn chăm lo và tâm huyết với chính sách phát triển kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 10/1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh ba vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải chú trọng, đó là: 1) Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Ðây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số...; 2) Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay; 3) Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần.

Chính vì vậy, từ tư tưởng đến hành động chỉ đạo của người đã trở thành kim chỉ nam cho Trung ương Ðảng và Chính phủ khi xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Cụ thể là tập trung cho ba vấn đề lớn: 1) Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số; 2) Xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; 3) Xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
 
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn coi trọng công tác dân vận đồng bào: từ việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ để đồng bào nhận thức sâu sắc hơn về ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, đến việc làm cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất, để từng bước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Trong đó, yếu tố quyết định để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào chính là tinh thần tự nỗ lực, tự phấn đấu vươn lên của mỗi dân tộc, song cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng, Chính phủ và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, nhất là các dân tộc anh em sinh sống trên cùng một địa bàn. Sự ưu tiên, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương góp phần tạo nên nguồn sức mạnh cộng sinh, tổng hợp, khơi thức nội lực của từng dân tộc sẽ thiết thực nhân nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và đó chính là củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của đồng bào, chứ không phải bao biện, làm thay, thủ tiêu tinh thần tự lực cánh sinh của đồng bào các dân tộc cùng sống trên dải đất hình chữ S.

Cũng theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện một cách đa dạng, thiết thực, hiệu quả, linh hoạt hơn nữa công tác dân tộc và chiến lược đoàn kết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với chức năng nào việc làm nấy, học tập tư tưởng của người, tổ chức Đoàn từ Trung ương đến địa phương cần  đặc biệt quan tâm đến đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số để giúp đỡ, hỗ trợ cũng nhau phát triển. Qua chăm lo đời sống, gắn với vận động, tuyên truyền, định hướng cho bà con đi theo đúng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và hỗ trợ bà con tiếp cận được các vấn đề phát triển mới của xã hội, theo kịp sự phát triển của xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất khoảng cách, trình độ  về kinh tế - văn hóa – xã hội trong mọi mặt của đời sống. Tổ chức đoàn cần bắm sát, gần gũi  và có hoạt động thiết thực chăm lo đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ đoàn viên, thanh thanh niên vùng dân tộc thiểu số phát triể kinh tế, khởi nghiệp, xây dựng các điểm vui chơi cho thiếu nhi…Với vai trò của mình, cần chủ động tham mưu cấp ủy tạo nguồn cán bộ Đoàn là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phải luôn giữ vững hình ảnh đẹp của người cán bộ Đoàn, người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngại khó, ngại khổ. Sống và gần gũi với nhân dân, lan tỏa sức mạnh khối đại đoàn kết tòan dân tộc đến từng người dân, thanh thiếu nhi mọi vùng miền.

Các tổ chức Đoàn quán triệt sâu sắc trong nhận thức và trong hành động của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần bình đẳng dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, chống sự hẹp hòi dân tộc, tính kỳ thị, cục bộ địa phương và tâm lý tự ti dân tộc. Các dân tộc anh em đoàn kết máu thịt, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, tôn trọng và có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của đất nước, của từng dân tộc. Đồng bào dân tộc lắng nghe bằng lý trí, nhưng cũng nghe bằng tấm lòng. Trong công tác chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần chú ý “của cho không bằng cách cho”, làm sao thể hiện được tấm lòng và sự xuất phát từ tình thương yêu chân thành đồng bào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”. Tấm lòng và tư tưởng đó của Người vẫn giữ nguyên giá trị trong quá trình  xây dựng và triển khai các chính sách dân tộc hiện nay.

Thu Hà

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây