Chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng
Với mục đích giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, cách đây 94 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ báo cách mạng trong nước “Thanh Niên”. Như vậy, tờ báo Thanh Niên ra đời đã vận động, góp phần vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm sau đó. Tờ báo là một trong những nguồn sản sinh ra dòng thác cách mạng ở nước ta, đem lại ánh sáng và lòng tin cho nhân dân cùng khổ Việt Nam trong những ngày cực kỳ đen tối.
Báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng, là công cụ không thể thiếu của chính quyền. Nó có tác dụng giáo dục, giác ngộ quần chúng, đem lại ý thức tự giác xây dựng trật tự kỷ cương cách mạng, giữ gìn và bảo vệ chế độ. Trong mọi tình huống phức tạp của xã hội, báo chí có chức năng hướng dẫn dư luận quần chúng, vận động họ có ý thức và hành động phù hợp với sự phát triển lành mạnh và đúng định hướng của đất nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, đòi hỏi báo chí càng phải phát huy hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần phản ánh góc nhìn của đông đảo tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo cũng là chiến sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng cho nên hơn ai hết, nhà báo phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, với đất nước. Mỗi khi đặt bút viết hay làm bất kỳ công việc nghề nghiệp gì, nhà báo cũng phải luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Vì ai mà làm? Làm với mục đích gì? Phục vụ ai? Người nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững vàng. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được”(1).
Việc trau dồi, rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức là đòi hỏi tất nhiên của nhà báo - người chiến sĩ cách mạng để đáp ứng yêu cầu của những nhiệm vụ công tác quan trọng, nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Bởi vậy, người làm báo phải “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(2).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của báo chí, người làm báo cách mạng phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để “lưu danh thiên cổ”, “muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”.
Bám sát thực tiễn cuộc sống, phục vụ nhân dân
Đối với nhà báo, Người quan niệm, gần dân trước hết là phải đi sâu, đi sát thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Phải “từ trong quần chúng ra, chứ cứ đóng cửa lại, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết” thì không thể viết thiết thực, “không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”(3).
Điều này đối lập với hành vi quan liêu, xa dân, viết những điều dân không hiểu, không muốn đọc, không muốn nhớ. Chỉ với một chi tiết nhỏ nhưng nếu nhà báo không chú ý, không gần dân thì khó có thể viết hay, viết sát với cuộc sống của dân. Tiếp đến, người làm báo phải viết những bài báo hợp lòng dân, phản ánh những vấn đề thiết thực với quần chúng nhân dân như: họ cần cái gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì... Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết đều phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
Muốn vậy, người làm báo phải học cách tìm tài liệu trong dân, phải biết cách lắng nghe, phải biết cách hỏi, phải đến tận nơi dân, để tận mắt trông thấy; và khi viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng hợp với trình độ nhân dân. Bởi vì, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Người nhắc nhở không nên viết “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống” lãng phí giấy mực, thời gian, tiền của của nhân dân.
Phân tích một cách sâu sắc về lý do phải viết ngắn gọn, Người viết: “Trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thời giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”(4).
Muốn viết ngắn gọn, dễ hiểu thì người làm báo phải làm gì? Người cũng chỉ rõ: Đó là phải học cách nói của quần chúng thì khi nói, khi viết mới lọt tai quần chúng. Viết xong một bài thì phải tự mình đọc kỹ, xem đi xem lại nhiều lần để sửa chữa những từ ngữ khó hiểu, mập mờ. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào mà họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu, cho phù hợp với trình độ của đại chúng nhân dân.
Một trong những điều cần phải có của một nhà báo chân chính, đó là phải biết giữ bí mật. Dù ở đâu, làm gì, gặp ai, nhà báo cũng cần phải luôn có ý thức giữ bí mật. Bởi theo Người, “những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc”.
Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; năm 2019 cũng là năm trước thềm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hơn lúc nào hết, đội ngũ những người làm báo Việt Nam càng phải phát huy truyền thống tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; luôn xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đồng thời, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chủ động trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. Chú trọng tuyên truyền những mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ; xây dựng môi trường thông tin lành mạnh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, củng cố niềm tin, tạo động lực tinh thần, thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. |
Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn