Phong Cách Ứng Xử, Ngoại Giao Linh Hoạt, Uyển Chuyển Của Bác

Thứ năm - 23/07/2020 23:14
Trong phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh luôn có sựu linh hoạt , uyển chuyển và rất tự nhiên, không có sự câu nệ. Ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của đất nước Bác phải tiếp xúc rất nhều đoàn khách nước ngoài, nguyên thủ quốc gia các nước, trong những sự kiện đó Bác đều để lại những dấu ấn ngoại giao rất sâu sắc
TD PhongcachungxungoaigiaocuaBac 2018 10 1
TD PhongcachungxungoaigiaocuaBac 2018 10 1

 

Nói đến ngoại giao là gắn với đối ngoại, với Bác có thể là đối ngoại với mọi tầng lớp nhân dân, đối ngoại với bạn bè quốc tế, với nhân dân các nước trên thế giới  và đối với cả kẻ thù. Một chi tiết được chú ý nhất trong công tác đối ngoại của Bác khi bị Pháp gài bẫy: Một lần Bác sang thăm nước Pháp theo lời mời, họ đón tiếp Bác rất trịnh trọng, tổ chức duyệt binh. Bác mặc bộ quần áo ka ki giản dị xung quanh là nguyên thủ quốc gia và các tướng lĩnh của Pháp. Bác chuẩn bị giơ máy ảnh chụp đoàn diễu binh, người Pháp hỏi Bác một câu đầy khiêu khích: “Trong giờ phút như thế này, Chủ tịch có cảm giác như mình đang bị bao vây không?” – Bác trả lời mà kẻ thù không ngờ tới – “Các ngài nhầm to; các ngài chỉ là khung ảnh của tôi thôi, tôi mới là tấm ảnh. Nhờ có tấm ảnh nên cái khung kia mới có giá trị, không thì vứt đi”. Bác đã thông minh, ứng phó trong giao tiếp để biến bại thành thắng, biến bị động thành chủ động, biến nguy thành yên, đó chính là bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Cũng trong chuyến thăm Pháp lần đó, họ đưa Bác đến thăm một chiến hạm để dương oai, uy hiếp tinh thần của chúng ta. Đứng trước khung cảnh đó, bình thản, ung dung Bác tiến lại gần và đưa tay bịt nòng pháo. Hành động đó Bác gửi lời với người Pháp rằng, Việt Nam rất ưa chuộng hòa bình, nhưng Việt Nam cũng không sợ chiến tranh nếu kẻ thù xâm lược đất nước.

Một câu chuyện nữa là khi Bác phong hàm Đại tướng đầu tiên cho Võ Nguyễn Giáp, năm 1948 ở Định Hóa, Thái Nguyên, khi ấy đồng chí Võ Nguyễn Giáp mới 37 tuổi. Phóng viên nước ngoài hỏi Bác một câu đầy ẩn ý: Chủ tịch có thể cho biết nguyên tắc phong tướng của mình được không? (ý họ muốn chê bai chúng ta là chiến tranh du kích, không có hải, lục, không quân thì phong tướng tá gì…) - Bác biết hàm ý họ muốn hỏi nên ung dung trả lời: Nguyên tắc của tôi rất đơn giản và rất dễ áp dụng, đó là “thắng cấp nào tôi thăng cấp đó”. Vì chúng tôi làm chiến tranh du kích nên phong tướng cũng theo kiểu “du kích” - Bác giải thích thêm, đã thắng Đại tướng thì đương nhiên ông Võ Nguyên Giáp cũng là Đại tướng…

Một câu chuyện khác cũng rất thuyết phục ở phong cách ngoại giao của Bác. Trong bàn tiệc hoa lệ với Tổng thống Pháp tại Pari, Bác đứng lên thản nhiên lấy quả táo to nhất đút túi dưới sự chứng kiến của nhiều phóng viên ảnh, quay phim. Mọi người bỡ ngỡ vì hành động đó, đến khi ra khỏi cửa bàn tiệc, bà con Việt kiều, các cháu thiếu niên đang đứng chờ ở đó rất đông. Bác ân cần bế một cháu bé lên tay và lấy quả táo trong túi đưa cho cháu. Lúc bấy giờ các quan khách mới vỡ ra một lý lẽ của Hồ Chí Minh. Phong tục của chúng ta là đi ăn cỗ lấy phần cho trẻ nhỏ, Bác thương yêu các cháu hồn nhiên như vậy mà không câu nệ gì.

Tại hội nghị Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 ở Liên Xô, Bác có bài tham luận vô cùng nổi tiếng, trong lúc đang trình bày tham luận, mồ hôi vã trên trán, Bác tìm khăn tay để lau nhưng đi vội nên Bác không mang theo. Bàn dành cho chủ tịch có một phụ nữa người Liên Xô tên là Vê – ra rất ngưỡng mộ Bác nên đã lấy khăn tay đưa Bác. Bác lấy lau mồ hôi xong và cám ơn bà Vê – ra, như thói quen thường tình Bác đút khăn vào túi mình rồi tiếp tục trình bày tham luận. Hôm sau Bác đến sớm và trả khăn tay đã giặt là, sạch sẽ cho bà Vê – ra và không quên cảm ơn bà. Bà Vê – ra nói với Bác một câu tiếng Nga: Người Nga đã yêu ai và đã trao khăn thì không bao giờ lấy lại. Bác đáp lại: Dân tộc nào cũng có phong tục tập quán riêng, người Việt Nam chúng tôi có câu “Yêu nhau thì cởi áo cho nhau”. Bác hòa vào tấm lòng bè bạn quốc tế một cách thân tình và cảm động đến như vậy đấy.

Năm 1968, một năm trước khi Bác mất, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng Bác vẫn có thể tiếp khách quốc tế, đoàn khách quốc tế lần này toàn phụ nữ nổi tiếng hoạt động chính trị - xã hội đến thăm Việt Nam và đến chào Bác.

Bác dặn chúng ta là không cần phiên dịch, Bác nói chuyện với đại biểu từng nước bằng ngôn ngữ của nước đó. Điều này đã chiếm tình cảm đặc biệt của mọi người dành cho Bác. Khi chia tay tiễn khách ra khỏi phòng, Bác tặng mỗi phụ nữ một đóa hoa Hồng. Sáng hôm sau, báo chí cả thế giới đã đưa tin: Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng mà vẫn “ga lăng” như thường.

Với bạn bè, đồng chí, câu chuyện ngoại giao của Bác cảm động nhất là với nước bạn Lào, “Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long; hạt muối cắn đôi – cọng rau bẻ nửa”. Hoàng thân Souphanouvong, người đã từng đến Việt Nam dự Đại hội lần thứ II tại Việt Bắc, các con của Hoàng thân đều được Bác đặt tên: Cần, Kiệm, Liêm, Chính… Người con trai của Hoàng thân sau này lập gia đình còn gửi thiếp mời Bác sang dự cưới. Bác chuẩn bị một chiếc bút máy Hồng Hà rất đẹp tặng cho đôi cô dâu – chú rể... Ông Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sang thăm Việt Nam trong thời điểm “dông bão” của cuộc cách mạng văn hóa vô sản, nhưng Bác tiếp ân cần, thân tình và cảm động. Lúc chia tay Lưu Thiếu Kỳ tại sân bay, Bác tặng ông một bài thơ rất lưu luyến, có lý, có tình: “Tiễn đưa chẳng muốn chia tay/ Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng/ Cầm tay lòng lại dặn lòng/ Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác – Lê”.

Chúng ta có thể điểm ra bao nhiêu câu chuyện, kể cả kẻ thù khi nói phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh cũng phải ngưỡng mộ, khâm phục, không dám xúc phạm Bác. “Người có rất nhiều đối thủ, nhưng tuyệt nhiêt người không có một kẻ thù nào”. Hình ảnh Bác cởi áo khoác duy nhất của mình cho tù binh bại trận khi bị sốt rét; cởi khăn quàng trên cổ cho tù binh bị ho trong bại trận Điện Biên Phủ đã nói lên tình yêu bao la của Bác đối với con người, đầy chất nhân văn, cao cả trong phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh.

Hiện nay đất nước ta đang hội nhập quốc tế, Việt Nam đưa ra một thông điệp với thế giới là làm bạn với tất cả các nước; hợp tác song phương, đa phương, cùng phát triển. Trong bối cảnh này, chúng ta càng phải học tập theo phong cách ngoại giao của Bác. Trong đó sự chân thành là một kiểu mẫu mà Bác luôn thực hiện, sự chân thành của Bác có một sức hút to lớn để thuyết phục lòng người.

Ban tuyên giáo tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây