Bác Hồ với Đại hội Đảng

Thứ năm - 19/11/2020 01:56
Bác Hồ với Đại hội Đảng
Bác Hồ với Đại hội Đảng

1. Thư gửi Đại hội trù bị

Thân ái gửi các đại biểu,

Tôi muốn đến cùng các đồng chí thảo luận những báo cáo sẽ trình trước Đại hội. Nhưng chưa đến được, tiếc quá. Sau đây là vài ý kiến riêng để giúp các đồng chí trong việc thảo luận:

Đã lâu lắm ta mới có một cuộc Đại hội, vì vậy chắc rằng ai có ý kiến gì, kinh nghiệm gì, vấn đề gì cũng muốn đưa ra giải quyết thuốt luốt.

Nhưng hoàn cảnh kháng chiến (thời giờ, địa điểm, v.v..) không cho phép chúng ta làm như vậy. Trong lúc chúng ta ngồi thảo luận ở đây, thì các chiến sĩ đang xung phong giết giặc trước mặt trận, việc tiếp tế bổ sung, v.v. đang chờ chúng ta. Vì vậy Đại hội ta cũng phải quân sự hóa.

- Ta nên nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng.

- Không nên "tầm chương trích cú" như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác.

- Nên đưa các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ.

- Chỉ nên bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, chính sách, phương châm và tổ chức chính. Những điểm chính này đều ở trong báo cáo Luận cương của đồng chí Trường Chinh. Thảo luận kỹ báo cáo này thì các báo cáo kia đều hiểu rõ hết.

Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó.

 Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 01 năm 1951

HỒ CHÍ MINH

(Trích trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.149-150

2. Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam (Ngày 03-3-1951)

Thưa các vị,

Sau khi nghe đồng chí Trường Chinh báo cáo về việc Đảng Lao động Việt Nam thành lập, các vị đều tỏ ý hoan nghênh. Các vị là những người đại biểu cho Mặt trận dân tộc thống nhất, tức là đại biểu cho toàn dân. Ý kiến của các vị tức là ý kiến chung của toàn dân. Vì vậy, các vị đã hoan nghênh, yêu chuộng Đảng Lao động Việt Nam, thì chúng tôi chắc rằng đối với Đảng Lao động Việt Nam, toàn thể nhân dân đều sẽ hoan nghênh, yêu chuộng.

Về chính sách, Đảng cương, tổ chức, v.v.. của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã trình bày tường tận. Đây tôi chỉ thay mặt Đảng Lao động Việt Nam mà trân trọng cảm ơn các vị, và tóm tắt lại vài điểm sau này:

- Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC.

- Nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam là kiên quyết lãnh đạo toàn dân đi đến: KHÁNG CHIẾN THẮNG LỢI, KIẾN QUỐC THÀNH CÔNG.

Chính sách quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v. của Đảng Lao động Việt Nam đã nói rõ trong bản Tuyên ngôn và Chính cương. Chính sách ấy có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT - DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG.

Chúng tôi xin nói thêm hai điểm, nói rõ để tránh mọi sự có thể hiểu lầm:

Một là về vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.

Hai là đối với các đảng phái, các đoàn thể bạn trong Mặt trận dân tộc, thì Đảng Lao động Việt Nam chủ trương:

Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ.

Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:

- Giàu sang không thể quyến rũ,

- Nghèo khó không thể chuyển lay,

- Uy lực không thể khuất phục.

Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:

"Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,

Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu".

Xin tạm dịch là:

"Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng".

"Nghìn lực sĩ" có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: Lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ.

"Các nhi đồng" nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân.

Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân.

Tuy vậy Đảng Lao động Việt Nam cũng do nhiều người tổ chức lại mà thành. Mà người thì ai cũng có ít nhiều khuyết điểm. Vì vậy Đảng Lao động Việt Nam mong mỏi và hoan nghênh sự phê bình thật thà của các đảng phái và đoàn thể bạn, của các nhân sĩ và của toàn thể đồng bào để cho Đảng tiến bộ mãi.

Sau hết, chúng tôi xin hứa rằng Đảng Lao động Việt Nam quyết làm tròn nhiệm vụ của mình là đưa toàn dân đến: Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

(Trích trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t6, tr.183-185               

3. Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng (Tháng 4-1960)

Đảng ta đang phấn khởi chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ III. Tất cả các chi bộ đang sôi nổi bàn bạc dự thảo Điều lệ Đảng.

Đây là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả đảng viên (cũ cũng như mới) cần phải hăng hái tham gia thảo luận.

Thảo luận thế nào cho có kết quả tốt?

Theo ý tôi thì một cách tốt nhất là: Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt.

- Cương lĩnh chung, nói: Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân... gồm những người giác ngộ, tiên tiến, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất, thì phải liên hệ mình đã thật đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân chưa? Mình đã thật sự gương mẫu trong mọi việc chưa?...

- Nhiệm vụ của chi bộ , điều "41" nói:

a) Thực hiện các nghị quyết và chỉ thị cấp trên, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương và chính sách của Đảng...

b) Phản ánh lên cấp trên yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng, hết sức quan tâm đến việc nâng cao mức sống vật chất và văn hóa của quần chúng... thì phải liên hệ chi bộ đã thực hiện những nhiệm vụ ấy thế nào? Có thiếu sót gì và cần sửa chữa như thế nào?...

- Nhiệm vụ của đảng viên, nói: Tích cực phấn đấu để thực hiện chính sách của Đảng... Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng... Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân... thì phải liên hệ mình đã làm đúng như vậy chưa?...

- Điểm 9 trong nhiệm vụ của đảng viên nói: Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật... thì phải liên hệ trong những hoạt động chính trị của mình trước kia và hiện nay, việc đúng và việc sai, mình đã thật thà nói hết với Đảng chưa? Hay là còn giấu giếm phần nào?.:.

Nói tóm lại, phải lấy mười điểm nhiệm vụ của đảng viên mà đối chiếu một cách thật thà với tư tưởng và hành động của mình.

- Để các chi bộ thảo luận tốt, thì cấp trên phải lãnh đạo, giúp đỡ, theo dõi, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Có khi các chi bộ nêu những câu hỏi khó, nếu chưa chắc chắn thì nên hỏi Trung ương, không nên giải thích hoặc trả lời một cách miễn cưỡng.

Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt.

- Trong dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, các đảng viên và chi bộ cần phải kết hợp chặt chẽ với công tác khác của mình. Ví dụ:

Ở nông thôn thì phải kết hợp với việc củng cố và phát triển tổ đổi công và hợp tác xã cho tốt, làm tốt việc cải tiến nông cụ, thuỷ lợi, phân bón, v.v. nhằm tranh thủ vụ chiêm và vụ mùa thắng lợi vượt mức và toàn diện.

Ở các xí nghiệp thì phải kết hợp với cuộc thi đua thực hiện khẩu hiệu "nhiều, nhanh, tốt, rẻ" để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm.

Cuộc thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng phải nhằm ba điều:

- Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên.

- Đoàn kết và củng cố tốt chi bộ.

- Đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra.

Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo Đại hội thành công thật tốt đẹp.

T.L.

(Trích trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr.117-119)

4. Nói chuyện với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội (Ngày 20-6-1960)

Nhiệm vụ cách mạng hiện nay của Đảng ta là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Muốn làm được như thế, chúng ta phải đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Đấu tranh thống nhất nước nhà là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Chúng ta phải giáo dục kỹ cho cán bộ, đảng viên và đồng bào miền Nam, miền Bắc thấy rõ điểm đó, để khắc phục tư tưởng nóng vội. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta lại kháng chiến tám, chín năm mới giải phóng được nửa nước. Trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta cũng phải đấu tranh bền bỉ, lâu dài, nhưng chúng ta tin rằng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí.

Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân. Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế phải vừa cải thiện đời sống, vừa tích luỹ. Cải thiện đời sống từng bước theo khả năng, đồng thời phải tích luỹ để kiến thiết.

Muốn uống nước thì phải đào giếng, đào giếng thì phải đổ mồ hôi, nhưng càng khó nhọc vất vả thì giếng càng sâu, càng nhiều nước.

Hà Nội có nhiều ưu điểm, nhưng cần lưu ý một số điểm sau:

- Về mặt công nghiệp, công tác quản lý xí nghiệp làm tốt, nhưng phong trào công nhân tham gia quản lý, cán bộ tham gia lao động về sau không được liên tục và hăng hái như lúc đầu.

- Trong nông nghiệp, việc phát triển hợp tác xã và sản xuất lúa tuy khá nhưng việc giúp đỡ nông dân quản lý hợp tác xã thì chưa tốt lắm, việc chăn nuôi gia súc, nuôi cá, làm công tác tiểu thủy lợi chưa được chú ý đầy đủ.

- Phong trào học tập văn hóa thì cao, như thế là tốt. Nhưng cần phải tăng cường giáo dục chính trị kết hợp với văn hóa, làm cho mỗi người có ý thức học để phục vụ chủ nghĩa xã hội.

- Công tác vệ sinh ở Hà Nội cần được chú ý hơn nữa. Tuy so với hồi thuộc Pháp thì Hà Nội sạch hơn nhiều, nhưng chúng ta phải luôn luôn nhìn về phía trước mà tiến lên, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh hơn nữa ở những khu nhà công nhân, trong các xí nghiệp, cơ quan và các khu lao động.

Ở Hà Nội, trong các xí nghiệp cũng như ở nông thôn, năng suất lao động của công nhân và nông dân còn thấp. Công suất máy móc trong các xí nghiệp mới sử dụng được khoảng trên dưới 70%, như thế còn rất lãng phí. Phải làm cho mỗi người thấy rõ: Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải lao động, phải hiểu rõ lao động là vẻ vang, do đó mà nâng cao năng suất lao động.

Muốn làm cho mọi công tác tiến lên nữa, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người.

Đối với công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội, Đại hội cần chú ý đến đời sống của thợ thủ công và bà con buôn bán nhỏ đã vào tổ chức hợp tác. Ngoài ra cũng cần chú ý giúp đỡ cho nhà công thương tiến bộ hơn nữa sau khi họ đã tiếp thu cải tạo.

Phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Cán bộ, đảng viên phải luôn luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác. Các đoàn thể phụ nữ, công đoàn phải làm tròn nhiệm vụ của mình.

Số đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động ở Hà Nội hiện nay nhiều gấp 8 lần số đảng viên và đoàn viên trong cả nước hồi năm 1945. Với số lượng ấy, nhất định Đảng bộ Hà Nội sẽ làm tốt trong mọi công tác, động viên được toàn thể nhân dân Hà Nội phấn khởi sản xuất, học tập, hoàn thành kế hoạch năm 1960 và kế hoạch 3 năm, lấy thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

(Trích trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr.159-161.

5. Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (Ngày 16-7-1963)

Bác đến thăm Đại hội, còn tham gia Đại hội tỉnh thì Trung ương Đảng đã chỉ định đồng chí Hà Kế Tấn. Bác muốn nêu một vài ý kiến rất vắn tắt.

Một là phải làm sao cho toàn đảng bộ, toàn thể nhân dân trong tỉnh thấm nhuần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Trung ương.

Hai là phải làm sao cho tốt 3 cuộc vận động mà các cô, các chú đã biết, Bác không nhắc lại. Nhất là phải làm tốt cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật vì Vĩnh Phúc là tỉnh nông nghiệp nhiều. Phải làm thật tốt việc này, còn làm thế nào cho tốt thì các đồng chí bàn với nhau. Lần này phải làm thế nào cho tất cả các đảng viên trong tỉnh đều thấm nhuần chính sách, đường lối của Đảng. Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu... để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời phải luôn luôn nhớ rằng làm việc đây cũng là để ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Cả miền Nam, cả miền Bắc cùng đấu tranh để hòa bình thống nhất nước nhà.

Thế là đảng viên gương mẫu, nhân dân làm chủ để cố gắng làm cho tốt, trước mắt là làm vụ mùa thắng lợi. Vụ chiêm trước gặp hạn hán nên tương đối có khó khăn. Cho nên cần tranh thủ được một vụ mùa thắng lợi để chuẩn bị điều kiện tốt cho những năm sau.

Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít.

Bác chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những đảng bộ khá nhất miền Bắc.

(Trích trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.11, tr.106-107).   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây