Nhưng cũng do vị trí chiến lược về địa-chính trị, Việt Nam thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà kẻ thù luôn là các thế lực hùng mạnh và hung hãn. Liên tục trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam là quốc gia hơn ai hết hiểu thế nào là giá trị của hòa bình. Chính vì vậy mà cùng với truyền thống hòa hiếu, hữu nghị, người Việt luôn tìm cách gìn giữ hòa bình, tránh nạn binh đao. Người Việt Nam chỉ buộc phải chấp nhận chiến tranh khi giới hạn cuối cùng là chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc bị xâm phạm. Đó là lúc cả đất nước lại nhất tề đứng dậy, trên dưới đồng lòng làm nên những chiến công hiển hách.
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, tinh thần hòa hiếu đã thấm sâu vào trong dòng máu nóng của mỗi người dân nước Việt cả trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước giữ vững môi trường hòa bình của khu vực và trên toàn thế giới và trong cả đời sống thường nhật. Tinh thần ấy không bao giờ ngừng tắt mà nó luôn có sức thôi thúc, lan tỏa trong đời sống con người. Và bất cứ ở đâu, khi nào có làn gió mới, ngọn lửa ấy lại được thổi bùng lên mãnh liệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc, là kết tinh của văn hóa Việt Nam. Là một chiến sĩ cách mạng kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị.
Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ cách mạng nhận thức được sự chuyển biến của thời đại sẽ làm thay đổi quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trên phạm vi toàn cầu. Người coi đấu tranh thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, chống lại mọi sự áp đặt, thống trị bất công của các “nước lớn” cũng là sự hoàn chỉnh của công cuộc giải phóng dân tộc. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn truyền thống ngoại giao của dân tộc, đó là tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc. Xuất phát từ tình thương yêu con người, quý trọng sinh mạng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Đối với Người, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng. Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho tướng lĩnh, binh sĩ quân đội Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa và nhân dân các nước, vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình. Người không bỏ lỡ cơ hội nào để hòa giải với Pháp.
Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng lập ra Ủy ban Hòa bình Việt Nam nhằm góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình của Việt Nam và mở rộng quan hệ với phong trào hòa bình thế giới. Đây là một trong những tổ chức nhân dân đầu tiên của Việt Nam do đích thân Bác Hồ là Chủ tịch danh dự đầu tiên. Trải qua gần 70 năm hoạt động, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc củng cố tinh thần đoàn kết của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân Việt Nam và kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, bảo vệ công lý, chống chiến tranh xâm lược. Chính vì thế, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của đông đảo bạn bè trên toàn thế giới, thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân đa dạng, phong phú và sáng tạo. Đó là một trong những nhân tố quan trọng giúp chúng ta làm nên những thắng lợi huy hoàng, có được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và một Việt Nam như ngày hôm nay.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, đưa ra nhiều sáng kiến hòa bình, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho dư luận thế giới thấy được thực chất của tình hình Việt Nam, bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và luận điệu hòa bình giả dối của chúng.
Theo Hồ Chí Minh, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí”(1). Đối với Người, ai làm gì mang lại lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta đều là kẻ thù... Phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân “Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”(2).
Đối với các đế quốc đem quân xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh phân biệt nhân dân với các Chính phủ cầm quyền, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân các nước này, cô lập lực lượng hiếu chiến. Trong tư tưởng và mọi hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần đạo lý của cha ông “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Chúng ta bất khuất, kiên cường chống chiến tranh xâm lược nhưng luôn mở cánh cửa cho quân viễn chinh rút khỏi Việt Nam. Khi đã đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, chúng ta vẫn đại lượng mở lòng hiếu sinh tha cho quân xâm lược trở về quê cũ trong bình yên để tránh đổ máu thêm cho hai dân tộc.
Đối với bạn bè và đồng chí, Người luôn xây đắp tình cảm “vừa là đồng chí vừa là anh em” và tinh thần quốc tế trong sáng. Đối với Người - một người dân mất nước, bị nô lệ thì giá trị tinh thần lớn nhất là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Nhiều năm từng làm nghề lao động cực nhọc, từng nếm cảnh lao tù đày đọa, Người có mối đồng cảm thương xót sâu sắc đối với số phận của tất cả các dân tộc bị áp bức. Vì vậy, ngay khi bước vào cuộc đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã thực hiện được sự kết hợp giữa đấu tranh giải phóng dân tộc mình với đấu tranh “giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái”(3). Ở Hồ Chí Minh, độc lập cho dân tộc mình đồng thời là độc lập cho tất cả các dân tộc; giải phóng dân tộc để giải phóng xã hội và giải phóng loài người. Con đường Hồ Chí Minh đi từ độc lập dân tộc đến chủ nghĩa xã hội - đến “thế giới đại đồng” theo tư duy hiện đại cũng là lôgíc của con đường lương tri dân tộc đến lương tri thời đại để đạt tới sự hài hòa cá nhân, dân tộc và nhân loại.
Hồ Chí Minh gắn bó với dân tộc mình, đồng thời cũng dành những tình cảm thắm thiết với mọi dân tộc trên thế giới, luôn luôn ủng hộ những cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng bất cứ ở đâu, quan tâm chí tình tới bạn bè quốc tế, chăm sóc ân cần mọi số phận con người bằng những việc làm cảm động và thiết thực. Người là hiện thân của tinh thần “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” và lý tưởng “Người với người là bạn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống hòa bình hữu nghị của dân tộc Việt Nam ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người đã chỉ đạo xây dựng đường lối ngoại giao theo tinh thần giương cao ngọn cờ độc lập và hòa bình, tập hợp các lực lượng tiến bộ thành một mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam. Đó là những chủ trương đường lối đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, góp phần phá vỡ âm mưu của các đế quốc lớn muốn biến chiến tranh xâm lược Việt Nam thành cuộc xung đột giữa hai hệ tư tưởng, qua đó vạch trần thủ đoạn tàn bạo và những luận điệu xuyên tạc của các đế quốc lớn. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng hòa bình, hữu nghị luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Ngay cả khi phải tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn với bọn đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc, Người cũng luôn luôn tìm kiếm mọi cơ hội đối thoại, đàm phán nếu có thể để né tránh một cuộc chiến bạo lực, phi nghĩa.
Trên tinh thần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta làm mọi cách để giữ vững môi trường hòa bình, làm bạn với tất cả các nước và ra sức cảm hóa bằng đạo lý để biến thù thành bạn. Hơn lúc nào hết tư tưởng hòa bình, hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là ngọn đèn pha dẫn đường, chỉ lối cho hành động của chúng ta.
GS, TSKH, NGND VŨ MINH GIANG, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
-------------
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.273.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.265.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.491.
(Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn