Chàng trai nghèo 9X vẽ giấc mơ khoa học tại NASA

Thứ hai - 22/02/2021 20:18
Lớn lên trong nghèo khó, không có nhà nên Lê Ngọc Trẫm cùng mẹ và em gái phải tá túc hết nhà ngoại đến nhà dì, sống dựa vào quầy tạp hóa nhỏ. Hoàn cảnh là vậy, nhưng chưa bao giờ chàng trai quê xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa thôi nung nấu ước mơ chinh phục khoa học.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Phú Hòa, Văn phòng Tỉnh ủy và Sở GD-ĐT trò chuyện, chúc mừng và động viên Lê Ngọc Trẫm qua điện thoại.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Phú Hòa, Văn phòng Tỉnh ủy và Sở GD-ĐT trò chuyện, chúc mừng và động viên Lê Ngọc Trẫm qua điện thoại.

Với sự nỗ lực không ngừng, Trẫm đã vượt qua nhiều khó khăn, theo đuổi đến cùng niềm đam mê vật lý thiên văn, trở thành một trong số ít người Việt Nam được nhận làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Ngôi nhà mơ ước của mẹ

Từ lúc ly hôn, bà Kiểu đưa hai anh em Trẫm hết về tá túc nhà ngoại rồi sống nhờ ở nhà dì Út. Thu nhập chính của ba mẹ con là quầy tạp hóa nhỏ trước sân nhà dì. Ngoài giờ học, Trẫm phụ mẹ bán hàng, chăm sóc em gái. Trẫm nhớ lại: “Đó là một khoảng thời gian vất vả nhưng đáng nhớ.Năm nay là năm thứ hai, gia đình Trẫm được đón năm mới trong ngôi nhà khang trang ở phường 9, TP Tuy Hòa. Ngôi nhà này không chỉ là mái ấm che mưa che nắng mà còn là mơ ước cả đời của mẹ Trẫm. Quá nửa đời sống trong thiếu thốn, nghèo khó, bà Ma Thị Kiểu đã phải mưu sinh đủ nghề, chạy vạy khắp nơi để nuôi hai con ăn học, nên chưa bao giờ bà nghĩ đến ngày gia đình mình có được nơi ăn chốn ở riêng.

Suốt mấy năm liền, tôi với mẹ phải đón giao thừa ngoài đường vì chở bia giao cho các quán ăn trong đêm 30 Tết. Nghe tiếng pháo hoa nổ đùng đùng, sáng rực cả bầu trời là biết đã sang năm mới. Từ đó, tôi nhận thức được giá trị của đồng tiền và những hy sinh thầm lặng của mẹ. Mong ước có được ngôi nhà che mưa che nắng của mẹ cũng là động lực để tôi không ngừng cố gắng. Và cuối cùng, sau nhiều năm chắt chiu, tháng 8/2019, tôi cũng đã dành dụm được một khoản tiền hỗ trợ mẹ mua đất, xây nhà”.

Từ khi “tậu” nhà mới, do dịch COVID-19 nên mẹ Trẫm chưa có cơ hội đón anh về thăm nhà, hít hà mùi sơn mới, nấu cho anh một bữa cơm đậm đà xứ Nẫu. Bà Kiểu bộc bạch: “Không về quê đón Tết được, nhưng năm nào, giao thừa, Trẫm cũng gọi điện về nhà cho mẹ và ngoại. Có lẽ vì lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nhưng bù lại nhận được sự cưu mang, đùm bọc và yêu thương của nhiều người, nên Trẫm sống rất tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người. Luôn đau đáu lời dặn của bà ngoại rằng chỉ có học mới thoát nghèo được nên cháu ra sức học tập. Tôi cũng thường nhắc nhở cháu không được bằng lòng với bản thân mà cần cố gắng nhiều hơn”.

Hành trình đến với NASA

Hiện tại, Trẫm đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ của dự án SOFIA, tại Trung tâm Nghiên cứu AMES của NASA, Mỹ. Để có được vị trí mà nhiều người mơ ước này, cựu học sinh lớp chất lượng cao niên khóa 2005-2008 của Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa) đã có một hành trình đầy nỗ lực, đạt nhiều thành tích nổi bật. Sau khi tốt nghiệp THPT, vì đam mê thiên văn và muốn giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình nên Trẫm đã chọn ngành sư phạm Vật lý, Trường đại học Quy Nhơn. 4 năm đại học, Trẫm luôn là sinh viên khá giỏi, giành được một huy chương bạc và một giải khuyến khích cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc.

Mong muốn theo đuổi giấc mơ khoa học nên Trẫm tiếp tục học cao học ngành Vật lý thiên văn tại Khoa Vũ trụ và ứng dụng, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Trẫm liên tục giành được các suất học bổng của USTH. Trẫm chia sẻ: “Khi là sinh viên, tôi rất tâm đắc lời khuyên của cô giáo TS Nguyễn Thị Minh Phương rằng: “Các em nên thoát ra khỏi lũy tre làng”. Tôi luôn xem đó như một lời tự nhủ để bản thân không ngừng phấn đấu”.

Lê Ngọc Trẫm là một trong số ít người Việt Nam được nhận làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại NASA.

Bước ngoặt mở ra khi năm 2 cao học Trẫm đạt học bổng và được thầy giáo cũng là giáo sư hàng đầu về vũ trụ - thiên văn học của Pháp giúp đỡ chọn đề tài, sang Pháp làm luận văn thạc sĩ tại Đại học Paris 7. Học hết cao học, có chút ít kinh nghiệm nghiên cứu tại Pháp, Trẫm tiếp tục theo học bậc tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Paris.

Năm 2018, Trẫm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp và sau đó nhận được lời mời sang hợp tác với PGS Hoàng Chí Thiêm tại Viện Thiên văn và Khoa học không gian Hàn Quốc (KASI). Kết quả đề tài được đăng trên tạp chí Nature Astronomy, một trong những tạp chí khoa học lớn nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn.

Khi đang làm việc trong phòng thí nghiệm của Đại học Sư phạm Paris, Trẫm lọt vào tầm ngắm của TS William T. Reach, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học SOFIA tại Trung tâm Nghiên cứu AMES của NASA. Sau một thời gian kiểm tra kiến thức của Trẫm, TS William T. Reach đã đồng ý để Trẫm tham gia vào vòng phỏng vấn với hội đồng các giáo sư của NASA. Nền tảng kiến thức vững, vốn ngoại ngữ thông thạo, và sự tự tin giúp Trẫm vượt qua thử thách, được nhận vào làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại NASA. Với sự nỗ lực không ngừng, sau một năm, anh được chấp nhận để nghiên cứu độc lập và phát triển hướng nghiên cứu của mình. Trẫm được đánh giá điểm khá cao và theo người quản lý thì chưa thấy ai được điểm như anh.

“Công việc cho tôi cơ hội gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng, có nhiều bạn bè từ khắp nơi, được tiếp cận với những nền văn hóa khác nhau, và đặc biệt giúp bản thân hoàn thiện hơn. Hiện tại, tôi cùng PGS Hoàng Chí Thiêm (KASI, Hàn Quốc), PGS Phạm Ngọc Điệp (VNSC, Việt Nam) và các giảng viên Khoa Vũ trụ và ứng dụng của USTH tạo ra một mạng lưới nghiên cứu để làm việc cùng nhau trong lĩnh vực vật lý thiên văn và kết nối vào mạng lưới lớn hơn của quốc tế. Mạng lưới ban đầu đã thu hút các bạn sinh viên cũng như nghiên cứu viên Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia”, Trẫm chia sẻ.

Thắp lửa đam mê khoa học cho các bạn trẻ

Sáng 17/2, buổi sáng ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, biết thông tin về Trẫm qua một tờ báo, cảm phục trước nghị lực vượt khó và niềm đam mê khoa học của chàng trai sinh năm 1990 này, chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Phú Hòa, Sở GD-ĐT đã đến thăm và chúc Tết gia đình Trẫm.

Đồng chí Phạm Đại Dương chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi biết rằng Trẫm đã lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn, nhưng em đã không ngừng nỗ lực vươn lên để chinh phục giấc mơ khoa học. Thành công của Trẫm không chỉ là niềm vui của gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào của người Phú Yên, là tấm gương sáng về KH-CN cho các bạn trẻ noi theo. Những tấm gương như Lê Ngọc Trẫm, Phạm Ngọc Duy Liêm… sẽ khơi lên khát vọng KH-CN cho giới trẻ. Qua hình ảnh của các em cho thấy con em Phú Yên nếu có điều kiện tốt sẽ đạt được nhiều thành công, làm rạng danh quê hương”.

Từ Mỹ, hay tin các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, chúc Tết gia đình và nhất là sau khi được kết nối qua internet để gặp mặt, chuyện trò cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Trẫm vui mừng chia sẻ: “Đây là niềm động viên rất lớn đối với tôi và đại gia đình. Tôi cho rằng sống và làm việc ở đâu không quan trọng, mà điều hơn hết là mình sẽ làm gì để giúp đỡ và đóng góp cho quê hương.

Hiện tại, tôi đang hợp tác và làm việc với các bạn sinh viên Việt Nam, truyền cho họ niềm cảm hứng khoa học, khơi lên ước mơ cống hiến cho cộng đồng, cùng góp sức xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường”.

Nghiên cứu khoa học là đam mê, giúp tôi học hỏi rất nhiều. Mong muốn lớn nhất của tôi là đóng góp sức lực và khả năng của mình cho khoa học và cộng đồng. Thêm vào đó, làm việc trong môi trường quốc tế là một cách để quảng bá con người Việt Nam. Anh Lê Ngọc Trẫm

HÀ MY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây