Tỉnh Đoàn Phú Yên

https://tuoitrephuyen.vn


Anh Tiến khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Với quyết tâm và khát vọng làm giàu, anh Lương Viết Tiến (SN 1986, ở Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) mạnh dạn vay vốn, thuê đất trồng măng tây bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ cải thiện kinh tế gia đình và bản thân, anh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên ở địa phương.
Anh Lê Viết Tiến (giữa) giới thiệu mô hình trồng măng tây của mình.

Anh Lê Viết Tiến (giữa) giới thiệu mô hình trồng măng tây của mình.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cử nhân Tài chính kế toán, Trường đại học Nha Trang, Lê Viết Tiến xin vào làm kế toán cho nhiều công ty ở TP Hồ Chí Minh và TP Tuy Hòa. Do thu nhập không cao nên chàng trai quê Hòa Bình 1 nghỉ việc và về quê khởi nghiệp bằng mô hình trồng măng tây.

Với quyết tâm và khát vọng làm giàu, Tiến khăn gói vào Ninh Thuận trực tiếp học tập các mô hình trồng măng tây mang lại hiệu quả cao của người dân. Tích cóp được vốn kiến thức, Tiến về mượn sổ đỏ nhà ở của ba mẹ thế chấp cho Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Tây Hòa để vay 100 triệu đồng và thuê 1,3ha đất ở thôn Phú Thạnh (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) khởi nghiệp trồng măng tây. Đồng thời, Tiến đặt mua hạt giống măng tây ở Hà Lan, Mỹ về ươm. Tháng 11/2016, Tiến quyết định trồng măng tây trên diện tích 2.500m2 và đến tháng 3/2017, anh tiếp tục trồng thêm 2.500m2 nữa. “Sau khi trồng thí nghiệm tại thôn Phú Thạnh tôi thấy đất đai, khí hậu ở đây thuận lợi cho cây măng tây phát triển. Vì thế, tôi quyết định thuê thêm đất để đầu tư trồng loại cây này”, Tiến chia sẻ.

Theo Tiến, trồng măng tây không đơn giản, người trồng phải biết chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây mới phát triển và cho năng suất cao. Đất ở Phú Thạnh có nguồn nước thường xuyên nên phải tạo dòng với độ cao 50cm để cây khỏi bị ngập úng. Còn nếu đất cát thì không nhất thiết phải tạo dòng. Ngoài ra, mỗi tháng phải hai lần bón phân hữu cơ và hàng ngày phải tưới nước tạo độ ẩm cho cây măng tây phát triển.

Để không phải mất nhiều thời gian và tiết kiệm nước tưới, Tiến còn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, nhờ vậy mà cây măng tây ngày càng phát triển tốt. Tiến cho biết: “Hiện diện tích măng tây của tôi đã bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi ngày tôi cắt tỉa được 6kg và bỏ mối cho các nhà hàng, siêu thị ở TP Tuy Hòa với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg”. Theo Tiến, hiện việc trồng măng tây không phải lo thị trường, vì nhiều nhà hàng, siêu thị ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đặt mua với số lượng lớn, nhưng măng tây của anh chưa đủ để cung cấp. Thị trường tiêu thụ ngày càng lớn nên anh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng măng tây.

Từ ngày trồng măng tây, Lương Viết Tiến đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho 4 thanh niên địa phương. Hàng ngày, các thanh niên này làm cỏ, chăm sóc măng tây với thu nhập 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Anh Tô Công Hoan, một thanh niên ở thôn Phú Thạnh làm việc cho anh Tiến, nói: “Trước đây tôi làm rất nhiều nghề từ công nhân điện dân dụng đến công nhân làm đá granit, nhưng thường đi làm xa nên thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày anh Tiến về đây trồng măng tây, tôi không những có việc làm ổn định mà còn được ở gần nhà nữa. Nhờ có thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng mà đời sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước”.

Nhận xét về Tiến, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Phú Yên Phan Xuân Hạnh nói: “Anh Lương Viết Tiến là một thanh niên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm tòi học hỏi mô hình mới và đưa giống cây mới vào trồng. Qua tham quan và kiểm tra mô hình trồng măng tây của anh Tiến - cũng là mô hình trồng măng tây đầu tiên của thanh niên Phú Yên, chúng tôi thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Sắp tới, Tỉnh Đoàn sẽ nhân rộng mô hình này để thanh niên các địa phương học tập, làm theo”.

NGUYỄN CHƯƠNG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây