Tỉnh Đoàn Phú Yên

https://tuoitrephuyen.vn


Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh và Đại đội TNXP Quyết Thắng: Phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh (15/12/1978-15/12/2018) và Đại đội TNXP Quyết Thắng (22/12/1978-22/12/2018). Ban Biên tập giới thiệu bài viết về "Thanh niên xung phong Phú Yên phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam".
Thanh niên xung phong làm lễ xuất quân phục vụ chiến đấu biên giới Tây Nam - Ảnh: Tư liệu.

Thanh niên xung phong làm lễ xuất quân phục vụ chiến đấu biên giới Tây Nam - Ảnh: Tư liệu.

Trong lúc tỉnh Phú Khánh (nay tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) cùng cả nước nỗ lực tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì nổ ra cuộc xâm lấn biên giới Tây Nam do bè lũ Pôn pốt gây ra. Ngày 30/4/1977, đúng với ngày kỷ niệm 2 năm giải phóng miền Nam, Pôn pốt huy động lực lượng quân đội tiến công vào 14 xã thuộc tỉnh An Giang, đốt phá, tàn sát dã man đồng bào ta. Ở vùng đông bắc Campuchia, Pôn pốt bố trí Sư đoàn 920 áp sát biên giới phía tây tỉnh Đắk Lắk, Sư đoàn 801 áp sát biên giới tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Ngày 2/4/1978, Pôn pốt huy động lực lượng lớn chia thành nhiều mũi đánh nhiều hướng vào Đồn Biên phòng Bu Plăng, tổ chức một mũi thọc sâu vào trận địa pháo, trạm phẫu thuật tiền phương của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Quân khu 5 và đánh vào xã Quảng Trực (Đắc Rlốp) tỉnh Đắk Lắk giết và làm bị thương 51 đồng bào ta. Quân Pôn pốt đốt cháy 100 nóc nhà, 34 tấn lúa.

Trước tình hình này ngày 10/6/1978, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra mệnh lệnh chiến đấu trên tuyến biên giới Tây Nam. Đối với tỉnh Phú Khánh, Quân khu 5 điều động 2 đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 97 thành lập Tiểu đoàn 96B để tăng cường cho tỉnh Đắk Lắk, đồng thời thành lập Tiểu đoàn Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu ở biên giới Campuchia.

Tiểu đoàn Thanh niên xung phong tỉnh Phú Khánh mang tên Tiểu đoàn Lê Đình Chinh (Anh hùng Lực lượng vũ trang hy sinh ở biên giới phía bắc trong cuộc đối đầu với bành trướng Bắc Kinh đầu năm 1978, trước khi nổ ra chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc ngày 17/2/1979), được tuyển từ thanh niên xung phong công trường 26/3 do trung úy Nguyễn Việt Khanh làm Tiểu đoàn tưởng, trung úy Nguyễn Mễ làm chính trị viên, đồng chí Phạm Quang Cảnh (đơn vị thanh viên Vườn Xoài) làm Tiểu đoàn phó, đồng chí Lê Vĩnh Hiền (Trưởng Phòng Vật tư công trường 26/3) làm Tiểu đoàn phó, đồng chí Phạm Quang Cảnh (Bí thư Liên Chi đoàn Công trường 26/3) làm Phó chính trị viên.

Trạm xá tiểu đoàn gồm có bác sĩ Mang Cư, y sĩ Lê Thị Bạch Yến, y sĩ Lân, y tá Phương, y tá Tạo, Tiểu đoàn Lê Đình Chinh có 410 người được tuyển chọn từ 2.500 thanh niên xung phong ở Vườn Xoài, có 5 đại đội. Đại đội Lê Trung Kiên do đồng chí Nguyễn Thanh Phúc làm Đại đội trưởng, đồng chí Huỳnh Thị Bé và đồng chí Minh làm Đại đội phó. Đại đội Lương Tấn Thịnh do đồng chí Bùi Văn Nhĩ làm Đại đội trưởng, đồng chí Bùi Thị Nở làm chính trị viên. Đại đội Trần Kiệt do đồng chí Phan Thanh Hưng làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Vân làm Đại đội phó, đồng chí Nguyễn Văn Nguyệt làm chính trị viên. Đại đội Lê Hồng Sơn do đồng chí Nguyễn Hay làm Đại đội trưởng, đồng chí Hà Trọng Tuấn làm chính trị viên. Đại đội Trần Thị Tính do đồng chí Trần Tân làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thuận làm chính trị viên.

Tiểu đoàn Lê Đình Chinh tổ chức tập trung và xuất quân từ Đồng Đế (khu vực Trường cao đẳng Kinh tế Nha Trang hiện nay). Trung tá Huỳnh Môn - Phó chỉ huy trưởng về chính trị Bộ CHQS tỉnh Phú Khánh trao cờ cho tiểu đoàn và các đại đội để xuất quân làm lễ ra mắt tại sân vận động Nha Trang. Trong buổi lễ ra mắt và xuất quân phục vụ chiến đấu, đồng chí Nguyễn Phụng Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh trực tiếp huấn thị và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Thanh niên xung phong Lê Đình Chinh phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam ở các tỉnh Tây Nguyên, có biên giới với Camphuchia.

Do yêu cầu của chiến trường, Tỉnh ủy Phú Khánh chỉ đạo Tỉnh đoàn thành lập Đại đội Thanh niên xung phong Quyết thắng trực thuộc Tỉnh đoàn để phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam (chủ yếu là chiến trường Tây Nam giáp biên giới với Camphuchia và Lào). Đại đội Quyết thắng tuyển quân trong lực lượng thanh niên xung phong ở Vườn Xoài và Công trường 26/3 với quân số 160 người.

Cán bộ đại đội chủ yếu là bí thư, phó bí thư của các thành đoàn, thị đoàn, huyện đoàn trong toàn tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phụng Minh ký quyết định thành lập Đại đội Quyết thắng gồm các đồng chí: Trung úy Nguyễn Văn Phó làm Đại đội trưởng, đồng chí Đỗ Viết Thuần làm Đại đội phó, đồng chí Nguyễn Vững (Nha Trang) làm Đại đội phó, đồng chí Trần Hiệp (Ủy viên Ban Chấp hành Huyện đoàn Diên Khánh) làm chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ Đại đội, đồng chí Trà Phụng (Ninh Hòa) làm chính trị viên phó.

Đại đội Quyết thắng có một trung đội chính quy của Tỉnh đội Phú Khánh và 5 trung đội, mỗi trung đội 32 người, 5 trung đội của Đại đội Quyết thắng gồm có Trung đội Tuy Hòa, Khánh Ninh (Ninh Hòa - Vạn Ninh), Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh. Đồng chí Nguyễn Lực làm Trung đội trưởng Trung đội Nha Trang, đồng chí Mai Văn Tám làm Trung đội trưởng Trung đội Khánh Ninh, đồng chí Bùi Văn Phụng làm Trung đội trưởng Trung đội Diên Khánh...

Ngày 23/12/1978, Đại đội Quyết thắng làm lễ xuất quân tại hội trường Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Khánh, đồng chí Nguyễn Phụng Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy đến dự lễ xuất quân, trao cờ và giao nhiệm vụ cho đại đội. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, đáp lời kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế của nhân dân và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Camphuchia, ngày 22/12/1978, Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh mở chiến dịch mùa khô giúp đỡ bạn tiến công giải phóng các tỉnh đông bắc Camphuchia. Lực lượng ta trên các hướng chiến dịch đồng loạt tiến công mạnh mẽ, lần lượt tiêu diệt các mục tiêu, góp phần cùng các lực lượng toàn Mặt trận Giải phóng Campuchia ngày 7/1/1979. Thừa thắng, các lực lượng ta tiếp tục tấn công truy quét đến ngày 18/1/1979. Tiểu đoàn Lê Đình Chinh và Đại đội Quyết thắng sát cánh cùng bộ đội, phục vụ chiến đấu có hiệu quả, góp phần giải phóng 4 tỉnh đông bắc Camphuchia gồm: Ra-ta-na-ki-ri, Môn-đôn-ki-ri, Stung Treng và Prết-vi-hia.

Ngày 7/1/1979, Tiểu đoàn Lê Đình Chinh và Đại đội Quyết thắng cùng bộ đội vào tiếp quản TX Môn-đôn-ki-ri, hỗ trợ bộ đội truy quét tàn quân địch, giữ vững trị an ở Môn-đôn-ki-ri. Tiểu đoàn Lê Đình Chinh và Đại đội Quyết thắng đã làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí, lương thực, tải thương, xây dựng công sự chiến đấu và rất nhiều việc khác để phục vụ bộ đội.

Ngày 17/2/1979 nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc do quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh gây ra, 100% thanh niên xung phong Tiểu đoàn Lê Đình Chinh và Đại đội Quyết thắng xung phong phục vụ bảo vệ biên giới phía bắc. Quân khu 5 và Tỉnh đội Phú Khánh nhiệt liệt biểu dương tinh thần xả thân bảo vệ Tổ quốc của Tiểu đoàn Lê Đình Chinh, Đại đội Quyết thắng và động viên anh em tiếp tục bám chiến trường Campuchia phục vụ bộ đội chiến đấu truy quét tàn quân địch, giúp bạn giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng mới giải phóng ở đông bắc Campuchia.

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Campuchia có đóng góp vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Phú Khánh. Với hai đơn vị Thanh niên xung phong tập trung là Tiểu đoàn Thanh niên xung phong Lê Đình Chinh và Đại đội Thanh niên xung phong Quyết thắng đã ghi vào trang sử vàng truyền thống Thanh niên xung phong về nghĩa vụ quốc tế, thắt chặt mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, Tiểu đoàn Thanh niên xung phong Lê Đình Chinh và Đại đội Thanh niên xung phong Quyết thắng trở về địa phương, là hạt nhân trong hai phong trào rộng lớn của thanh niên là “Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Cuộc hành quân theo chân Bác”, tiếp tục trở về Công trường 26/3, tăng cường cho Ban Kinh tế mới của tỉnh xây dựng các điểm kinh tế mới.

Ở phía bắc tỉnh (Phú Yên), lực lượng thanh niên xung phong làm nòng cốt xây dựng các nông trường Sơn Thành, Buôn Kít, Ea Bá, Sơn Hội, Vân Hòa, chuẩn bị lòng hồ thủy điện Sông Hinh, phục vụ khai hoang các vùng kinh tế mới Lỗ Rong (Hòa Hội), Ngân Điền (Sơn Hà), Đa Lộc; khoanh nuôi 3.000ha đồng cỏ ở vùng Ea Trol, Ea Bia, Ea Bá... để phục vụ chăn nuôi bò đàn, khai hoang ở An Xuân làm nông trường dứa, nông trường chè; làm thủy lợi xây dựng đập Đồng Khôn (xã Hòa Xuân), xây dựng đập Thế Hiển ở hồ Đồng Tròn (vùng 6, xã An Nghiệp), xây dựng đồng muối Tuyết Diêm, khai thông dòng chảy cửa biển An Hải, công trình chắn đầm Ô Loan để nuôi tôm, làm kênh mương từ trạm bơm Phú Vang tưới cánh đồng các xã ở nam Tuy An... Riêng huyện Tuy An thành lập một trung đoàn thanh niên xung phong tập trung đóng quân từ An Cư đến thôn 8 An Ninh phục vụ đắc lực các công trình quốc kế dân sinh của huyện.

Về nghĩa vụ quốc tế giúp Lào và Campuchia, lúc đầu Trung ương và Quân khu 5 phân công tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập đoàn chuyên gia giúp đỡ tỉnh Stung Treng do đồng chí Ngô Xuân Hạ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng làm Trưởng đoàn và đồng chí Nguyễn Sanh - Tỉnh ủy viên làm Phó trưởng đoàn. Từ năm 1983, Trung ương và Quân khu 5 giao trách nhiệm cho tỉnh Phú Khánh thành lập đoàn chuyên gia giúp đỡ tỉnh Stung Treng thay cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tỉnh ủy Phú Khánh phân công đồng chí Nguyễn Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, đồng chí Bùi Khắc Phục - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Phó trưởng đoàn.

Tháng 5/1985, thực hiện thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Phú Khánh phân công đồng chí Huỳnh Trúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn chuyên gia tỉnh Phú Khánh tại Stung Treng thay đồng chí Nguyễn Quyết.

Cùng đi với đồng chí Huỳnh Trúc trong đoàn chuyên gia, có các đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp) làm Phó trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Phú (Phó Giám đốc Công an tỉnh) làm Phó trưởng đoàn, đồng chí kỹ sư Đào Tấn Lộc (Trưởng Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp Phú Khánh) làm chuyên gia sản xuất nông nghiệp, đồng chí Đỗ Hữu Hồng Thái làm chuyên gia an ninh, đồng chí Lê Huy Tuất làm chuyên gia tổ chức, đồng chí Nguyễn Ninh làm chuyên gia ngân hàng và một tổ chuyên gia huyện gồm 3 người do đồng chí Trương Lưu (Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa) phụ trách. Đoàn chuyên gia Phú Khánh có nhiệm vụ giúp đỡ tỉnh Stung Treng trên các lĩnh vực tổ chức, an ninh, nông nghiệp, ngân hàng và xây dựng huyện. Cùng với đoàn chuyên gia của tỉnh đóng ở Stung Treng, Bộ CHQS tỉnh cử Tiểu đoàn 96, sau năm 1985 là Tiểu đoàn 95 phối hợp với lực lượng quân sự tỉnh Đắk Lắk đóng quân tại tỉnh Môn-Đôn-ki-ri có nhiệm vụ giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang và tiến hành truy quét tàn quân Khmer Đỏ ở khu vực này.

Đoàn chuyên gia tỉnh Phú Khánh tại Sung Treng đã phối hợp với tỉnh Stung Treng và nước bạn Lào cùng lực lượng an ninh Việt Nam và bạn theo dõi chặt và góp phần tiêu diệt tổ chức phản động Việt Nam canh tân cách mạng Đảng (Việt Tân) thực hiện chiến dịch Đông Tiến từ Thái Lan thâm nhập qua Lào và Campuchia về Việt Nam. Tên đầu sỏ Hoàng Cơ Minh cùng đồng bọn bị ta và bạn phối hợp tiêu diệt gọn trên đường thâm nhập.

Đoàn chuyên gia Phú Khánh ở Stung Treng làm nhiệm vụ đến cuối năm 1988, Đoàn quân sự đóng ở Môn-đôn-ki-ri đến năm 1989 thì rút về nước. 

Thành Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây