Chuyển đổi số, điểm tựa phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba - 29/08/2023 04:40
Chuyển đổi số (CĐS) là nhu cầu tất yếu hiện nay, là điểm tựa để tạo sức bật mới trong công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định được tầm quan trọng của CĐS, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện công tác này, mang lại nhiều kết quả khả quan.
Nhiều tiện ích công nghệ được giới thiệu tại ngày hội Chuyển đổi số TX Sông Cầu. Ảnh: THỦY TIÊN
Nhiều tiện ích công nghệ được giới thiệu tại ngày hội Chuyển đổi số TX Sông Cầu. Ảnh: THỦY TIÊN
 

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân

Một trong những hoạt động được các cấp, ngành, địa phương ưu tiên đẩy mạnh trong thời gian qua là triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu đã tổ chức ngày hội CĐS với chủ đề “Mỗi người dân là một công dân số”; Sở TT&TT đã phối hợp tổ chức hội thảo “CĐS - Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu, an toàn thông tin” tại TX Sông Cầu; triển khai đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân nhận được thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh nhất, chính xác nhất...

Ngoài ra, Cổng/Trang thông tin điện tử tỉnh, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng đã có nhiều chuyên mục tuyên truyền về CĐS cung cấp thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong công tác CĐS. Qua đó, người dân được nâng cao nhận thức về chủ trương CĐS của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Ông Bùi Văn Hùng ở xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) cho hay: Tôi cũng như nhiều người khác được biết đến chủ trương, ý nghĩa và các hoạt động CĐS của tỉnh thông qua báo, đài, mạng xã hội và rất ủng hộ chủ trương này của tỉnh. Bản thân luôn chấp hành và thực hiện tốt các yêu cầu của Nhà nước như làm căn cước công dân, cài đặt tài khoản định danh điện tử, tài khoản dịch vụ công…

Theo Sở TT&TT, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các địa phương đã nhanh chóng thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 194 tổ công nghệ số cộng đồng, với 1.092 thành viên. Các tổ này phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu theo hướng cầm tay chỉ việc, đáp ứng yêu cầu CĐS của địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Phê, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của khu phố Lý Tự Trọng (phường 8, TP Tuy Hòa) cho hay: Sau 1 năm thành lập và hoạt động, Tổ công nghệ số cộng đồng của khu phố đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong khu phố cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, thanh toán không dùng tiền mặt… Ban đầu, khi mới thành lập, chúng tôi được tạo điều kiện tham gia các chương trình bồi dưỡng, tập huấn; được cung cấp thông tin các chủ trương, chính sách về CĐS; được hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số… theo chương trình của Bộ TT&TT. Đến nay, hầu hết thành viên đều nắm vững chủ trương và có kỹ năng sử dụng các nền tảng công nghệ số nên dễ dàng tuyên truyền, hướng dẫn lại cho mọi người.

Người dân đăng ký tài khoản định danh mức 2 tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh. Ảnh: THỦY TIÊN

Nhiều kết quả khích lệ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Đào Mỹ, thực hiện công tác CĐS theo chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và của tỉnh, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác CĐS, chương trình CĐS đã được triển khai tại các cấp, ngành… mang lại nhiều kết quả khả quan.

Hiện nay, hệ thống mạng di động phủ khắp toàn tỉnh, mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến tất cả các trung tâm cấp xã phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến và lưu chuyển văn bản điện tử. Mạng LAN được triển khai 100% tại các cơ quan, ban ngành, địa phương; tất cả cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy vi tính. Trung tâm Dữ liệu tỉnh sử dụng hệ thống lưu trữ (SAN) và hệ thống ảo hóa (Vmware) cơ bản hỗ trợ đầy đủ yêu cầu vận hành các ứng dụng và lưu trữ của tỉnh. Hệ thống cầu truyền hình kết hợp phần mềm Microsoft Teams hỗ trợ họp trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện, xã.

Ngoài ra, Phú Yên đã xây dựng và ban hành Khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0; kết nối và đưa vào vận hành hơn 12 cơ sở dữ liệu quốc gia. Tỉnh đã kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng của Viettel, VNPT, Misa lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.

Hiện nay, tỉnh đã vận hành một số hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, giúp công tác giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, tạo nhiều thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp…

Theo bà Ngô Thị Hạnh ở phường 9 (TP Tuy Hòa), trước đây mỗi khi có thay đổi khách thuê nhà trọ, bà phải đến công an phường đăng ký thủ tục tạm trú, hồ sơ có trục trặc thì phải đi lại nhiều lần. Còn nay, được hướng dẫn đăng ký cư trú trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, bà có thể tự đăng ký tại nhà vô cùng tiện lợi.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Cùng với nhiều hoạt động CĐS khác, cuối năm 2022, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh được đưa vào hoạt động, đánh dấu bước tiến mới trong công tác CĐS tại thành phố. Trung tâm này đang tích hợp giám sát điều hành công tác kết nối, tích hợp hệ thống phản ánh kiến nghị của người dân; kết nối hệ thống camera giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự; kết nối hệ thống chiếu sáng thông minh; giám sát điều hành kinh tế - xã hội, dịch vụ hành chính công và lĩnh vực y tế… Trung tâm như bộ não của đô thị thông minh, thực hiện chức năng thu thập và phân tích thông tin, hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành của lãnh đạo thành phố nhanh chóng và hiệu quả. 

Hiện nay, công tác CĐS của tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Hạ tầng, dữ liệu số được đầu tư cơ bản đáp ứng yên cầu; 3 trụ cột chính quyền số, xã hội số và kinh tế số đều được tập trung thực hiện; nhận thức, thói quen của người dân từ môi trường thực sang môi trường số từng bước được chuyển đổi. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã hoạt động tích cực ở một số địa phương, góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

Theo https://baophuyen.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây