Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại

Thứ ba - 25/04/2023 23:44
Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, quản trị nhà trường. Điều này không chỉ đáp ứng điều kiện thực tế mà còn góp phần đào tạo những thế hệ sinh viên ưu tú thời 4.0.
Một chương trình tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp của BAP. Ảnh: NHƯ THANH
Một chương trình tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp của BAP. Ảnh: NHƯ THANH

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ

Theo báo cáo tại hội thảo CĐS giáo dục năm 2022 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành GD-ĐT đã được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022 là năm đầu tiên tất cả cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng triển khai đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung. Từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Không chỉ trong tuyển sinh, dạy và học, các ứng dụng CNTT cũng được áp dụng mạnh mẽ trong nhiều hoạt động, nhất là tại các hội thảo khoa học, tọa đàm… Vừa qua, Trường đại học Xây dựng Miền Trung tổ chức tọa đàm Cơ hội công việc và thách thức của vị trí việc làm kỹ sư dự toán bằng cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Thông qua ứng dụng Google Meet, các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế xây dựng, Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam tại các đầu cầu trực tuyến đã chia sẻ với các đại biểu, sinh viên tham dự kinh nghiệm từ thực tế cơ quan quản lý, doanh nghiệp về vị trí công việc kỹ sư dự toán.

Ngoài Google Meet, ứng dụng Zoom cũng khá quen thuộc đối với giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Với ứng dụng này, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên (BAP) vừa tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp học viện với chủ đề “Phát triển kinh tế vỉa hè trên địa bàn tỉnh”. Buổi tọa đàm kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của lãnh đạo và giảng viên BAP, đại diện một số phân viện tại các tỉnh, thành.

TS Trần Thanh Long, Phó Giám đốc BAP cho biết: Trong vòng hai năm trở lại đây, công nghệ 4.0 ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong môi trường giáo dục. Việc giảng viên và sinh viên sử dụng hệ thống MS Teams, Google Meet, tương tác trên Zoom… đã trở nên quen thuộc. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cấp đại học bắt buộc phải có những thay đổi và chuyển từ đào tạo tiếp cận nội dung sang đào tạo tiếp cận năng lực. Để nâng cao kỹ năng học tập của sinh viên, BAP cũng vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Kỹ năng học tập của sinh viên trong thời đại kỷ nguyên số”. Nhiều tham luận đề cập đến các vấn đề về việc dạy và học trong thời đại 4.0 được các đại biểu trình bày. Đây là dịp để giảng viên cũng như sinh viên cùng nhìn lại các phương pháp tiếp cận, trải nghiệm của mình; từ đó có sự điều chỉnh, tự rút ra những kỹ năng học tập hiệu quả nhất.

Phát huy hiệu quả tích cực

Thực tế cho thấy, để có thể hòa nhập và thành công trong thời đại 4.0, ngoài trình độ chuyên môn, sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng thiết yếu khác; không chỉ là hình thành tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp mà còn sử dụng thành thạo các phần mềm về CNTT.

TS Lê Thị Kim Huệ, Phó Trưởng bộ môn Kinh tế chính trị (BAP) cho biết: Trong quá trình xây dựng giáo trình, chúng tôi luôn lồng ghép, đưa ra một loạt phương pháp học tập mới như học tập thông qua dự án, ứng dụng thực tế ảo. Điều này giúp cá nhân hóa việc học cho từng sinh viên, nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy. Không chỉ tiếp xúc trực tiếp trên giảng đường, giảng viên và sinh viên các lớp còn thành lập các nhóm zalo để có thể trao đổi những vấn đề liên quan đến học tập. Nhờ đó, sinh viên sẽ trang bị và tự mình rèn luyện để có kỹ năng học tập phù hợp với thời đại kỷ nguyên số nhằm đạt được kết quả học tập cao và thành công hơn trong tương lai.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đào Văn Dương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Xây dựng Miền Trung), CĐS là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều năm nay, nhà trường nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng CNTT trong giáo dục, đào tạo, quản lý khoa học… để đem đến những lợi ích tối ưu cho người dạy và người học trong thời đại 4.0. Hiện nay, gần như trường không còn sử dụng văn bản giấy (trừ hồ sơ lưu trữ theo quy định); việc quản lý hồ sơ của học sinh, sinh viên đã được số hóa hồ sơ song song với lưu trữ truyền thống.

Có thể thấy, CĐS đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của nhà trường. Các khoa chuyên môn đều triển khai các phần mềm tổ chức biên soạn, thành lập ngân hàng đề thi, giáo án điện tử… “Nhà trường đẩy mạnh tương tác trên mạng, phát huy sáng kiến của giảng viên và sinh viên. Giảng viên tiếp cận phương tiện dạy học, bài giảng được số hóa thuận tiện, chất lượng; hoạt động đánh giá, khảo thí, phân loại, xếp loại minh bạch và công bằng. Sinh viên khi được tiếp cận môi trường số, chất lượng học tập tốt hơn”, PGS.TS Đào Văn Dương nhấn mạnh.

CĐS là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Giảng viên tiếp cận phương tiện dạy học, bài giảng được số hóa thuận tiện, chất lượng; hoạt động đánh giá, khảo thí, phân loại, xếp loại minh bạch và công bằng. Sinh viên khi được tiếp cận môi trường số, chất lượng học tập tốt hơn.

PGS.TS Đào Văn Dương,Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung

NHƯ THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây