Tháo gỡ những nút thắt trong chuyển đổi số

Thứ ba - 29/08/2023 04:40
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh vừa sơ kết công tác CĐS 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Tại hội nghị này, nhiều vấn đề, vướng mắc khi thực hiện CĐS đã được đưa ra bàn luận, tìm hướng giải quyết với mục tiêu tạo chuyển biến tích cực trong công tác CĐS.
Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số tại hội nghị sơ kết chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: THỦY TIÊN
Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số tại hội nghị sơ kết chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: THỦY TIÊN

Còn nhiều khó khăn

Theo Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, mặc dù tỉnh đã quan tâm, đầu tư cho công tác CĐS, tuy nhiên, hiện hạ tầng số, các nền tảng số vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu; nhiều cơ sở dữ liệu triển khai chậm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn vướng mắc, chưa hiệu quả. Đồng thời chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn hạn chế, chưa thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; công tác an toàn, an ninh mạng tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng trên thực tế việc triển khai thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình còn một số bất cập nên người dân gặp khó khăn khi thanh toán trực tuyến.

Thực hiện CĐS, thời gian qua, ngành Du lịch tập trung xây dựng các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt, marketing điện tử (E-marketing), ứng dụng công nghệ thực tế ảo quảng bá điểm đến, quét mã thông tin (QR code) tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 điểm di tích, danh thắng được xây dựng các trang fanpage và QR code. Sở VH-TT&DL còn thường xuyên cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên Trang thông tin điện tử du lịch Phú Yên, xây dựng website Liên minh kích cầu du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên của 4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Hoàng Phú cho hay: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trong ngành Du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế đến từ nhận thức về tầm quan trọng CĐS của các doanh nghiệp làm du lịch chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ nhân lực ngành Du lịch chưa tiếp cận, vận hành được công nghệ CĐS. Đặc biệt, du lịch là một ngành dịch vụ tổng hợp, có sự liên quan chặt chẽ giữa các ngành, các đơn vị lưu trú - lữ hành - điểm đến. Vì vậy, việc CĐS cần được thực hiện đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng trên thực tế, CĐS trong ngành Du lịch vẫn đơn lẻ, chưa có sự thống nhất. Đây là những nút thắt trong quá trình CĐS của ngành Du lịch hiện nay.

Ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT&TT, Phó Trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, vướng mắc chưa thể tháo gỡ trong công tác CĐS của tỉnh thời gian qua là vì CĐS vẫn còn là vấn đề mới, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng CĐS của một số cán bộ, công chức, viên chức, người dân còn hạn chế. Nhiều thể chế mới chưa được ban hành kịp thời, chưa tạo hành lang pháp lý cho CĐS. Nguồn kinh phí bố trí để thực hiện CĐS còn hạn chế, trong khi nhu cầu rất lớn. Nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin, CĐS của người dân còn hạn chế nên việc tiếp cận, cài đặt sử dụng các dịch vụ số còn gặp nhiều khó khăn…

Người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử tại ngày hội Chuyển đổi sốTP Tuy Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN

Chủ động khắc phục khó khăn

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí cho biết: Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để tiến hành lộ trình CĐS, nhưng việc số hóa chưa đi vào chiều sâu. Hiện nay các đơn vị, địa phương chưa có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chủ yếu kiêm nhiệm. Dữ liệu giữa các phần mềm chưa được đồng bộ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chưa có nhiều kinh nghiệm khai thác công nghệ, chưa chắc chắn về lợi nhuận đầu tư công nghệ nên còn e dè…

“Để khắc phục những vấn đề này, huyện Tây Hòa tập trung huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đảm bảo thực hiện CĐS đạt kế hoạch đề ra. Địa phương tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trong việc cùng với chính quyền thực hiện CĐS. Đồng thời, Tây Hòa cũng sẽ thực hiện tốt các thể chế và áp dụng công nghệ; đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chấp nhận và thử nghiệm công nghệ mới một cách có kiểm soát, làm điểm, làm nhanh để đánh giá và nhân rộng”, ông Trần Minh Trí nhấn mạnh.

 

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CĐS tỉnh nhấn mạnh, để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác CĐS, các sở, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp với Sở TT&TT xem xét lại hạ tầng, nhân lực, kinh phí phục vụ CĐS; chủ động khắc phục khó khăn, vấn đề nào quá khả năng, quyền hạn thì gửi đề xuất cho Sở TT&TT tổng hợp, rà soát để tham mưu UBND tỉnh giải quyết. UBND tỉnh đã bố trí cho chương trình CĐS 35 tỉ đồng để có nguồn lực hỗ trợ các đơn vị thực hiện CĐS. Các đơn vị phải xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần tập trung hoàn thành trong năm nay, tránh việc dàn trải dẫn đến không thể thực hiện.

Tháo gỡ những vướng mắc trong xây dựng dữ liệu chuyên ngành, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TT&TT khẩn trương tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ gắn thời gian thực hiện cụ thể cho các ngành. Quá trình thực hiện khó khăn, các đơn vị có thể tính đến việc thuê đơn vị tư vấn chuyên môn. Sở TT&TT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án CĐS của tỉnh. Việc này nhằm đảm bảo kế hoạch bố trí nguồn lực, làm cơ sở cho các ngành thực hiện trong năm 2024, đặc biệt là phần hạ tầng để thực hiện CĐS; đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các phần mềm tích hợp chưa đạt yêu cầu tại các sở để hỗ trợ, tư vấn hướng giải quyết cho các đơn vị tháo gỡ khó khăn. Các địa phương phối hợp Sở TT&TT rà soát pháp lý thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở để không bị vướng mắc khi đề xuất kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ.

“Các sở, ngành, địa phương phải bám sát sự chỉ đạo, phân công của UBND tỉnh trong kế hoạch triển khai công tác CĐS để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, tránh việc tiếp tục trình xin ý kiến UBND tỉnh khiến việc triển khai bị chậm trễ”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhắc nhở. 

Theo https://baophuyen.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây