Hào khí Đồng khởi Hòa Thịnh vang vọng mai sau

Thứ hai - 21/12/2020 21:14
Cách đây 60 năm, ngày 22/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Tuy Hòa 1, nhân dân xã Hòa Thịnh đã nổi dậy làm nên cuộc đồng khởi, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong phong trào cách mạng của địa phương từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Hào khí Đồng khởi Hòa Thịnh còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.
Đường về Hòa Thịnh hôm nay.
Đường về Hòa Thịnh hôm nay.

Đã sáu thập kỷ trôi qua, nhưng ông Dương Dụ, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược - một trong những người trực tiếp tham gia cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh vẫn còn nhớ rõ về thời khắc lịch sử này.

Mốc son chói lọi

Thời điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh, ông Dương Dụ là một trong năm cán bộ vũ trang được tỉnh chi viện cho đồng khởi. Ông Dụ nhớ lại: Những năm 1954-1960, phong trào cách mạng ở miền Nam nói chung, Phú Yên nói riêng gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi nhân dân cả nước tha thiết mong chờ ngày thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình thì Mỹ - Diệm liên tiếp mở các chiến dịch lớn trả thù những người kháng chiến, thẳng tay thực hiện cái gọi là “quốc sách tố cộng, diệt cộng”. Đặc biệt, Ngô Đình Diệm cho ra đời Luật 10/59, đưa máy chém đi khắp nơi, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1/1959) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì tại Hà Nội đã xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam là giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ.

Sau khi được học tập và quán triệt Nghị quyết 15, phong trào cách mạng ở Phú Yên, nhất là huyện Tuy Hòa 1 có những chuyển biến tích cực. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền và quyết định lấy xã Hòa Thịnh làm địa điểm phát động nhân dân đồng khởi, mở đầu cho phong trào giải phóng nông thôn, đồng bằng toàn tỉnh.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, vào 19 giờ ngày 22/12/1960, lực lượng tham gia Đồng khởi bắt đầu hành quân từ dốc Đá Ngó, hốc Cây Quăng, Đá Chồng, Hòn Chuối ra đến gò Mả Vôi thôn Phú Hữu, rồi chia thành ba cánh tiến đến trụ sở xã, nổ súng đánh vào trung đội dân vệ, bắt tên Phó Đại diện giao nộp con dấu, giấy tờ, tài liệu... Do được vận động từ trước, nên khi nghe tiếng súng nổ, hàng ngàn quần chúng từ các hướng đổ ra đường, mang theo gậy gộc, giáo mác cùng lực lượng vũ trang của huyện vừa tấn công, vừa nổi dậy truy bắt bọn tề ngụy, rồi tập trung về trụ sở xã tại thôn Mỹ Xuân dự mít tinh. Khoảng 1 giờ sáng 23/12/1960, cuộc mít tinh bắt đầu.

Đồng chí Lê Xuân Mai, Bí thư Huyện ủy vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai âm mưu phá hoại Hiệp định Geneve, tàn sát khủng bố đồng bào ta, giết hại cán bộ, đảng viên, trả thù những người kháng chiến cũ…; đồng thời tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền tay sai ở Hòa Thịnh, chính quyền thuộc về tay nhân dân. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn bù nhìn tay sai”, “Cách mạng miền Nam Việt Nam nhất định thắng lợi”. Đến 3 giờ cùng ngày, cuộc mít tinh kết thúc. Hòa Thịnh trở thành xã đầu tiên của đồng bằng Khu V do chính quyền cách mạng làm chủ.

Từ cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh, lực lượng cách mạng tiếp tục diệt ác, phá kèm ở các xã Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp; vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên mở rộng với trên 20.000 dân, phong trào sản xuất nuôi quân, đóng góp ủng hộ cách mạng phát triển hơn bao giờ hết. Cũng từ Đồng khởi Hòa Thịnh, hàng ngàn thanh niên của Phú Yên tình nguyện gia nhập bộ đội giải phóng, thoát ly vào căn cứ, đi khắp các chiến trường Khánh Hòa, Đắk Lắk làm nhiệm vụ chống Mỹ, ngụy, cứu nước.

Cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân - một trong những người trực tiếp lãnh đạo cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh khi còn sống đã đánh giá: “Đồng khởi Hòa Thịnh là cuộc đồng khởi đầu tiên ở một xã vùng đồng bằng Phú Yên đã giành thắng lợi nhanh gọn; là bước đột phá làm rung chuyển bộ máy thống trị ở cơ sở nông thôn của địch, cổ vũ mạnh mẽ khí thế cách mạng nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, tiến đến đấu tranh giải phóng tỉnh Phú Yên. Đồng khởi Hòa Thịnh cũng là điểm mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu V, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Phát huy truyền thống cha ông

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Đồng khởi, trong thời gian qua, Đảng bộ, quân và dân xã Hòa Thịnh đã đoàn kết trên dưới một lòng, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, ra sức xây dựng tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thịnh Lê Văn Hùng chia sẻ: “Sau khi kết thúc chiến tranh, Hòa Thịnh là một xã nghèo, sản xuất lạc hậu, hầu như tất cả đều phải làm lại từ đầu. Với tinh thần Đồng khởi để xây dựng cuộc sống mới, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Thịnh đã từng bước vượt qua khó khăn; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Diện mạo làng quê dần dần thay da đổi thịt. Hiện nay, đường làng, ngõ xóm đều được bê tông; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân còn phát triển kinh tế gia đình theo hướng mở rộng kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi...

Ông Trần Quốc Sách, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cũng vui mừng cho biết: Từ năm 2016, Hòa Thịnh đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng tới các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, xã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Còn thầy Trần Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi chia sẻ: Thầy và trò chúng tôi rất tự hào khi được dạy và học ở ngôi trường mang tên Đồng Khởi - một phong trào cách mạng lớn của nhân dân Hòa Thịnh nói riêng, nhân dân huyện Tây Hòa và tỉnh Phú Yên nói chung. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường từng bước phát triển và đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trường có chất lượng giáo dục cao, có uy tín đối với cha mẹ học sinh, là nơi giáo viên và học sinh không ngừng đổi mới, sáng tạo và luôn khát vọng vươn tới tầm cao mới.

Phát huy tinh thần Đồng khởi Hòa Thịnh, trong những năm qua, huyện Tây Hòa cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, Tây Hòa là huyện đầu tiên ở Phú Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Tấn Chân cho biết: Từ 2011-2018, Tây Hòa đã huy động được hơn 696 tỉ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới cùng sự góp công, hiến đất của cộng đồng dân cư. Toàn huyện xây mới, cải tạo, nâng cấp, bê tông 595,4km đường nông thôn và hơn 88km kênh mương nội đồng; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, với đầy đủ thiết bị, đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân. Thu nhập bình quân đầu người các xã nông thôn của huyện năm 2020 đạt 45 triệu đồng/người; tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98,3%; tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 3,4%...

Ông Trần Quốc Sách cho biết thêm, từ năm 2016, xã Hòa Thịnh đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng tới các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38,04 triệu đồng/năm; toàn xã tỉ lệ hộ nghèo chiếm 2,98% (101 hộ) và năm 2020 phấn đấu giảm còn 1%.

XUÂN HIẾU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây