Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nói: “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ năm 1960 đến nay, mỗi khi tết đến xuân về, Nhân dân khắp cả nước tổ chức Tết trồng cây. Đây là nét đẹp văn hóa, phong trào quần chúng sâu rộng mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây gây rừng nhằm bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào sự phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Giá trị của việc trồng cây
Theo Chi cục Kiểm lâm, hằng năm các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mỗi dịp xuân về. Sự lan tỏa mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2021, khi Phú Yên triển khai thực hiện Đề án trồng 15 triệu cây xanh, hưởng ứng, chung tay thực hiện Đề án trồng một tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp tỉnh, trong những năm qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tổ chức trồng nhiều loại cây tại các địa điểm trên địa bàn TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, huyện Tây Hòa...
Cùng với đó là sự hưởng ứng của lãnh đạo tỉnh, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân mang đến những hiệu ứng rõ nét, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh để đất nước ta ngày càng xanh, phát triển nhanh và bền vững, cùng chung tay chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân tốt đẹp hơn, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại”.
Đối với Đề án trồng 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025, theo Sở NN&PTNT, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Lâm nghiệp. Hằng năm, đơn vị này tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Thông qua lễ phát động, các ngành, địa phương tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí, cây giống để triển khai thực hiện việc trồng cây, trồng rừng. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng tích cực tham gia đóng góp kinh phí, cây giống, công lao động để trồng cây xanh, trồng rừng theo đề án được duyệt. Đây là nền tảng để Đề án trồng 15 triệu cây xanh ở Phú Yên hoàn thành và đạt lũy kế toàn tỉnh trồng được hơn 17,9 triệu cây trong năm 2024, đạt 120% kế hoạch.
“Xác định việc tổ chức lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là nhiệm vụ chính trị của ngành Lâm nghiệp, nên khi UBND tỉnh và Sở NN&PTNT có văn bản chỉ đạo, chúng tôi luôn chủ động và nỗ lực đảm bảo được chương trình sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp về giá trị của rừng; ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng. Đối với ngành Lâm nghiệp, đây là sự kiện khởi đầu cho một năm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết.
Năm 2025, ngành Lâm nghiệp nỗ lực hoàn thành các mục tiêu quản lý và bảo vệ rừng. Ảnh: NGÔ NHẬT |
Khởi đầu cho năm 2025
Để chuẩn bị cho lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Ất Tỵ năm 2025, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị: Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, các đơn vị chủ rừng và doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm xây dựng các phương án phối hợp với địa phương, đơn vị tổ chức lễ phát động.
Tại lễ phát động, lãnh đạo tỉnh sẽ cùng với người dân trồng các loài cây: sao đen, giáng hương theo tiêu chuẩn (đường kính gốc từ 8-12cm, cao từ 2,5-4m). Theo Sở NN&PTNT, ngay sau lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, ngành Lâm nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả phát động phong trào này của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Năm 2025, ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về lâm nghiệp trọng tâm như: Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025; Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2018-2025; Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050…
Một số mục tiêu ngành Lâm nghiệp phải hoàn thành như: trồng 6.950ha rừng, chăm sóc 21.280ha rừng trồng, bảo vệ 34.147ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh khoảng 760ha, trồng trên 1 triệu cây phân tán, khai thác 380.000m3 lâm sản.
Ngành Lâm nghiệp cũng sẽ thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng công an - quân đội - kiểm lâm và giữa các đơn vị kiểm lâm giáp ranh. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng thông tin, hoạt động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại công tác chuẩn bị lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Ất Tỵ năm 2025 đã được triển khai chu đáo. Sự thành công của chương trình sẽ giúp ngành Lâm nghiệp có sự khởi đầu ấn tượng trong năm 2025, tạo động lực và khí thế để tiếp tục triển khai những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới. Ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT |
NHẬT HUY
Tác giả: Diepkinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn