Ngày 25/4/1954: Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân

Thứ năm - 25/04/2024 00:35
Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị nguy cấp, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động số 1 cùng 3 tiểu đoàn lẻ và 1 tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về thị xã Thà Khẹt (Lào). Nhưng trên đường rút quân chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang Lào chặn đánh.
Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Liên quân Việt - Lào giam chân nhiều binh đoàn tinh nhuệ của địch ở Trung Lào để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ

Trung tuần tháng 4, sau khi thấy kế hoạch “Diều Hâu" không được thực hiện theo đúng thời hạn mình đã đề nghị, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp Navarre (Nava) đoán là việc tiến hành kế hoạch này có thể gặp khó khăn. Trước tình hình nguy ngập của Điện Biên Phủ, Nava lại nghĩ thêm một kế hoạch mới: Kế hoạch chạy khỏi Điện Biên Phủ lấy tên là kế hoạch Condor (Côngđo).

Nava định sẽ cho một lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Lào đánh chiếm vùng Tây Trang tại biên giới Lào - Việt, rồi tràn về Điện Biên Phủ; đồng thời, quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ liều chết phá vòng vây, mở một đường máu tiến về Tây Trang, kết hợp với toán quân ở đây, tháo chạy về Lào. Bộ binh sẽ kết hợp với quân nhảy dù để tiến hành kế hoạch với sự yểm hộ của một lực lượng không quân mạnh.

Lúc đầu, Cogni (Cônhi) phản đối kế hoạch Côngđo, cho rằng hắn đang thiếu quân số, thiếu phương tiện vận tải, thời tiết dạo này lại xấu. Cônhi nghĩ rằng cuộc rút lui sẽ thất bại thảm hại và nếu quân đồn trú còn chống cự ở Điện Biên Phủ để kìm chân các đại đoàn chủ lực của ta thì còn đỡ tai họa cho số phận quân đội viễn chinh Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ.

Chú thích ảnh
Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tuy nhiên đến ngày 25/4, Cônhi đã điện cho Nava cho biết Cônhi đồng ý tiến hành kế hoạch. Cônhi cho rằng, tác dụng của kế hoạch này tuy hạn chế, nhưng cũng không còn cách nào hơn để cứu nguy cho Điện Biên Phủ.

Thế nhưng kế hoạch này đã bị phá sản, khi trên đường rút quân, quân địch đã bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang Lào chặn đánh làm cho lực lượng bị hao mòn, tinh thần sa sút.

Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt 3, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung Lào kết thúc. Trong đợt hoạt động này ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên địch, tiếp tục giam chân nhiều binh đoàn cơ động tinh nhuệ của chúng ở Trung Lào để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ.

Cuộc thảm sát đẫm máu ở Noong Nhai, Điện Biên Phủ

Chú thích ảnh
Các đơn vị xung kích tấn công sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong ngày 25/4/1954, thực dân Pháp trong cơn hoảng loạn vì vỡ trận ở các mặt trận chủ lực đã ném bom vào trại tập trung Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) gồm hơn 3.000 dân làm 444 người dân thường thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Trước đó, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp bất ngờ đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên – nơi cuộc sống hòa bình của nhân dân Điện Biên mới được hưởng có 11 tháng kể từ khi Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi (ngày 10/12/1952). Vài tuần sau khi tái chiếm thung lũng Mường Thanh, nhằm cắt đứt chi viện, hỗ trợ của hậu phương ngay tại cơ sở, cách ly dân chúng với bộ đội, thực dân Pháp đã dồn người dân trên địa bàn vào 4 trại tập trung, trong đó có trại tập trung Noong Nhai, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các đồn binh.

Chú thích ảnh
Ngày 22/4/1954, vị trí 206 bị quân đội ta tiêu diệt, quân địch còn sống sót giơ tay xin hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trại tập trung Noong Nhai gồm hơn 3.000 dân, phần lớn là bà con dân tộc Thái, đến từ các xã: Sam Mứn, Thanh An, Noong Hẹt và Thanh Xương. Thực hiện chính sách “đốt sạch, phá sạch”, Đờ Cát liên tiếp cho ra các nhật lệnh: Tất cả những nhà bằng tre gỗ của dân chúng tản cư đều phải phá dỡ, vật liệu cho công binh thu về làm hầm trú ẩn.

Chú thích ảnh
Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Ngày 13/3/1954, quân ta đánh trận mở màn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Càng về sau những cuộc giao tranh càng ác liệt, quân Pháp lần lượt buộc phải rút chạy khỏi nhiều cứ điểm quan trọng. Cho đến cuối tháng 4/1954, phạm vi trận địa mà chúng còn tạm thời kiểm soát chỉ rộng chừng vài km2.

Vì không thể ngăn chặn được lòng yêu nước cháy bỏng của đồng bào Tây Bắc, lâm vào thế bị động khi bị bao vây, nguy cơ tiêu diệt cận kề nên chúng đã phạm một tội ác hèn hạ nhất là sát hại dân thường - điều mà Công ước quốc tế đã nghiêm cấm - ném bom vào trại tập trung Noong Nhai. Kết thúc cuộc thảm sát dã man, nhiều gia đình không còn một người nào sống sót. Hơn 440 người dân thường thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Chú thích ảnh
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chỉ 13 ngày sau đó, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ.

Chú thích ảnh
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về hậu phương. Ảnh: Tư liệu TTXVN

70 năm đi qua, chỉ có câu chuyện về sự tàn ác của đế quốc thực dân gây cho người dân Noong Nhai vẫn còn nguyên vẹn, còn bản làng, diện mạo của mảnh đất lịch sử ấy đã biết bao thay đổi, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Di tích Noong Nhai nổi bật với bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã chết do bom đạn, thể hiện nỗi đau mất con của những người mẹ. Ảnh tư liệu: Xuân Tư/TTXVN

Khu tưởng niệm cuộc thảm sát đẫm máu ở Noong Nhai vẫn sừng sững nằm bên tuyến đường Quốc lộ 279, con đường xuyên Á sang nước bạn Lào. Bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay như thể hiện nỗi đau tột cùng mất con của những người mẹ, nhưng vẫn kiên cường bất khuất đứng lên.

Chú thích ảnh
Cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Khép lại nỗi đau quá khứ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn Noong Nhai lại đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất chiến trường năm xưa. Đến Thanh Xương hôm nay, trên con đường Quốc lộ 279 huyết mạch, một bên là cánh đồng Mường Thanh màu xanh ngút ngàn, một bên là khu đô thị mới Bom La ngày một sầm uất, phát triển.

[Nguồn: TTXVN; Sách: Ký sự - Tập 2 "Chiến thắng Điện Biên Phủ" Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024; “Chiến dịch Điện Biên Phủ sự kiện-con số” Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024]

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

XEM NHIỀU TRONG THÁNG
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây