Nhớ về cội nguồn, cùng nhau đoàn kết tiến vào kỷ nguyên mới

Chủ nhật - 06/04/2025 00:33
Từ lâu mọi người dân Việt Nam đều thuộc lòng câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” để nhắc nhở mọi người luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Người Việt Nam rất tự hào vì mình là con Lạc, cháu Hồng và đã trải qua lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Lời nói của Bác vừa thể hiện lòng biết ơn đối với các Vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của các thế hệ con cháu Lạc Hồng. Ảnh sưu tầm
Lời nói của Bác vừa thể hiện lòng biết ơn đối với các Vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của các thế hệ con cháu Lạc Hồng. Ảnh sưu tầm

Từ thời các Vua Hùng dựng nước cho đến nay, một dân tộc không lớn đông so với các nước nhưng có một lịch sử hào hùng mà cả thế giới đều ngưỡng mộ. Một dân tộc luôn bị các thế lực ngoại bang dòm ngó, xâm lược, đô hộ nhưng không bao giờ bị đồng hóa, bị khuất phục. Một dân tộc nhỏ bé nhưng gan góc, dũng cảm, mưu trí đã đánh bại những thế lực xâm lăng hùng mạnh bậc nhất của thế giới như quân Nguyên Mông, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Lý giải vì sao một dân tộc nhỏ bé lại làm được những điều phi thường, viết nên những bản hùng ca vĩ đại như thế? Chắc chắn ai cũng biết, đó là vì dân tộc này có một nguồn gốc rõ ràng, cùng chung nòi giống, có cùng cha mẹ là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Mọi người Việt Nam, dù mang sắc tộc nào cũng đều nghĩ mình là anh em một nhà, cùng yêu thương nhau, cùng đoàn kết với nhau để chống lại những thế lực bên ngoài khi họ có ý định xâm phạm anh em mình, dân tộc mình. Truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau nó đã thấm sâu trong máu thịt của muôn đời người dân Việt Nam và trở thành một sức mạnh nội sinh bất diệt và mạnh mẽ đến lạ thường.

Khi nhắc đến cội nguồn dân tộc thì mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước đều rất tự hào và luôn nhắc nhở cùng nhau hướng về cội nguồn để giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc ngàn đời của người Việt. Chính bản sắc này đã viết nên bản hùng ca bất diệt của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bác Hồ đã từng nhắc “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Khắc ghi lời dạy giữ nước của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn coi bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Có bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì nhân dân mới an cư, lạc nghiệp, đất nước mới ổn định và phát triển. Và thực tiễn đã minh chứng: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững nên đất nước ta mới có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Giữ nước không chỉ đơn thuần là ngăn chặn, chiến đấu với các thế lực thù địch, các lực lượng quân sự chống phá và cướp nước; mà còn phải luôn giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh nội sinh của cội nguồn dân tộc. Bởi một dân tộc mất đi cội nguồn, mất bản sắc văn hóa là mất tất cả. Yêu nước, giữ nước còn phải khắc ghi sâu đậm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, luôn thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, ông cha ta đã có công to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc đến ngày nay.

Hiện nay đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, rất cần sự phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội sinh của cội nguồn dân tộc, cùng nhau đoàn kết, quyết tâm chiến thắng mọi trở lực, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp và hùng mạnh.

Hồng Thái (https://www.phuyen.dcs.vn/)

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây