NHỚ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TRẺ TUỔI

Thứ năm - 11/04/2024 03:17
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang ấy, có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những chiến sĩ mang trong mình tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt địch ở cứ điểm Him Lam… Tất cả những cống hiến, hy sinh của họ đã hòa thành bản anh hùng ca, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Họ xứng đáng đại diện cho một thế hệ trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
NHỚ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TRẺ TUỔI

Sinh năm 1924 tại xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1946, khi mới 22 tuổi, đồng chí Tô Vĩnh Diện tham gia và dần trở thành chỉ huy dân quân ở địa phương. Năm 1949, đồng chí xung phong vào bộ đội, chiến đấu ở nhiều vị trí, nhiều đơn vị, luôn gương mẫu, đi đầu, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 5-1953, quân đội ta thành lập các đơn vị cao xạ chuẩn bị cho đánh lớn, đồng chí Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng đơn vị pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

Hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh chụp một góc bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ”). Ảnh: toquoc.vn
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tô Vĩnh Diện là Khẩu đội trưởng pháo cao xạ. Suốt chặng đường hành quân, đồng chí Tô Vĩnh Diện luôn hăng hái nhận mọi việc nặng nhọc, động viên đồng đội đưa các khẩu pháo đến nơi tập kết an toàn. Khi kéo pháo qua những chặng đường khó khăn gian khổ, đồng chí Tô Vĩnh Diện luôn xung phong lái pháo, dọc đường hành quân và lúc nghỉ ngơi đồng chí đều nhắc nhở và chủ động kiểm tra tỉ mỉ từng khẩu pháo, đường xá để tránh những nguy hiểm bất ngờ xảy ra.

Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân. Ảnh: Cục Di sản văn hóa
Sau khi những khẩu pháo 105mm và 37mm được kéo vào chiếm lĩnh trận địa chờ thời cơ nổ súng, để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ được chắc thắng, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phải thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “Đánh chắc, tiến chắc”. Bộ đội ta được lệnh kéo pháo ra vị trí tập kết. Tô Vĩnh Diện cùng một đồng chí nữa đi trước cầm càng pháo. Đến đoạn xuống dốc, dây tời bị đứt, anh vẫn ghì chặt càng pháo điều khiển hướng lao của pháo vào vách núi. Trong khoảnh khắc, Tô Vĩnh Diện hô anh em “thà hy sinh quyết bảo vệ pháo” và ngay lập tức anh lao tới để cứu pháo, khẩu pháo khựng lại, nhưng hàng tấn sắt thép ấy đã đè lên người anh. Khi được đồng đội ứng cứu, anh chỉ kịp hỏi: “Pháo có việc gì không?” rồi kiệt sức, hy sinh…

Bộ đội ta kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngay tại mặt trận, đồng chí Tô Vĩnh Diện được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã đi vào lịch sử như một huyền thoại quên mình cứu pháo.
Ca ngợi tấm gương chói sáng đã anh dũng hy sinh, trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”
Ngày 7-5-1956, đồng chí Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân và trở thành người anh hùng Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ. Hiện nay, hài cốt của đồng chí được Đảng và Nhà nước quy tập và an táng tại nghĩa trang Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ.

Trần Can sinh năm 1931 tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đã nhiều lần trốn mẹ xin đi tòng quân nhưng vì vóc dáng nhỏ yếu nên mãi đến lần thứ tư, năm anh 20 tuổi mới trúng tuyển, nhập ngũ tại Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Chiến dịch Tây Bắc (giai đoạn Thu Đông năm 1952) được tham gia trận đánh lớn đầu tiên, đồng chí Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua cửa mở, dùng thủ pháo tiêu diệt hỏa lực địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cả tiểu đội thương vong gần hết, Trần Can đã cùng hai chiến sĩ còn lại tổ chức thành một tổ ba người tiếp tục chiến đấu diệt luôn ba ụ súng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy, tiêu diệt cơ quan đầu não của chúng, bắt sống 22 tên, thu 17 khẩu súng các loại. Trong chiến dịch Thượng Lào ngay sau đó không lâu, đồng chí Trần Can cùng đơn vị mình tiếp tục sang Sầm Nưa tiến công tiêu diệt một bộ phận quân Pháp đang đóng tại đây, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch lên cứ điểm Him Lam.

Ảnh trái: Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu TTXVN
Ảnh phải: Trận pháo kích vào cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ.

Toàn cảnh chiến thắng Him Lam.
Trong trận này, tiểu đội của Trần Can bắt sống 25 tên địch, thu nhiều vũ khí. Đặc biệt, trong trận đánh chiếm điểm cao 507, Trần Can đã dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên đánh chiếm mỏm Cột Cờ. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3 sau hơn một giờ chiến đấu cùng với việc tiêu diệt gọn Đại đội Lê dương số 11 của địch và đây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng tại Him Lam, đồng chí Trần Can tiếp tục chiến đấu ở nhiều vị trí khác nhau, khi chi viện cho Tiểu đoàn 154 phòng ngự ở đồi D hay lúc giúp cho trung đoàn bạn chiến đấu giữ vững từng chiến hào ở đồi C1. Do bị thương quá nặng, Trần Can hy sinh trong trận đánh cuối cùng của chiến dịch, sáng 7-5-1954.
Với những chiến công to lớn, Trần Can đã được tặng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 lần được bầu là chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 7-5-1956, Trần Can được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sinh năm 1931, là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, tham gia hoạt động du kích từ ngày còn nhỏ tuổi. Năm 1948, anh xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt. Anh tham gia hầu hết các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp. Khi hy sinh, đồng chí biên chế thuộc đại đội 674, tiểu đoàn 251, Đại đoàn 316.

Tranh vẽ “ Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn”. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta lúc bấy giờ đang ở giai đoạn quyết liệt. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, anh được phân công làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây ngăn quân Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó khi thấy lực lượng của Việt Minh ít, quân Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân ta đánh bại. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, quân Pháp liều chết xông lên, quân ta kiên quyết ngăn chặn chốt giữ.
Nhận lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, tạo điều kiện các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, anh đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Anh vượt qua lưới đạn dày đặc của Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trận đấu càng ngày càng diễn ra ác liệt hơn, anh được lệnh ở lại đại đội chiến đấu cùng đồng đội.

Súng trung liên, Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn, Điện Biên Phủ, năm 1954. Hiện đang trưng bày tại Bảo tàng LSQG (Ảnh tư liệu BTLSQG).
Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội quân ta bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình.
Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiểu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
... “Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam,
Anh chỉ biết có dây thép gai đồn giặc
Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc,
Lúc đồng đội cần dẫu chết không từ nan”…
(Tác giả: Chế Lan Viên)
Khi hy sinh, anh là tiểu đội phó, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đại hội mừng công của đơn vị Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bình bầu là chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn. Ngày 31-5-1955, Bế Văn Đàn được Quốc hội nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ… (Một góc bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ). Ảnh: toquoc.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây