Phần 1
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VÀ THẮNG LỢI VĨ ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC TA TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
I- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”[1] và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với Pháp để đuổi Tưởng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo, tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[2]. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.
II- Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với nhiều giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ.
Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ - Diệm đã tiến hành các chiến dịch đàn áp dã man các phong trào yêu nước, tiến bộ ở miền Nam, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu. Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược:Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ cách mạng vững mạnh của cả nước; Hai là, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới; bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt. Trong bối cảnh đó, từ ngày 13 đến ngày 21/01/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã họp (mở rộng) và ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, theo đó đã định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên.
Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.
Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.
Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”; liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đặc biệt là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh. Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng diễn ra quyết liệt, chúng ta khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.
Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Phong trào cách mạng phát triển mạnh trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, non sông thống nhất.
III- CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1. Trong 21 năm (1954 - 1975), đế quốc Mỹ đã tiếp sức cho chế độ ngụy quyền tay sai, xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời phát động chiến tranh phá hoại với âm mưu hủy diệt miền Bắc. Hàng loạt khó khăn khi tổ chức cuộc sống mới và giải quyết những vấn đề như tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thực hiện chính sách với thương, bệnh binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, thanh niên xung phong; trẻ em khuyết tật, bị di chứng chiến tranh, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.
Đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hậu quả chiến tranh chưa kịp hàn gắn thì lại liên tiếp bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (Tây Nam, phía Bắc năm 1979). Các cuộc chiến đấu này tuy không kéo dài nhưng đã gây tổn thất, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại.
Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, nguồn viện trợ không hoàn lại của quốc tế cho Việt Nam giảm hẳn và không còn; cùng với đó là chính sách thù địch, bao vây, cấm vận của Mỹ, đặt nước ta vào tình thế bị cô lập với thế giới. Thời gian 10 năm trước đổi mới, đã có không ít các hoạt động phá hoại, những âm mưu bạo loạn và lật đổ, những kích động và chia rẽ hận thù dân tộc, tất cả đều có sự tiếp sức của các thế lực phản động bên ngoài. Tình hình phức tạp nảy sinh sau chiến tranh cùng với những hậu quả chiến tranh chưa giải quyết xong đã tác động sâu sắc vào đời sống xã hội, tạo ra khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta những năm 1980, trước thềm công cuộc đổi mới.
2. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi to lớn. Hội nhập quốc tế trở thành vấn đề sống còn của mọi quốc gia, dân tộc. Mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tạo nên cú sốc chính trị chấn động nhân loại trong thế kỷ XX. Ở trong nước, chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, lại bị thế bao vây cấm vận thù địch, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh của mình, chủ động khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên.
Thành công của sự nghiệp đổi mới gần 35 năm, không những giữ vững ổn định chính trị, giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chính trị thế giới hết sức phức tạp, đầy biến động mà còn đem lại những thành tựu quan trọng cho đất nước. Từ một nước trước đổi mới còn khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, một bộ phận nhân dân nao núng, giảm sút niềm tin; sau đổi mới, đã thành một Việt Nam năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.
Phần 2
THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC SAU 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1945 - 2020)
I- CHÍNH TRỊ
1. Một quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phátxít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, bầu ra được 333 đại biểu. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử mở ra một thời kỳ mới, đất nước ta có Quốc hội, Chính phủ, bản Hiến pháp tiến bộ và hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về cả đối nội và đối ngoại.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ ngày 02/7/1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
2. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ
Ngay từ khi ra đời (tháng 2/1930), Đảng ta đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[3], “để đi tới xã hội cộng sản”2. Luận cương chính trị tháng 10/1930 nhấn mạnh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”3. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản và Lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã xóa bỏ chế độ thuộc địa, chấm dứt chế độ phong kiến, mở ra thời đại mới của dân tộc Việt Nam - Thời đại độc lập dân tộc, nhân dân được làm chủ xã hội và cuộc sống. Luận cương cách mạng Việt Nam được Đại hội II của Đảng (tháng 2/1951) thông qua đã xác định phương hướng và những điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VI của Đảng (Tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện dựa trên điều kiện, hoàn cảnh đất nước và nhận thức rõ hơn những vấn đề của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những luận điểm của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh; tổng kết những bài học lớn có giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đề ra (Tháng 6/1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI là quá trình không ngừng phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn đổi mới của Việt Nam.
Từ tám đặc trưng của mô hình xã hội chủ nghĩa được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã nhận thức sâu sắc hơn nội hàm của từng đặc trưng và mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa các đặc trưng, nổi bật là nhận thức về dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; về vị trí trung tâm của kinh tế - xã hội, về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, chú trọng hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; về vai trò nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh của văn hóa, vai trò chủ thể, động lực phát triển của con người; về vai trò, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự gắn bó dân tộc và nhân loại, quốc gia và quốc tế. Đảng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn thời cơ, thách thức đối với đất nước để xác định các bước đi, thiết kế các hình thức tổ chức kinh tế, xã hội quá độ phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn.
Bám sát tám phương hướng trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng ta đã cụ thể hóa, bổ sung, làm sáng tỏ hơn phương hướng phát triển đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tiếp cận theo tư duy mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nhấn mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phát triển nhanh, bền vững. Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được đầy đủ hơn theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phương hướng xây dựng văn hóa, con người; phát triển xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng và chỉnh đốn Đảng… được cụ thể hóa, bổ sung nhận thức, ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn.
Đảng ta luôn nắm vững và giải quyết tốt 8 mối quan hệ lớn trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011: Đổi mới, ổn định và phát triển; đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII cụ thể hóa quan hệ “giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa” thành quan hệ “giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”, bổ sung mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII phát triển mối quan hệ “giữa Nhà nước và thị trường” thành mối quan hệ “giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”. Đây là sự khái quát ở tầm lý luận những vấn đề cốt lõi phản ánh quy luật vận động của cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới.
3. Thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển
a) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Xác định rõ hơn bản chất của Đảng: Ngay từ khi mới thành lập, Đảng luôn khẳng định là Đảng của giai cấp công nhân. Bảy mươi lăm năm qua, Đảng ta đã xác định rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất của Đảng, đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và nhiều văn kiện Đảng sau đó khẳng định Đảng ta “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc[4].
Xác định đầy đủ hơn nền tảng tư tưởng của Đảng: Ngay từ khi thành lập, Đảng luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho việc xây dựng tổ chức và hoạt động của mình. Điều này được khẳng định đầy đủ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng có bước chuyển biến mạnh mẽ: Các quy định, nguyên tắc, cơ chế vận hành tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện. Các văn bản về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng liên tục được bổ sung, được cụ thể, toàn diện, đồng bộ hơn. Bộ máy của Đảng được đẩy mạnh sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên bước đầu có kết quả.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới: Vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo hệ thống chính trị được xác định rõ hơn. Dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Đảng ngày càng khẳng định năng lực hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo, tư duy chiến lược và năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương đó trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
b) Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Quốc hội đã có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu Quốc hội đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động; tăng cường bộ phận chuyên trách. Chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội đã đổi mới theo yêu cầu dân chủ và pháp quyền. Nhiều chế định mới, cách làm mới như có ứng cử viên tự do, tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách, chú ý tiêu chuẩn đại biểu để nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều cải tiến nội dung, phương pháp công tác; đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước có những đổi mới và từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, ngày càng dân chủ hơn. Hoạt động giám sát và thảo luận, quyết định các vấn đề lớn của quốc gia có chất lượng và thực chất hơn. Quốc hội đã làm tốt hơn chức năng lập pháp, ban hành Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi Hiến pháp vào năm 2001, ban hành Hiến pháp 2013. Chỉ tính số lượng các đạo luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ 1986 - 2016 đã gấp gần 8 lần số lượng luật, pháp lệnh ban hành trong 41 năm về trước (483/63); trong 4 năm 2016 - 2020, Quốc hội đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời có một số đạo luật mới, lần đầu tiên được Quốc hội ban hành như Luật An ninh mạng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia …
- Chính phủ có những thay đổi rõ rệt từ cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động. Nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được tuân thủ tốt hơn. Hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước được nâng lên. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước từng bước được thực hiện. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước đã có những bước tiến nhất định. Giai đoạn 2011 - 2020, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chính phủ được sắp xếp, điều chỉnh, giảm đầu mối theo hướng tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đã giảm 3 đầu mối trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; giảm hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, gần 15.200 cấp trưởng, phó, tinh giản 97.900 biên chế[5]. Cơ chế hoạt động của Chính phủ cũng có sự đổi mới quan trọng, chủ yếu quản lý ở tầm vĩ mô thông qua chính sách, kế hoạch, pháp luật. Đã tiến hành một bước cải cách hành chính, loại bỏ nhiều thủ tục, văn bản nhũng nhiễu, gây phiền hà. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả; trong đó đã tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập.
- Hệ thống các cơ quan tư pháp đã có những bước cải tiến theo yêu cầu dân chủ và pháp quyền. Chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được phân định rõ ràng hơn. Tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tối cao và cấp tỉnh có một số điều chỉnh; lập mới các tòa án chuyên trách (như tòa kinh tế, tòa lao động, tòa hành chính). Tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có điều chỉnh theo hướng tập trung thực hiện chức năng công tố, chức năng giám sát, giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp. Trong xét xử đã có quy trình khoa học hơn, nâng cao hiệu quả tranh tụng, coi trọng vai trò của luật sư. Việc tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đề cao vai trò của luật sư trong tố tụng được thực hiện bước đầu có hiệu quả. Việc thực hiện các thủ tục tố tụng ngày càng tốt hơn, hạn chế được tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên.
- Chính quyền địa phương có bước chuyển rõ nét theo yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đã sửa đổi Luật về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; đã thực hiện một bước phân cấp theo hướng mở rộng và tăng quyền hạn cho chính quyền địa phương. Hoạt động của chính quyền địa phương cũng đã đổi mới, giảm bớt hình thức và đi vào thực chất, thiết thực và dân chủ hơn. Hội đồng nhân dân có vai trò lớn trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ủy ban nhân dân các cấp thích nghi dần với những yêu cầu quản lý mới trong điều kiện kinh tế thị trường.
c) Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội
Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu của đất nước.
4. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy
Những đổi mới trong từng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị và mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận đã góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ xã hội. Đã chế định ngày càng đầy đủ hơn thiết chế và cơ chế thực thi dân chủ. Thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp có những chuyển biến tích cực. Dân chủ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hoạt động khoa học có những kết quả nổi bật đã góp phần làm cho dân chủ trong xã hội có bước phát triển toàn diện.
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đã tạo những điều kiện và cơ hội quan trọng để người dân tham gia vào quá trình chính trị, các công việc nhà nước, thể hiện cả quyền, năng lực, trách nhiệm của mình trong xây dựng và thực thi dân chủ. Các cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe, tăng cường đối thoại với nhân dân, tôn trọng các ý kiến khác nhau. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước được coi trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn.
Hệ thống pháp luật được bổ sung, sửa đổi; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; ban hành các quy định về chế độ công chức nhà nước trong hoạt động công vụ; chú trọng công tác thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân; ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở … đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
II- KINH TẾ
1. Nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình
Giai đoạn 1945 - 1954 là giai đoạn đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn nhất. Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.
Giai đoạn 1955 - 1975 đất nước bị chia cắt, do vậy nền kinh tế của hai miền cũng khác nhau. Kinh tế miền Bắc giai đoạn 1955 - 1975 thực hiện nhiều nhiệm vụ: thời kỳ 1955-1957 là thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, tạo cơ sở kinh tế và chính trị vững chắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; thời kỳ 1958 - 1960 thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế; thời kỳ 1961 - 1975 thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong bối cảnh miền Bắc có chiến tranh. Còn nền kinh tế miền Nam từ năm 1945 đến năm 1975 phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng.
Giai đoạn 1976 - 1985, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng.
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) hoàn thành vượt mức, sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm 1990 - 2000 đạt 7,5%.
Giai đoạn 2006 - 2010, nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỉ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).
Giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,8%/năm[6]. Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỉ USD năm 2010 lên trên 80 tỉ USD vào năm 20202.
Kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. GDP 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%. Trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt: Năm 2013 - 2014 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm[7]. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
2. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế từng bước được đẩy mạnh; phát huy lợi thế ngành và lãnh thổ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã xác định: “Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta”[8]. Trong 20 năm đầu, công nghiệp hóa diễn ra trong điều kiện có chiến tranh. Những năm sau, công nghiệp hóa diễn ra trong điều kiện khủng hoảng kinh tế - xã hội, vừa tìm tòi đổi mới nền kinh tế. Công nghiệp hóa trước đổi mới diễn ra theo mô hình của Liên Xô, chỉ đến khi khởi đầu là đổi mới tư duy kinh tế và nhất là từ Đại VIII (1996), công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta mới được xác định một cách đầy đủ. Trong 35 năm đổi mới, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, nhận thức của Đảng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có những bước phát triển mới về cả nội dung và phương thức thực hiện.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tích cực thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu tạo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh, phát triển, khơi thông các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có tiến bộ. Cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa được chú trọng gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Ngành công nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục trong nhiều năm; tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ được cải thiện, nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, quy trình quản lý công nghiệp hiện đại được áp dụng. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, thị trường được mở rộng. Một số ngành dịch vụ mới, chủ lực có giá trị gia tăng cao như khoa học - công nghệ, thiết kế công nghiệp, nghiên cứu thị trường, tài chính, ngân hàng, viễn thông. .. đã hình thành và từng bước phát triển. Việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có tiến bộ, tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.
Sản lượng lương thực quy thóc năm 1954 ở vùng giải phóng đạt trên 2,9 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Sản lượng lương thực quy thóc từ 3.759 nghìn tấn năm 1955 tăng lên 4.738 nghìn tấn năm 1956 và 4.293 nghìn tấn năm 1957; giai đoạn này chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp nhẹ, củng cố phát triển những cơ sở công nghiệp nặng. Từ năm 1958 đến năm 1960 là thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế ở miền Bắc. Tổng sản phẩm xã hội bình quân mỗi năm tăng 13,6%, thu nhập quốc dân tăng 7,7%, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 21,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,1%, tổng trị giá xuất, nhập khẩu tăng 13,8%. Năm 1975, ở miền Bắc, tổng sản phẩm xã hội gấp 2,3 lần so với năm 1960, thu nhập quốc dân gấp 1,9 lần. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,4 lần. Kinh tế miền Nam thời kỳ này phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng; tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa tăng với tốc độ cao.
Giai đoạn 1986 - 2010, Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng nhanh và liên tục (năm 1988 chiếm tỷ lệ 21,6%, năm 1995 chiếm tỷ lệ 41%, năm 2010 chiếm tỷ lệ 41,1%…). Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP năm 1988 là 46,3%, năm 2003 giảm xuống còn 21,8%, năm 2005 là 20,5%. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm dần, từ 38,06% năm 1986 xuống còn 18,9% năm 2010; 18,12% năm 2014 và 13,1% năm 2020. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đã tăng từ 33,1% năm 1988 lên 38% năm 2003 và 38,5% năm 2010.
Từ năm 2011- 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 13,1% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng từ 81,1% lên 86,9%, vượt mục tiêu đề ra. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nông nghiệp tập trung vào sản xuất hàng hoá theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 26,9% năm 2010 lên 78,3% năm 2020[9]. Công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển. Ngành xây dựng tăng trưởng khá, năng lực xây lắp và chất lượng công trình xây dựng từng bước được nâng lên. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng cao. Ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lượng khách quốc tế tăng nhanh, đến năm 2020 đạt khoảng 20 triệu lượt.
Cơ cấu lao động đã có sự chuyển đổi tích cực, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ tốt hơn các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp đã giảm mạnh, từ 73% năm 1990 xuống khoảng 47% năm 2014 và 33,5% năm 2020. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng liên tục, trong đó ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 11,2% năm 1990 lên 18,2% năm 2005 và đến năm 2014 là 20,8%; ngành dịch vụ tăng từ 15,8% năm 1990 lên 24,7% năm 2005 và đến năm 2014 là 32,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ dưới 10% năm 1990 lên 40% năm 2010 và 65% năm 2020.
3. Chuyển nền kinh tế từ thế bị bao vây, cấm vận, khép kín sang nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế
Giai đoạn 1945 - 1954, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong thế bị bao vây, cô lập, phải đối phó với nhiều loại kẻ thù. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã nêu cao thiện chí và chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, nỗ lực tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực, các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp; hình thành liên minh phối hợp chiến đấu với Lào và Campuchia cùng chống kẻ thù chung; giúp đỡ, đặt nền tảng cho sự tương trợ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô. Từ năm 1950 đến năm 1954, cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với sự hậu thuẫn to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước dân chủ nhân dân, những người anh em láng giềng và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Giai đoạn 1955 - 1975, quan hệ thương mại giữa miền Bắc nước ta với các nước trên thế giới cũng được mở rộng, từ 10 nước (trong đó có 7 nước xã hội chủ nghĩa ) trong năm 1955, đến năm 1965, đã tăng lên 35 nước (trong đó có 12 nước xã hội chủ nghĩa). Tính đến tháng 7/2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với nước ta từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước năm 2000. Đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014 - 2016[10].
4. Chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao
Giai đoạn 1946 - 1954, các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng từng bước được cải thiện. Lương thực bình quân đầu người năm 1957 đã đạt 303 kg. Thu nhập bình quân đầu người của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp năm 1970 tăng 20% so với năm 1965. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, kể cả khu vực nông thôn và thành thị, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015), từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người năm 2010 lên khoảng 3.000 USD/người năm 2020[11]. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh ước đạt 96%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước năm 2020 là 90%[12]. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 20203.
III- VĂN HÓA
1. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, dân tộc, khoa học, đại chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực phát triển đất nước
Nhận thức của Đảng và Nhà nước, của nhân dân về vai trò của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đầy đủ và nâng cao. Nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội đã được coi trọng với một số chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa, gắn văn hóa với phát triển. Đã bước đầu khai thác văn hóa như nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.
Sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, chất lượng. Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, tìm tòi phương thức thể hiện mới để nâng cao năng lực khám phá cuộc sống. Ngành nghệ thuật biểu diễn có sự phát triển phong phú và đa dạng, mỗi năm đã dàn dựng được hàng trăm chương trình, vở diễn, tiết mục mới. Nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đã có bước phát triển năng động, thích nghi với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Sức sáng tạo của nhân dân được phát huy trong các hoạt động sáng tác, biểu diễn, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật. Giá trị văn hóa phong phú đặc sắc của các dân tộc được kế thừa và phát triển, làm nền văn hóa dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa Việt Nam, được thế giới công nhận và trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú.
Hội nhập quốc tế về văn hóa bước đầu có những thành tựu. Nhiều giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa mới của nhân loại được tiếp nhận góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Cùng với giao lưu văn hóa quốc tế được mở rộng thì di sản văn hóa được coi trọng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được đề cao, bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy. Các sự kiện văn hóa được tổ chức nhằm tôn vinh và khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc.
2. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có những chuyển biến tích cực góp phần hoàn thành chung các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” được triển khai rộng rãi và đi vào chiều sâu, thu được kết quả tích cực; xây dựng văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo rộng khắp, thể hiện đạo lý của dân tộc và những giá trị nhân văn của con người Việt Nam. Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người. Hoạt động thể dục, thể thao ngày càng được mở rộng, đạt nhiều thành tích cao của khu vực và thế giới.
3. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt đời sống tinh thần nhân dân
Giai đoạn 1945 - 1954, thực hiện chỉ thị của Đảng, nhiều tủ sách, thư viện trong các cơ quan dân chính đảng, trong đơn vị quân đội được thành lập, cùng với việc thành lập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, ở miền Nam đã xây dựng Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1954, hệ thống truyền thanh được phát triển mạnh mẽ khắp cả nước, sau ngày miền Nam giải phóng, mạng lưới đài phát thanh và truyền hình ở các tỉnh, huyện được xây dựng, trở thành kênh thông tin quan trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước
Từ năm 1986 đến nay, lĩnh vực báo chí liên tục phát triển phong phú và đa dạng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, thông tin kịp thời các hoạt động chính trị - xã hội, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân. Năm 2019 có 850 cơ quan báo in, báo điện tử. Hiện nay, hệ thống báo chí đang được đẩy mạnh quy hoạch theo Đề án sắp xếp của Chính phủ. Lĩnh vực phát thanh - truyền hình có bước phát triển nhanh về kỹ thuật và công nghệ thông tin, năm 2019 có 72 đài phát thanh, đài truyền hình (cả địa phương và trung ương). Năm 2019, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2,7 tỷ đồng. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường... ngày càng phong phú và có chất lượng tốt. Đến tháng 01/2020, có khoảng 68,17 triệu người Việt Nam sử dụng dịch vụ internet.
4. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc đạt nhiều kết quả; di sản văn hóa đang trở thành tài nguyên độc đáo của du lịch Việt Nam
Công tác sưu tầm, bảo quản, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đã đạt nhiều thành tựu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân dân. Nhờ có đường lối và chính sách đúng mà hàng ngàn di tích văn hóa được trùng tu, tôn tạo; hàng trăm lễ hội truyền thống được phục hồi; nhiều làn điệu dân ca, các huyền thoại, truyền thuyết, các bộ sử thi... di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia, quốc tế và thực tế đã trở thành những di sản chung của văn hóa nhân loại. Văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số được chú trọng, đầu tư phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn, khẳng định giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam. Đời sống văn hóa tinh thần, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được khôi phục, tôn trọng. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, từng bước phát triển theo chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Năm 2013, cả nước có trên 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có trên 36.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh và trên 3.000 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, có trên 20 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cuối năm 2014, Việt Nam có 8 di sản văn hóa vật thể, 9 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu được vinh danh di sản thế giới. Đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng, thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật.
5. Công tác quản lý văn hoá có nhiều đổi mới
Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa đã có những đổi mới theo hướng tích cực. Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn để giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Những quan điểm mới, nhận thức mới của Đảng đã được Nhà nước thể chế hóa kịp thời, trở thành động lực thúc đẩy văn hóa phát triển. Phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước về văn hóa cũng từng bước đổi mới để thích nghi với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hành dân chủ rộng rãi và bảo đảm quyền văn hóa của người dân. Các hội văn học nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từng bước được củng cố. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng.
IV- XÃ HỘI
1. Hệ thống chính sách xã hội được xây dựng và ngày càng hoàn thiện
Giai đoạn 1945 - 1954, những chính sách đầu tiên về lao động, việc làm, về khuyến khích tăng gia sản xuất, bảo vệ quyền của người lao động, về chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Giai đoạn 1955 - 1975, ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến điều chỉnh quan hệ lao động làm công ăn lương trong các xí nghiệp thời gian đầu mới tiếp quản; bảo đảm đời sống và điều kiện lao động cho công nhân viên chức nhà nước; huy động và phân bổ, sử dụng lao động; tiến hành ba lần cải cách tiền lương, áp dụng chế độ trả lương bằng tiền thay thế chế độ trả bằng hiện vật. Đặc biệt, năm 1961, Đảng đã chủ trương vận đồng đồng bào miền xuôi đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Đây là một chủ trương rất lớn, được thực hiện hiệu quả cho đến tận ngày nay. Những năm 1965 - 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, nhiều chính sách lao động được hoàn thiện phù hợp với thời chiến nhằm huy động tối đa sức người, sức của thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược. Công tác kế hoạch hóa lao động được chú ý, nhiều chỉ tiêu về phân bố, điều phối lao động, năng suất lao động, tiền lương đã được đưa vào kế hoạch hàng năm, trở thành chỉ tiêu pháp lệnh. Hàng loạt chính sách về thương binh, liệt sĩ được sửa đổi, bổ sung.
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới, lĩnh vực xã hội có những thành tựu quan trọng. Nhà nước đã ban hành Bộ luật lao động và hàng loạt các chính sách về giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, phát triển nguồn nhân lực, phát huy nội lực sức lao động, phát triển thị trường lao động theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tiền lương, đổi mới chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, v.v., góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới. Đặc biệt những năm gần đây (2016 - 2020), việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách xã hội đã nhanh chóng được bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo đảm các quyền cơ bản của con người phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và với các tiêu chuẩn tiến bộ về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận; ban hành và triển khai một số chính sách trong lĩnh vực lao động, ưu đãi người có công, an sinh xã hội, chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số; hệ thống văn bản pháp luật, chính sách đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; các chính sách về tiền lương,...
2. Giải quyết lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội
Sau ngày đất nước thống nhất, công tác lao động, xã hội được mở rộng, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề lao động ở miền Nam, động viên lực lượng cả nước tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước cải thiện đời sống người lao động. Ở miền Nam, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết, sắp xếp việc làm cho người lao động thất nghiệp; ổn định đời sống cho cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về; sắp xếp việc làm cho bộ đội, thanh niên xung phong xuất ngũ. Thực hiện chủ trương phân bổ lại lực lượng lao động và dân cư, hàng triệu đồng bào đồng bằng sông Hồng đã hăng hái đi khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những năm 80 thế kỷ XX, chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được triển khai mạnh mẽ; đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận thanh niên (khoảng 20 vạn người), đồng thời đào tạo một đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước sau này. Công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ, thống nhất chính sách, chế độ giữa hai miền, công tác quy tập, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ được đẩy mạnh.
Từ năm 1986 đến nay, các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động được thực hiện tốt. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng. Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; phát triển nhà ở xã hội. Bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả; công tác bảo vệ trẻ em được quan tâm.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động được thực hiện. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở thành thị có xu hướng giảm dần từ mức 4,5% năm 2010 xuống còn 3% năm 2020[13]. Từ 2006 - 2011, đã giải quyết được việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 4,5%. Lao động qua đào tạo đã có những chuyển dịch tích cực. Công tác dạy nghề cũng đạt được những kết quả quan trọng, số người được đào tạo nghề liên tục tăng. Năm 2002, số người được dạy nghề là 1 triệu người, đến năm 2004 là gần 1,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện đáng kể từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020.
Năm 1999, số người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là 19.780 người, đến 2003 là 72.000 người, tăng gấp 3,6 lần. Năm 2004, thị trường lao động ngoài nước có nhiều biến động, ta đưa được 67.447 người đi lao động. Giai đoạn 2011- 2020, công tác lao động xuất khẩu có bước tiến đáng kể.
Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, huy động toàn xã hội tham gia chăm sóc gia đình chính sách, người có công. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người đang hướng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hướng trợ cấp hằng tháng[14].
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo được thế giới đánh giá cao. Tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm liên tục từ 30% năm 1992 xuống còn 8,3% năm 2004. Đến năm 2000, cơ bản xóa xong tình trạng đói kinh niên. Giai đoạn 2010 - 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều2).
3. Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 114/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ)”3.
V- Y TẾ
1. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), ngành Y tế đã bảo đảm phục vụ tốt chăm sóc thương, bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh như dịch tả, thương hàn, bại liệt; đẩy lùi được một số bệnh xã hội đe dọa sức khỏe nhân dân như sốt rét, mắt hột, lao, bệnh đậu mùa. Từ năm 1954, ở miền Bắc, ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở khu vực nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi rõ rệt: các công trình vệ sinh được xây dựng, sức khoẻ của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Giai đoạn 1956 - 1975, lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có sự phát triển nhanh chóng. Các phong trào quần chúng rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, làm sạch môi trường, chăm sóc bản thân rất sôi nổi. Hệ thống y tế có nhiều thành tựu trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực của nhân dân, chăm sóc người già, phụ nữ, trẻ em trong thời kỳ chiến tranh gian khổ và ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, ở miền Nam nhiều bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch đã được xử lý.
Từ năm 1986 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân; từng bước thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho người dân. Các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai tích cực. Mức hưởng thụ dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, đến năm 2020 ước đạt 73,7 tuổi. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao; từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên. Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7% vào năm 2020[15].
2. Mạng lưới y tế được mở rộng, nhất là y tế cơ sở
Ách đô hộ của thực dân Pháp đã để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe cho người dân Việt Nam. Cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân hầu như không có. Sau khi giành được chính quyền, Nhà nước ta đã xây dựng thêm nhiều cơ sở y tế. Đến năm 1954, tại vùng giải phóng có 135 bệnh viện, bệnh xá, 790 phòng khám bệnh, 740 trạm cứu thương và 300 nhà hộ sinh.
Đến năm 1975, ở miền Bắc đã có 1.180 cơ sở khám, chữa bệnh, với 56,6 nghìn giường bệnh. Số cán bộ y tế là 93 nghìn người, trong đó có 29.600 y, bác sĩ. Bình quân một vạn dân có 12,1 bác sĩ. Sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống y tế xã, phường hầu như không có. Do đó, việc xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đủ sức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đặt ra rất cấp thiết. Năm 1985, cả nước có 11.059 cơ sở khám chữa bệnh với 202,2 nghìn giường bệnh. Số cán bộ y tế là 187,4 nghìn người, trong đó có 62,3 nghìn y, bác sĩ. Bình quân 1 vạn dân có 13,6 y, bác sĩ.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Các dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài giờ tại nhà, tại các cơ sở chữa bệnh được mở rộng. Mạng lưới khám, chữa bệnh trên toàn quốc được sắp xếp lại, hệ thống tổ chức y tế cơ sở (xã, phường, thị trấn) được củng cố, đủ sức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Năm 2003, cả nước có 13.162 cơ sở khám với 192,9 nghìn giường bệnh. Số cán bộ y tế là 184,6 nghìn người. Năm 2005, gần 100% các trạm y tế xã, phường có y, bác sĩ.
Đến nay, mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm. Cả nước có 1.400 bệnh viện với 180.000 giường bệnh, 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010- 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…
3. Những thành tựu y học nổi bật
Chủ động sản xuất được nhiều vắcxin phòng bệnh: Thành tựu y tế quan trọng thời kỳ sau năm 1945 là sản xuất được các loại vắcxin phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ. Năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được kháng sinh peniciline. Năm 1961, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắcxin sabin phòng bệnh bại liệt và vắcxin phòng bệnh đậu mùa. Hiện nay, Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vắcxin, tự nghiên cứu sản xuất vắcxin, như vắcxin cúm mùa 3 type được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa; ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch, như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.
Điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ: Đến nay, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu… Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%. Tỷ suất chết mẹ giảm xuống còn 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2015; tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi giảm khá nhanh, xuống còn 14,73 phần nghìn; tỷ suất chết trẻ em dưới năm tuổi giảm xuống 22,12 phần nghìn, đưa Việt Nam thành một trong năm nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới. Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi[16].
Kiểm soát và ngăn ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm: Việt Nam hiện đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động. Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, cụ thể như thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, từ năm 2002 không có bệnh dịch hạch; một số bệnh dịch đã giúp giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi... Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, như: sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV...Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện bệnh như MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9 hay COVID-19, v.v... Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm; giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc.
Làm chủ nhiều công nghệ cao: Việt Nam cũng tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương - khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu. Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu. Tháng 10/2019, hai ca ghép phổi thành công đã đánh dấu kỳ tích mới trong ngành ghép tạng Việt Nam. Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng - một kỹ thuật khó của y học thế giới. Trong lĩnh vực sản khoa, năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên đã triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai - là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay.
VI- GIÁO DỤC và ĐÀO TẠO
1. Quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về phát triển giáo dục. Cả nước sôi nổi thực hiện phong trào bình dân học vụ, từ năm 1945 đến năm 1964, số thoát nạn mù chữ lên đến 10,5 triệu người. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, việc xóa nạn mù chữ đã căn bản hoàn thành ở miền xuôi, phong trào bổ túc văn hóa phát triển mạnh mẽ. So với năm học 1955 -1956, năm học 1975 - 1976 số trường phổ thông tăng 2,6 lần, số học sinh tăng 7,4 lần, số trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 29,1 lần, số trường đại học tăng 19,5 lần, số sinh viên tăng 50,9 lần. Ở miền Nam, sau giải phóng, chúng ta đã tổ chức cho hàng chục vạn người theo học các lớp bổ túc văn hóa. Nhà trẻ và các lớp mẫu giáo phát triển khá nhanh. Các trường phổ thông phát triển rộng khắp. Hệ thống các trường sư phạm nhanh chóng được hình thành ở khắp các tỉnh, thành, đào tạo thêm hàng vạn giáo viên mới.
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng có nhiều đổi mới, thể hiện ở sự phát triển rộng khắp mạng lưới các trường học, sự tăng nhanh quy mô giáo dục, những chuyển biến bước đầu về chất lượng giáo dục. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến năm 2004, 20 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, từ 13.172 trường lên 15.384 trường mầm non và 6.518 nhóm trẻ độc lập, trường phổ thông sắp xếp lại từ 28.803 trường đến nay là 27.086 trường. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học được củng cố và phát triển ở khắp các khu dân cư lớn, các vùng, một số tỉnh/thành phố. Tính đến năm học 2019 - 2020, cả nước có 237 trường đại học, học viện (bao gồm 172 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Quy mô sinh viên đại học, cao đẳng trong giai đoạn 2011 - 2020 tăng khoảng 2,4%.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và được chuẩn hóa, ngày càng đồng bộ về cơ cấu trong 10 năm qua. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ được đào tạo theo quy định của Luật giáo dục: đối với mầm non đạt 96,6%, tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở 99,0%, trung học phổ thông 99,6%, đại học 82,7%; 100% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo cấp học tương ứng.
Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học là 59,7%; cấp trung học cơ sở là 56,7%; cấp trung học phổ thông là 37,04%. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất; đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để các địa phương huy động nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học tập.
Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. So với các nước, trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn hẳn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn.
2. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ
Việc thực hiện công bằng trong giáo dục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được mở rộng hơn để phục vụ con em đồng bào dân tộc thiểu số, từ 299 trường tăng lên 316 trường ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng nhu cầu học tập của 109.445 học sinh nội trú; 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú với quy mô 1.097 trường và 185.671 học sinh bán trú. Tiếng nói, chữ viết của 8 dân tộc thiểu số đã được đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học; trong đó tiếng Hoa và tiếng Khmer được dạy cả ở trường trung học cơ sở.
Mạng lưới trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng được duy trì, ổn định. 100% các tỉnh, thành phố có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 84,7% huyện có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và 97,83% xã phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Mô hình hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng được duy trì, củng cố, một số địa phương đã lồng ghép các chương trình dự án với hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40 nghìn dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62 nghìn “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân số và 27,5 nghìn các tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
Ngoài ưu tiên ngân sách cho giáo dục, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ học bổng và phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật... Các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và lập nghiệp.
3. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên
Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non: Năm học 2013 - 2014, cả nước mới có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì đến năm 2017, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Nội dung chương trình giáo dục mầm non được đổi mới đã giúp trẻ tự tin, chủ động trong giao tiếp và tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục; trẻ có nhiều tiến bộ và phát triển tốt cả 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống đều đặn hằng năm.
Chất lượng giáo dục phổ thông: Những năm gần đây, chất lượng giáo dục phổ thông nước ta trở thành tâm điểm nghiên cứu của thế giới. Giáo dục hướng nghiệp đã được quan tâm đổi mới về nội dung, đa dạng hóa các hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành, gắn với thực tiễn. Giáo dục mũi nhọn đã được chú trọng và tiếp tục đạt kết quả tốt. Học sinh Việt Nam khi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế luôn đứng ở vị trí tốp đầu. Tổng số Huy chương Vàng đạt được trong 5 năm qua tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đó. Từ năm 2016 - 2019, Việt Nam có 187 lượt thí sinh tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đạt 146 giải (45 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc, 35 Huy chương Đồng và 6 Bằng khen).
Chất lượng đào tạo đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới. Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 8 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực, trong những thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước 10 năm qua có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao, mà đa số được đào tạo trong nước.
4. Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực
Từ giữa thế kỷ XX đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục. Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, nhưng cuộc cải cách giáo dục lần đầu tiên nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Đến năm 1956, cải cách giáo dục lần thứ hai hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức, có tài. Năm 1981, cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba toàn diện hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo bước chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học. Hiện nay, chúng ta đang tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)[17], bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
5. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh
Từ năm 2004 đến năm 2016, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế: Olympic Vật lý châu Á (năm 2004), Olympic Toán học quốc tế (năm 2007), Olympic Vật lý quốc tế (năm 2008), Olympic Hóa học quốc tế (năm 2014). Năm 2016, Việt Nam là nước chủ nhà của Cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 - IBO 2016. Tính đến năm 2019, cả nước có tổng số 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo; các nước đã cấp khoảng 1.400 suất/năm cho lưu học sinh Việt Nam đi học tập ở các trình độ từ đại học đến tiến sĩ và thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
VII- QUỐC PHÒNG - AN NINH
1. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng và phát triển đất nước
Đây là thành tựu lớn nhất trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Xây dựng toàn diện nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân
Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.
Công tác phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến đơn vị cơ sở. Các đơn vị quân đội, công an đã chủ động phối hợp để tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, chúng ta đã ra sức xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
3. Hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; “Chiến lược Quân sự Việt Nam”; “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; “Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia”; “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”. Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh: Luật An ninh quốc gia, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân…
Đây là những bước tiến quan trọng, nhằm thể chế hóa đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.
4. Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại
Tiền thân từ các đội vũ trang của quân khởi nghĩa Nam Kỳ, các đội Cứu quốc quân ở Việt Bắc … xuất hiện trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, lực lượng Quân đội và Công an đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành và lập nên nhiều kỳ tích trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (1945 - 1975) cũng như trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng trung kiên bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đẻ phát triển đất nước. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cũng là lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường “trận địa lòng dân”, chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa - dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, tấn công làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hoạt động cơ hội chính trị, các loại tội phạm hình sự; tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục thiên tai.
Cùng với xây dựng bộ đội chủ lực vững mạnh, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, rộng khắp. Toàn quốc đã đào tạo được gần 24.400 cán bộ quân sự cấp xã chuyên ngành quân sự cơ sở, qua đó đã nâng cao trình độ, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Đã tập trung xây dựng dân quân tự vệ biển thực sự trở thành lực lượng quan trọng phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Dân quân tự vệ, công an viên thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở cơ sở.
5. Hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh đạt nhiều kết quả
Đối ngoại quốc phòng, an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Đến năm 2019, chúng ta đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam, trong đó 28 nước thường trú và 22 nước kiêm nhiệm. Quân đội đã cử 37 lượt sĩ quan và tổ chức 2 bệnh viện dã chiến cấp 2 (mỗi bệnh viện gồm 64 quân nhân) sang tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xuđăng.
VIII- ĐỐI NGOẠI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1. Công tác đối ngoại đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa
Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta được hình thành rõ nét và phát huy mạnh mẽ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, các hoạt động đối ngoại được xúc tiến nhằm đề cao chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp, chính phủ và nhân dân các nước khác đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Từ những năm 50 thế kỷ XX, hoạt động đối ngoại được triển khai gồm ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; cùng bổ sung, hỗ trợ cho nhau, làm cho hoạt động đối ngoại thêm phong phú, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại chung, phục vụ đắc lực và thiết thực nhất mục tiêu cách mạng ở từng thời kỳ, góp phần vào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến đổi sâu sắc và phức tạp. Đại hội VII của Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” với tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[18]. Đại hội IX đề ra tiếp tục “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[19]. Thực hiện đường lối đó, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), với Mỹ (năm 1995).
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ 7 nước G7 và 17/20 nước thành viên G20. Thiết lập và nâng cấp nhiều mối quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Chỉ riêng trong 5 năm (2016 - 2020), Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 3 nước, nâng đối tác chiến lược lên đối tác toàn diện với 1 nước, thiết lập đối tác toàn diện với 5 nước, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 30 nước. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa. Quan hệ với các đối tác hàng đầu không chỉ phát triển mạnh trên kênh Nhà nước, mà còn được đẩy mạnh trên cả kênh Đảng với nhiều hoạt động cấp cao vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa có nhiều nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả.
Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng và khu vực. Mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông nhưng chúng ta đã khéo léo, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc tích cực tham gia đàm phán về COC, đẩy mạnh trao đổi về phân định vùng đặc quyền kinh tế với Inđônêxia, tiếp tục duy trì các cơ chế đàm phán với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực nghiên cứu các khả năng hợp tác cùng phát triển. Chúng ta cũng đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào; đang triển khai việc thực hiện Nghị định thư và Hiệp định Quy chế biên giới Việt - Lào. Với Campuchia, hai nước cũng đã hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc và đang xúc tiến hoàn tất văn kiện ghi nhận những kết quả đã đạt được.
Công tác đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ pháp luật trong việc đẩy lùi, vô hiệu hóa các âm mưu và hành động chống phá Đảng, Nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài; đấu tranh bảo vệ quyền và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007. Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng phát triển Á Châu …
Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, duy trì và củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) và Hiến chương ASEAN; tham gia tích cực, có trách nhiệm với các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, Ủy ban Kinh tế - xã hội Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần, Việt Nam còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương, đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu và xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với nhiều cơ chế, tổ chức, sáng kiến quốc tế. Các nước lớn ngày càng coi trọng vị thế của Việt Nam trong chiến lược ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam chủ động và tích cực trong việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Việc ký các hiệp định thương mại đã mở rộng và đa dạng hóa thị trường, quan hệ bạn hàng với nhiều nền kinh tế phát triển và không để nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào một thị trường, góp phần đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện vào chiều sâu.
Vị thế trong các tổ chức và các mối quan hệ đối ngoại đã góp phần làm cho đất nước đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đi vào triển khai hàng trăm thỏa thuận hợp tác quốc tế ở các cấp từ trung ương tới địa phương, thu hút nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta không ngừng tăng cao. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, dòng vốn FDI tính đến 20/02/2020 có 31.434 dự án có hiệu lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ với tống số vốn đăng ký là 370 tỉ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng, cải thiện đáng kể cán cân thương mại. Văn hóa, du lịch, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ … đều đạt những thành quả quan trọng.
75 năm qua, từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước ta, nhân dân ta đã trải qua bao khó khăn, gian khổ từ nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng, phát triển vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đạt được trong 75 năm qua là công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta và sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế. Chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn đó, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"[20] và phát huy cao độ niềm tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong năm 2021 và những năm tiếp theo với bước phát triển mới hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.424.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.160.
[3], 2, 3.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.54, tr.147.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.103.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.84, 85.
[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.84.
[8] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tập 1, trang 65
[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội, XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.90.
[10]. Báo cáo chuyên đề gửi kèm CV số 2205/BNG-CSĐN ngày 1/7/2020 của Bộ Ngoại giao.
[11]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.84.
[12], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.103, 98.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.100.
[14], 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.100, 100, 102.
[15]. [15]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.102.
[16]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.102.
[17]. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[18]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.51, tr.49.
[19]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.60, tr.146.
[20]. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020).
Ban Tuyên giáo (Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn