CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN, ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ
Ngay khi tình hình dịch trở nên căng thẳng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 20/7/2021 về việc thành lập “Tổ Công tác đặc biệt” của Chính phủ đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành viên của Tổ là Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động -Thương binh và Xã hội; một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam trong công tác phòng, chống dịch. Nhiệm vụ của Tổ là để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, những vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ là dành tất cả những gì tốt nhất để giúp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chiến thắng dịch bệnh với tinh thần: “Không có gì quý hơn sức khỏe của nhân dân”. Theo đó, Chính phủ chủ trương ưu tiên phân bổ nhiều nhất số vacicne nhận được cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Xúc động biết bao trước lời đề nghị tha thiết của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố, nhân dân trong cả nước hãy nhường một phần vacicne cho Thành phố Hồ Chí Minh tiêm trước nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trên diện rộng.
Có thể nhận thấy, chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ trong việc ưu tiên cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là hoàn toàn đúng đắn; vừa xuất phát từ thực tiễn cấp bách trong giai đoạn hiện nay, vừa là sự kế thừa và phát triển tinh thần nhân văn, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân Việt Nam trong lịch sử.
TẤT CẢ VÌ MIỀN NAM RUỘT THỊT
Chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Chính phủ đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước. Ngay khi Tổ Công tác đặc biệt được thành lập, trong số 2 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ để sử dụng khẩn cấp cho chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 ở Việt Nam, có 1 triệu liều đã được chuyển ngay vào Thành phố Hồ Chí Minh. 800 máy thở đã được vận chuyển bằng đường hàng không cùng lô hàng hơn 6,2 tấn gồm máy thở và trang bị y tế của Bộ Y tế đã được chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, các nguồn lực y tế vẫn tiếp tục được tăng cường đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để gia tăng thêm năng lực y tế cho các địa phương này trong công tác phòng, chống dịch.
Không chỉ có sự chi viện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cả nước cũng tích cực chung tay ủng hộ các tỉnh phía Nam. Nhiều cơ quan phát động cán bộ, công nhân viên ủng hộ 1 ngày lương cho miền Nam chống dịch. Hầu hết các địa phương trên cả nước tuy cũng đang phải căng mình chống dịch với nhiều khó khăn nhưng cũng vẫn tích cực ủng hộ vật chất, các trang thiết bị y tế, lương thực và các nhu yếu phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đáng quý hơn cả là sự đóng góp của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hầu hết các doanh nghiệp đều bị giảm doanh thu, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động... nhưng vẫn chủ động, tích cực chi viện cho miền Nam. Có thể nói, cả hệ thống chính trị, cả dân tộc Việt Nam đã đồng sức đồng lòng hướng về miền Nam, chung tay “tiếp lửa” cho miền Nam trong công tác phòng, chống dịch.
Xúc động hơn cả là sự chi viện của đội ngũ cán bộ, nhân viên, học viên y tế trên cả nước cho các tỉnh phía Nam. Cho đến nay, có hơn 2.300 cán bộ, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, có 3 người đã tử vong vì COVID-19. Đây thực sự là một mất mát lớn vì đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là những chiến sĩ nơi tuyến đầu, là lực lượng then chốt nhất đảm bảo cho sự thành công của công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, không vì thế mà ngăn trở rất nhiều cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế và cả các học viên ngành Yxung phong vào miền Nam chống dịch.
Tiêu biểu cho tinh thần xung kích, quả cảm ấy là sự tham gia của 319 cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho thành phố Hồ Chí Minh (ngày 30/6/2021); 127 cán bộ y tế Thừa Thiên Huế chi viện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam(ngày17/7/2021); 300 cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện Việt Đức lên đường chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh (ngày 5/8/2021), 100 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương chi viện cho Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long (ngày 19/8/2021); 50 cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Phú Thọ lên đường vào “chia lửa” với thành phố Hồ Chí Minh (ngày 19/8/2021); 25 cán bộ của bệnh viên K Trung ương cũng hỗ trợ Trung tâm Hồi sức cấp cứu phòng chống COVID-19 tại Đồng Nai...
Gần đây nhất, ngày 21/8/2021, gần 300 cán bộ y tế, học viên Quân y năm thứ tư của Học viện Quân y lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tăng cường công tác phòng, chống dịch. Trong Lễ xuất quân, đồng chí Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y đã nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc, chưa bao giờ người dân thànhphố Hồ Chí Minh, người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ”. Lời phát biểu đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ y tế, học viên Quân y lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần “tất cả vì miền Nam phía trước”.
Tính riêng đợt dịch lần thứ 4, đến ngày 21/8/2021, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 14.000 cán bộ, nhân viên y tế và học viên ngành y tham gia chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam. Trong số họ, có biết bao người trong cùng một gia đình, họ là cha mẹ, con cái, vợ chồng nhưng đã sẵn sàng gác bỏ lại gia đình, hạnh phúc cá nhân để lên đường vì miền Nam ruột thịt. Có biết bao học viên ngành Y còn trẻ tuổi, sẵn sàng gác lại bút nghiên để xung phong vào tâm dịch với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Cả nước đang sôi sục vì miền Nam ruột thịt. Hiện giờ, mặc dù nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách nhưng mỗi ngày, có biết bao đoàn xe nườm nượp tiến về miền Nam, chi viện sức người, sức của để “tiếp lửa” cho miền Nam trong công tác phòng, chống dịch.
Ngày 25/8, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã tổ chức Lễ xuất quân hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 đợt 2. Đoàn gồm 24 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 16 Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 11/8, Đoàn công tác số 1 gồm 30 cán bộ y tế của Bệnh viện đã lên đường chi viện miền Nam và hiện đang điều trị hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16 Thành phố Hồ Chí Minh. Với tinh thần “chia lửa cho tiền tuyến”, những “chiến sĩ áo trắng” đầy nhiệt huyết của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương quyết tâm dốc hết sức mình vượt qua mọi thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ việc cứu chữa người bệnh, góp một phần nhỏ bé trong cuộc chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống đại dịch COVID-19. Đây là những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và có những rủi ro trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Nhưng tất cả các bác sỹ đều sẵn sàng, tự nguyện lên đường, không chỉ đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ được phân công mà còn là sự thúc giục của trái tim, lương tâm của người thầy thuốc.
Để tiếp tục đồng lòng, chung sức cùng với cả nước phòng, chống đại dịch, chiều 25/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19". Chương trình nhằm kịp thời hỗ trợ, góp phần đảm bảo đời sống cho những người khó khăn để không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động. Những phần quà này sẽ được trao trực tiếp đến tay người đang gặp khó khăn, nhất là người nghèo, người yếu thế với thủ tục đơn giản nhất và thời gian nhanh nhất, phù hợp với điều kiện và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Ngay trong ngày 25/8, Chương trình hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội tổng số 600.000 phần quà, tương đương 180 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng thông tin thêm, cùng với số quà và kinh phí nêu trên, Ban Tổ chức Chương trình sẽ tiếp tục vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và huy động một phần từ nguồn của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong đợt cao điểm vận động "Toàn dân đoàn kết, ra sức thi đua phòng, chống đại dịch CôVID-19" để tiếp tục hỗ trợ các địa phương. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ sản phẩm nông, lâm, hải sản cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời gian giãn cách xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục huy động hội viên, đoàn viên ở cơ sở tiếp tục tham gia vào các tổ phòng, chống COVID cộng đồng, tổ thiện nguyện, bám địa bàn, bám dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để cùng với lực lượng chức năng đáp ứng kịp thời các nhu cầu đảm bảo đời sống, hỗ trợ về y tế... ở mức cao nhất có thể, để nhân dân yên tâm "ai ở đâu, ở yên đó", giãn cách xã hội thực chất, phòng, chống dịch hiệu quả, cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.
Cùng với quân và dân cả nước, trong thời gian vừa qua, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên đã có nhiều việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa nhân văn, góp phần cùng với cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phát động đợt cao điểm "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19" với số tiền tiếp nhận và đăng ký ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc các cấp trên 7.000 tỷ đồng.
Ngày 25/8, làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn các tỉnh phía Nam cho biết, trước mắt Bộ Quốc phòng sẽ điều động 2.000 quân nhân tham gia phối hợp cùng các lực lượng địa phương phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời điều 50 trạm xá di động và 15 xe cứu thương đến “vùng đỏ đậm đặc” của tỉnh Bình Dương.
Trước những hành động cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, với những việc làm thiết thực góp phần phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, chúng ta liên tưởng đến tinh thần đồng bào, sẻ chia, đồng cam cộng khổ của nhân dân miền Bắc với miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam tiếp tục chịu sự đô hộ của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu nghĩ về miền Nam. Người từng nói: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Do đó, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Người đã kêu gọi cả nước hướng về miền Nam, chi viện cho miền Nam chống Mỹ.
Từng đoàn người, đoàn xe nườm nượp tiến vào miền Nam trong những ngày qua gợi nhắc đến hình ảnh những đoàn người, đoàn xe nô nức tiến về miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với tinh thần: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Điều đó cho thấy, tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng vì miền Nam ruột thịt một lần nữa lại được tỏa sáng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đó cũng chính là minh chứng không gì thuyết phục hơn để đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng như những luận điệu muốn chia rẽ khối đại đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước vấn rêu rao trong thời gian qua.
Phía trước, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam nói chung và ở các tỉnh phía Nam nói riêng tuy còn nhiều cam go, thử thách nhưng chúng ta tin tưởng rằng, sự động viên, đồng sức đồng lòng “chia lửa” của cả nước sẽ là nguồn động lực to lớn cả về vật chất và tinh thần giúp thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhanh chóng chiến thắng đại dịch. Thực tiễn đã cho thấy, chúng ta đã từng chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược bằng tinh thần đoàn kết và nay sẽ tiếp tục chiến thắng đại dịch bằng chính tinh thần đồng sức đồng lòng, sẵn sàng đồng cam cộng khổ, sẻ chia với các vùng, miền có nhiều khó khăn hơn.
Trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta!”(1). Lời kêu gọi ấy giống như một lời hiệu triệu nhân dân cả nước chung tay đoàn kết để cùng nhau vượt qua những khó khăn và chiến thắng đại dịch, làm tỏa sáng hơn nữa tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt” trong bối cảnh mới./.
TS. Lê Thị Chiên/TG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
---------------------
(1) https://www.tuyengiao.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ra-loi-keu-goi-phong-chong-dich-covid-19-134689
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn