Trận đánh cuối cùng giải phóng Phú Yên

Thứ sáu - 31/03/2023 20:01
Vào lúc 11 giờ ngày 1/4/1975, sau đòn tấn công quyết định của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và sự nổi dậy đều khắp của Nhân dân các địa phương trong tỉnh, toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở Phú Yên tan rã, bị tiêu diệt, bị bắt hoặc đầu hàng, toàn tỉnh Phú Yên được giải phón
Lực lượng vũ trang Phú Yên thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trước khi tấn công giải phóng TX Tuy Hòa sáng 1/4/1975.
Lực lượng vũ trang Phú Yên thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trước khi tấn công giải phóng TX Tuy Hòa sáng 1/4/1975.

 

Sau khi đánh tan đoàn quân của quân lực Việt Nam cộng hòa tháo chạy từ Tây Nguyên xuống đồng bằng làm nên chiến thắng Đường 5 vang dội, quân ta nhanh chóng củng cố lực lượng, cùng với bộ đội chủ lực đánh chiếm TX Tuy Hòa và giải phóng toàn tỉnh với thời gian ngắn nhất, hạn chế thấp nhất thương vong.

Quyết tâm đanh thép

 Đến 11 giờ ngày 1/4/1975, toàn tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng. Lá cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh sao vàng tung bay trên bầu trời Tuy Hòa lộng gió mãi mãi là biểu tượng đầy tự hào của quân và dân Phú Yên, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại quê hương núi Nhạn sông Đà.

Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên thời điểm đó nhớ lại: Ngày 26/3/1975, Sở chỉ huy tiền phương và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 họp bàn thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, đi đến quyết tâm: “Nỗ lực chuẩn bị để tiến công vào TX Tuy Hòa vào ngày 30/3/1975”. Song, do trục đường 7 chưa được khai thông, công binh của Sư đoàn 320 và của tỉnh khắc phục ngày đêm, đến tối 31/3 mới xong nên phải chuyển sang quyết tâm: “Sáng 1/4/1975 tiến công giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên”. Sư đoàn 320 và Sở chỉ huy tiền phương khẩn trương làm công tác hiệp đồng chiến đấu.

Về phía địch, sau thất bại thảm hại trên đường 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Quân đoàn 2 cố tập hợp lực lượng còn lại để phòng thủ thành tuyến Quy Nhơn -Tuy Hòa - Nha Trang. Tại TX Tuy Hòa, quân địch lúc này có 11 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội bảo an, 1 chi đội thiết giáp, Ban chỉ huy tiểu khu Phú Yên, Liên đoàn 21 (mới khôi phục lại) và toàn bộ lực lượng ác ôn, cảnh sát tại chỗ được tổ chức thành từng cụm để phòng thủ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân Quân đoàn 2 và đại tá Vi Văn Bình, Chánh thanh tra Quân đoàn 2. Ở phía nam thị xã, địch chốt giữ huyện lỵ Hiếu Xương và sân bay Đông Tác gồm: Tiểu đoàn bảo an 236, một trung đội pháo 105ly (2 khẩu); Tiểu đoàn bảo an 235 chốt giữ Phú Khê, hai tiểu đoàn bảo an 210 và 220 chốt ở ngã ba Phước Bình trở xuống núi Một (Hòa Tân) và Tiểu đoàn biệt động 34 chốt giữ từ ngã ba ga Gò Mầm (Hòa Tân - Hòa Bình) đến Hảo Sơn.

 Theo phương án hiệp đồng chiến đấu giải phóng tỉnh lỵ, Trung đoàn 9 đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu phía tây, Trung đoàn 48 tiến công hướng thứ yếu ở bắc - tây bắc, Trung đoàn 64 được LLVT địa phương phối hợp đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu hai theo trục đường 5 đánh chiếm quận lỵ Hiếu Xương, sân bay Đông Tác và cùng Tiểu đoàn 9 cắt đứt quốc lộ 1 ở đèo Cả.

 Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn

 Sáng 31/3, Tiểu đoàn 8 vào triển khai trận địa phục kích giao thông đoạn núi sông Ván (Hòa Xuân, Tuy Hòa 1), bắn cháy 3 ô tô trong đoàn xe của địch, số còn lại chạy thoát về phía nam. Tối hôm đó, Tiểu đoàn 9 cùng với Đại đội đặc công nước 24 đảm nhận luồn sâu xuống Ba Lò (Hòa Hiệp) chặn địch không cho chúng chạy ra biển. Trung đoàn 3 (Sư đoàn 320) hành quân đến đèo Cả chặn địch, không cho chúng thoát vào Khánh Hòa.

 Cũng trong ngày và đêm 31/3, ở hướng chủ yếu TX Tuy Hòa, lực lượng của ta hội quân ở suối Đá Bàn (Hòa Kiến), ăn uống no nê, chỉnh đốn binh lực chờ đến giờ G; một bộ phận khác ém quân ở những vị trí đã định.

Quân ta tấn công đánh chiếm Tỉnh đường ngụy sáng 1/4/1975.

Đúng 5 giờ sáng 1/4, ta bắt đầu tiến công giải phóng TX Tuy Hòa. Pháo 105ly, súng cối 120ly của ta đặt ở gò Muối (Hòa Thắng) bắn vào các trận địa pháo binh địch ở núi Nhạn, làm cho trận địa pháo binh của chúng bị tê liệt. Trung đoàn 9 đánh chiếm Nhạn Tháp, nhà ga, ty cảnh sát, nhà lao, tiểu khu; Trung đoàn 48 làm chủ Phước Hậu, sân bay Chóp Chài, nhà lao, giải thoát 300 tù chính trị bị địch giam giữ. Một đại đội xe tăng của Trung đoàn 48 tiến đánh hậu cứ Trung đoàn 47 ngụy ở bắc Chóp Chài, rồi phát triển ra Tuy An. Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta trên cả ba hướng, quân địch tuy có ngoan cố chống cự nhưng đã núng thế, một số tháo chạy bằng trực thăng và tàu xuồng ra biển.

9 giờ ngày 1/4/1975 ta làm chủ hoàn toàn TX Tuy Hòa, cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn. Người cắm lá cờ trên đỉnh tháp lúc ấy là Đại đội phó Đại đội Pháo cao xạ 22 Tỉnh đội Phú Yên Nguyễn Sĩ Kỳ (sau này là đại tá, Chỉ huy trưởng Huyện đội Thanh Trì, Hà Nội). Trong một lần về thăm lại chiến trường xưa sau khi nghỉ hưu vào năm 2003, tiếp xúc với phóng viên Báo Phú Yên, đại tá Nguyễn Sĩ Kỳ cho biết về giờ phút lịch sử này: Sau khi quân ta làm chủ TX Tuy Hòa, Đại đội Pháo cao xạ 22 chúng tôi cấp tốc hành quân lên núi Nhạn xây dựng trận địa phòng không, sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến phản kích, bảo vệ vững chắc bầu trời thị xã vừa giải phóng. Giữa trận địa còn nồng nặc mùi thuốc súng, ông đã trèo lên đỉnh Tháp Nhạn treo lá cờ chiến thắng. Tháp Nhạn khi đó bị tróc lở nham nhở, có nhiều khe hở nên có thể bám vào để leo lên.

 Lá cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh sao vàng tung bay trên bầu trời Tuy Hòa lộng gió trưa 1/4/1975 mãi mãi là biểu tượng đầy tự hào của quân và dân Phú Yên, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại quê hương núi Nhạn sông Đà.

 Bắt sống chuẩn tướng Trần Văn Cẩm giả chết

 Ở hướng Tuy Hòa 1, đúng 5 giờ 35 ngày 1/4, sau khi cơ động chiếm lĩnh trận địa, Trung đoàn 64 nổ súng tấn công địch, đánh vào huyện lỵ Hiếu Xương, sân bay Đông Tác; chi viện cho Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64, Sư 320) phối hợp với các đơn vị địa phương đánh chiếm núi Một. Các đơn vị còn lại phát triển đánh chiếm xã Hòa Vinh, quốc lộ 1. Hàng trăm xe và binh lính địch từ TX Tuy Hòa tháo chạy vào Khánh Hòa bị ùn lại, hỗn loạn từ nam cầu Bàn Thạch đến đèo Cả. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt; ta thu và phá hủy 120 xe quân sự, bắt hơn 200 tù binh.

 Sau khi Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 đánh chiếm sân bay Đông Tác, phát hiện một bộ phận lớn binh lính địch đang tập trung ở sát bờ biển chờ tàu hải quân đến cứu, quân giải phóng lập tức tổ chức truy quét, bắt giữ hơn 300 tên và thu nhiều vũ khí, trong đó có chuẩn tướng Trần Văn Cẩm. Thượng tá Dương Đình Quyền, nguyên chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 kể: Khi trung đội của chúng tôi do Trung đội trưởng Đàm Việt Hùng chỉ huy, được lệnh truy kích ở bãi biển Đông Tác thì phát hiện giữa những hàng phi lao và chi chít hố đạn pháo mấy “cái xác” nằm úp mặt. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu Trung đội trưởng Hùng: “Có thể là chúng giả chết!?”. Anh mỉm cười và ra hiệu cho chúng tôi tiến lại gần, chĩa súng vào “cái xác” bự nhất nói: “Cứ bồi cho nó một loạt nữa cho chắc”. Cái xác bỗng bật dậy la rối rít: “Ấy… tôi còn sống… Tôi là chuẩn tướng…”. Cả mấy “cái xác” bên cạnh đều bật dậy đầu hàng. Xem giấy tờ tùy thân, chúng tôi xác định đã bắt được chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, người chỉ huy cuộc rút chạy. Ở một địa điểm khác, ta cũng bắt được đại tá Vi Văn Bình cải trang làm dân trên đường chạy trốn cùng nhiều tên khác.

 Tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, sáng 1/4 LLVT và du kích phối hợp với lực lượng trọng điểm nổ súng đánh chiếm từng khu vực, bao vây quận lỵ, chi khu. Toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng, giao nộp vũ khí cho cách mạng. Những tên chạy trốn lần lượt bị Nhân dân địa phương truy bắt hoặc ra trình diện..

PHÓNG VIÊN

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây