Cả đêm gần như không ngủ được, nhớ những kỷ niệm, những hiểu biết về ông, nhất là những lần được trực tiếp làm việc với ông trong giai đoạn 10 năm tôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng và làm Bí thư Tỉnh ủy.
1. Vào cuối tháng 1/2010, tôi được điện của Văn phòng Trung ương Đảng báo tin là Đoàn công tác của Bộ Chính trị do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội XI dẫn đầu vào làm việc với Tỉnh ủy Phú Yên với yêu cầu là kiểm tra việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp của tỉnh tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, và tìm hiểu về thực trạng một HTX nông nghiệp làm ăn tốt của tỉnh để chuẩn bị cho định hướng về kinh tế tập thể đưa vào văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Tác giả và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên đưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng thắp hương tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn vào tháng 5/2016. Ảnh: CTV |
Sau khi họp Ban Thường vụ để chuẩn bị phần báo cáo của tỉnh với đoàn của Bộ Chính trị, chọn HTX để phục vụ việc tìm hiểu của đoàn là HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Phong, đơn vị Anh hùng lao động, phân công việc chuẩn bị đón tiếp chu đáo các mặt. Tôi nhớ là công điện có nhắc ý của đồng chí Trọng là không được đưa đón phô trương, không được vào Nha Trang đón về mà đoàn sẽ tự đến Phú Yên. Tôi có mời Công an tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy để bàn lộ trình đón, làm việc với đoàn, anh em có đề xuất là nên đón ở Đại Lãnh với lý do là đèo Cả đường hẹp, quanh co nguy hiểm, cần có xe dẫn đường, bảo đảm an toàn tối đa. Tôi giao Công an tỉnh làm việc với Công an Khánh Hòa chọn vị trí đón để phối hợp bảo vệ trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ giữa hai tỉnh.
Tôi còn nhớ lúc xuống xe tại Đại Lãnh, ông mang kính trắng, mặc sơ mi dài tay, mái tóc bạc nhưng dáng đi nhanh nhẹn. Sau khi nghe tôi giải thích ngắn về lý do vì sao phải vào đón ở đây, ông gật đầu vui vẻ và chuyển sang xe của tỉnh để đi tiếp. Trước đó, tôi đã biết đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một giáo sư về triết học, đã từng là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản, rồi làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trước khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XII, nhưng tôi chưa có dịp trực tiếp gặp và làm việc với ông.
Qua tiếp xúc lần này, tôi mới biết ông là người dễ gần gũi, khả năng thu hút người đối diện cao bằng lối nói nhẹ nhàng, tinh tế, dễ hiểu. Dọc đường, tôi báo cáo với ông về tính lịch sử của các địa điểm Vũng Rô, Đá Bia và có đưa ông xuống thăm cảng Vũng Rô. Tôi cũng trình bày về sự nguy hiểm của đèo Cả dễ xảy ra tai nạn trong mùa mưa lũ và mong Trung ương, Quốc hội có quan tâm vấn đề này để giao Chính phủ tìm nguồn vốn đầu tư hầm Đèo Cả. Tôi còn nhớ ông nói ý là: Việc này không chỉ là mong ước của địa phương mà còn là trách nhiệm của Trung ương, nhưng mà với cương vị Chủ tịch Quốc hội ông thấy ngân sách quá khó để đầu tư một công trình lớn như thế trong thời gian gần, chắc là phải tìm một cơ chế huy động vốn khác, không loại trừ việc đầu tư BOT của một doanh nghiệp lớn trong nước hay ngoài nước.
Cũng chính vì ý này của ông mà sau đó tôi rất ủng hộ cho một liên danh gồm Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Tập đoàn Hải Thạch, Tập đoàn Mai Linh xin nghiên cứu lập dự án đầu tư BOT hầm đường bộ Đèo Cả, về sau liên danh này hình thành một doanh nghiệp dự án lớn là Công ty Tập đoàn Đèo Cả từ năm 2013, đầu tư thành công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả và nhiều dự án giao thông lớn khác trong cả nước.
Đồng chí Đào Tấn Lộc đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Đại Lãnh, tháng 1/2011. Ảnh: CTV |
Theo lịch trình làm việc được ông đồng ý, tôi đưa đoàn lên thẳng HTX Kinh doanh tổng hợp Hòa Phong thuộc huyện Tây Hòa, ở đó các đồng chí lãnh đạo Sở NN&PTNT, Liên hiệp HTX tỉnh, huyện Tây Hòa, xã Hòa Phong đang chờ đón đoàn.
Sau khi nghe chủ nhiệm HTX báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và các kiến nghị, ông có hỏi thêm một số vấn đề có tính gợi mở để chủ nhiệm HTX, lãnh đạo xã, huyện, Liên hiệp HTX và Sở NN&PTNT trả lời thêm. Tôi cũng có báo cáo thêm một số vướng mắc đối với các HTX hiện nay trong tỉnh liên quan đến chính sách thuế, tín dụng, việc thu hút nhân lực về HTX làm việc, việc xử lý tài sản không dùng đến do các giai đoạn trước để lại… và có đề xuất tháo gỡ bằng cơ chế chính sách và luật pháp. Ông nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng có ghi chép vào sổ, và khi kết thúc phiên làm việc tôi nhớ ông nói: Lần này là đi nghiên cứu thực tiễn về HTX ở một số địa phương, không phải là để giải quyết ngay các vướng mắc, mà để chuẩn bị cho văn kiện Đại hội XI và cũng là tiền đề để xây dựng Luật HTX mới thay thế Luật HTX năm 1996. Ông đánh giá cao thành quả của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Phong và cảm ơn các ý kiến trong buổi làm việc, cho rằng các thực tế đó sẽ là các đóng góp có ý nghĩa cho những chủ trương sắp đến. Trên đường về lại Tuy Hòa, ông nhắc tôi chú ý chỉ đạo các cơ quan trong tỉnh nhân rộng kinh nghiệm của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Phong và các HTX làm ăn tốt, đồng thời giúp đỡ tạo điều kiện cho hệ thống HTX tiếp tục củng cố và phát triển.
Ông có nói với tôi: “Phát triển kinh tế tập thể để cùng kinh tế nhà nước làm chủ đạo nền kinh tế quốc dân là một nội dung quan trọng trong Cương lĩnh của Đảng ta. Không phải vô cớ mà ở nhiều nước tư bản phát triển hiện nay vẫn có số lượng HTX khá lớn và hoạt động tốt, vì nó là chỗ dựa vững chắc cho những người sản xuất nhỏ đứng vững trong cơ chế thị trường. Vấn đề ở chỗ là phải đổi mới nội dung hoạt động của HTX và xây dựng được một khung luật pháp bảo đảm cho sự phát triển của HTX, của kinh tế tập thể”. Trên quan điểm này, thời gian sau với cương vị Tổng Bí thư ông đã chỉ đạo xây dựng Luật HTX năm 2012 và gần nhất là Luật HTX năm 2023 nhằm tạo cơ sở để kinh tế tập thể phát triển.
(Xem tiếp kỳ sau)
ĐÀO TẤN LỘC
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
Tác giả: Diepkinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn