Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)

Chủ nhật - 09/04/2017 20:19
Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân đấu tranh xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền non trẻ. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời 3-9-1945, Người đề ra những nhiệm vụ cấp bách lúc đó là động viên toàn dân chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Để giữ vững thành quả cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những biện pháp cần thiết để xây dựng hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương tới địa phương, một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng tháng 10 nǎm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng, nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với dân phải đoàn kết thành một khối....
            Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp - Nhật.
            Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
            Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu tới việc xây dựng chính sách đại đoàn kết dân tộc. Ngày 3 tháng 12 nǎm 1945, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi tới đồng bào các dân tộc thiểu số, Người khẳng định: ">Nhờ sự đoàn kết giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh của tất cả các đại biểu mà chúng ta tranh được quyền tự do độc lập và xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà". Từ đây về sau các dân tộc đã đoàn kết phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu thêm nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới".
            Một phần quan trọng trong trưng bày ở phần này là giới thiệu các tài liệu hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ nền độc lập, giữ vững hoà bình ở Việt Nam . Trong bức thư ngày 23 tháng 11 nǎm 1946 gửi người Việt Nam, người Pháp và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp. Trong khi phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng phải kiên quyết hy sinh.... Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc".
            Trước dã tâm của thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Sáng ngày 20 tháng 12nǎm 1946, trên làn sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam , lời kêu gọi cứu nước của Người đã truyền đi khắp nước:
            "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".
            Một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo kháng chiến thắng lợi là sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể về xây dựng Đảng nhằm nâng cao vai trò tập hợp, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân. Trong tác phẩm: "Sửa đổi lối làm việc" viết nǎm 1947, Người nêu lên những kinh nghiệm, những bài học thực tiễn có tính lý luận, bồi dưỡng tác phong lãnh đạo của người đảng viên cộng sản. Người đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tư cách và đạo đức cách mạng của đảng viên và khẳng định: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
            Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào Thi đua yêu nước. Người nhắc nhở toàn dân: "Mỗi một người lấy việc xung phong trong phong trào thi đua ái quốc làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình". Người yêu cầu các cán bộ Đảng, Chính quyền và các đoàn thể phải thấm nhuần và thực hiện tư tưởng: Nước lấy dân làm gốc", và chỉ rõ: "Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả anh chị em, các bộ đội cơ quan chính phủ và các đoàn thể trong khi tiếp xúc hoặc chung sống với dân, ai cũng phải nhớ và thực hành.
"Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".
            Tháng 2 nǎm 1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng khai mạc tại chiến khu Việt Bắc.
            Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nhiệm vụ chính trị của Đảng là : Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam, Người nói: "Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi, các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó".
            Ngày 6 tháng 12 nǎm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân toàn dân, toàn Đảng, phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".

Nguồn: bacho.camau.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây