Bác dạy cách tuyên truyền và huấn luyện

Chủ nhật - 09/04/2017 20:23
Bác rất chú ý trình độ tiếp thu và hiểu biết của mỗi người. Khi viết xong một tài liệu, Bác thường đưa cho người ít chữ xem trước. Chữ nào các đồng chí ấy chưa rõ nghĩa là Bác chữa lại ngay; chữa xong Bác lại hỏi: “Nói như vậy đồng chí đã hiểu chưa?”. Nếu chưa thì Bác lại sửa, kì cho các đồng chí hiểu được mới thôi.

 Do đó quần chúng rất ham đọc sách báo và bài của Bác viết.

          Người viết thành thơ 10 điều Việt Minh, và nhiều bài thơ khác kêu gọi các tầng lớp nhân dân để ai nấy dễ nhớ và truyền miệng cho nhau. Bác đã trực tiếp viết tập “Địa dư các tỉnh xứ Bắc Kỳ” bằng văn vần, giới thiệu 28 tỉnh, tong đó có tỉnh Cao Bằng. Bác còn viết tập “Lịch sử nước ta” cũng bằng văn vần.

          Người soạn lại các bài giảng ở những lớp huấn luyện Việt Minh, in thành tập Con đường giải phóng phát về các cơ sở để cán bộ sủ dụng làm tài liệu tuyên truyền rộng rãi.

          Các lớp huấn luyện do Người trực tiếp lãnh đạo trong thời gian ở Bắc Bó đều là những lớp ngắn hạn thường kết thúc sau bảy, tám ngày. Sau phần tình hình thế giới, tình hình trong nước, chương trình, Điều lệ Việt Minh. Bác giảng rất kĩ về năm bước công tác: điều tra, tuyên truyền, tổ chức huấn luyện, tranh đấu.

          Người căn dặn, tuyên truyền thì bao giờ cũng phải nắm được đối tượng, phải hiểu được nông dân có khổ gì, vì sao nông dân lại tham gia cách mạng hăng hái nhất. Đối với cụ già, binh lính,… thì tuyên truyền những gì…

          Bác phân tích từng đối tượng, hướng dẫn cặn kẽ cách thức tuyên truyền cho các học viên bổ sung ý kiến. Sau đó Bác tổ chức cho thực tập.

          Ở lớp học nào Bác cũng dặn: khi đã tuyên truyền, tổ chức được đông người rồi thì chọn những người tốt nhất để tổ chức thành tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng võ trang sẵn sàng. Bác đã viết quyển Chiến thuật du kích để làm tài liệu cho các lớp học. Tài liệu này sau được phổ biến rộng rãi về khắp các tỉnh.

          Bác giảng rất sinh động về các cách đánh, đánh mai phục, đánh úp bằng vũ khí thô sơ, cướp súng địch rồi từ khẩu súng đó tiếp tục chiến đấu để ra nhiều khẩu súng khác. Điều cốt yếu nhất để thực hiện các cách đánh là phải biết rõ địch. Biết rõ địch thì ta có thể nay đông mai tây, khiến kẻ địch không lường trước được.

          Để phòng tâm lý quá hăng mà đánh bừa, Bác không quên nhắc kĩ điều này: học tập cho giỏi, tổ chức lực lượng cho nhiều nhưng chưa được đánh. Đánh vào lúc nào là phải có lệnh của cấp trên, phải có thời cơ.

                                                      (Theo lời kể của đồng chí Lê Quảng Ba

                                                            Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương.

                                                                     Theo: Bác Hồ sống mãi với chúng ta,

                                                              Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây