Hồ Chí Minh nhận thức rất sâu sắc về điều đó. Người thường nhắc nhở những người cách mạng Việt Nam phải luôn chú ý tới phương châm: chủ trương một, kế hoạch phải hai và biện pháp phải ba. Quá trình vạch đường chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã hình thành trong tư duy Hồ Chí Minh một phương pháp cách mạng thích hợp, đầy tính sáng tạo và nhạy bén.
Ta có thể hiểu phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh theo nghĩa rộng là sự vận động của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Nói cách khác đó là những qui luật hoạt động mà theo đó tư tưởng chính trị của Người được hiện thực hóa. Theo nghĩa hẹp, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là hệ thống các cách thức, biện pháp, qui trình hợp thành các nguyên tắc điều chỉnh và hướng dẫn hành động của các lực lượng cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, có cơ sở hình thành từ phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ những phạm trù biện chứng của Việt Nam và phương Đông về thời và thế, binh và biến … từ kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh, dựng nước và giữ nước của dân tộc ta và các cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới. Trên cơ sở nắm vững lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững phép biện chứng duy vật, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam những kinh nghiệm đã tiếp thu được. Người đã tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quý báu của dân tộc, những phương pháp điều hành có hiệu quả của các nhà chính trị, quân sự lỗi lạc trong và ngoài nước để xác lập cho mình một phương pháp cách mạng thích hợp.
Phương pháp cách mạng là bí quyết, là linh hồn sống của tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh cũng như những nhà cách mạng yêu nước Việt Nam cùng thời đều xác định cùng mục tiêu độc lập dân tộc, đều xác định được phải đánh đuổi kẻ thù để giải phóng dân tộc và lại khác nhau ở chỗ xác định ai đánh và đánh như thế nào. Chính sự khác nhau này, khác nhau về phương pháp cách mạng mà Phan Bội Châu đã “Trăm lần thất bại không một lần thành công”, các nhà yêu nước khác cũng không mang về độc lập cho dân tộc trong khi Hồ Chí Minh bằng phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn Việt Nam đã mang vinh quang về cho đất nước, đã đem ánh sáng độc lập xua tan đêm trường nô lệ trên dải đất Việt Nam. Phương pháp cách mạng đúng đắn, đã giúp đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào thực tiễn, vận dụng vào cuộc sống.
Tháng 5 năm 1946, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Paris làm thượng khách của chính phủ Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng được giao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước đến hỏi Bác nếu ở nhà xảy ra những chuyện phức tạp thì nên xử sự như thế nào. Bác trả lời ngắn gọn một câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Thấu suốt tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, Cụ Huỳnh đã giải quyết suôn sẻ, hiệu quả, hợp lòng dân mọi sự cố gay cấn ở trong nước trong đó điển hình nhất là vụ án “Ôn Như Hầu”.
Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin thích ứng với thực tiễn cách mạng nước ta và bối cảnh quốc tế. Tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc, tính kiên định, tính vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, tính uyển chuyển của sách lược; giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng; giữa kế thừa và đổi mới. Bác chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mục tiêu chiến lược là bất di bất dịch. Nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể ở trong nước và quốc tế, tùy từng giai đoạn lịch sử mà đề ra những sách lược uyển chuyển, phù hợp.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lấy cái không thay đổi để đối phó với vạn cái thay đổi. Nó là bí quyết đảm bảo thắng lợi của cách mạng, trong xử lý tình huống cách mạng. Phương châm này của Hồ Chí Minh hàm ý là trên thế giới cái gì cũng thay đổi nhưng những cái đã là chân lý thì không bao giờ thay đổi. Người cách mạng phải đứng vững trên chân lý cách mạng để đối phó với những tình huống phức tạp xảy ra. Đó là những chân lý như: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Độc lập thống nhất đất nước là không thay đổi, độc lập dân tộc gắn liền CNXH là chân lý của cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng là kim chỉ nam là mặt trời chân lý của cách mạng vô sản.
Từ những chân lý đó, đòi hỏi người làm cách mạng phải sáng tạo ra các hình thức, biện pháp để xử trí các tình huống cách mạng, để đưa cách mạng đến thành công. Vận dụng trong đấu tranh cách mạng, phương châm này đòi hỏi phải nắm vững nguyên tắc cách mạng đồng thời phải có sự khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược để đối phó với những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.
Ở Hồ Chí Minh, Người đã vận dụng phương châm này ở mức độ nghệ thuật cao, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước công nông do Hồ Chủ Tịch đứng đầu đã phải đương đầu với bao thế lực thù trong, giặc ngoài đang muốn lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Đó là 20 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, hơn 1 vạn quân Anh vào tước vũ khí quân Nhật ở miền Nam và theo sau là quân Pháp muốn trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Đó là bọn Việt quốc, Việt cách theo sau quân Tưởng về nước chống phá cách mạng là bọn tay sai của thực dân, bọn địa chủ phong kiến phản cách mạng…
Trước tình cảnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, vận dụng phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh đã phân hóa và lần lượt gạt bỏ từng kẻ thù tránh được tình thế một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, giữ vững được chính quyền cách mạng. Hồ Chí Minh đã đứng vững trên chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lúc này là “dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã chủ trương hòa với Tưởng để đối phó với Pháp ở miền Nam, sau đó lại tạm hòa với Pháp để đuổi Tưởng ra khỏi miền Bắc, và đuổi luôn được bọn Việt Quốc, Việt Cách theo đuôi quân Tưởng. Còn lại kẻ thù chính lúc này là thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch lại ra sách lược “hòa để tiến” bằng hiệp định sơ bộ ngày 6-03-1946 và sau đó là tạm ước ngày 14-9-1946, đã tạo khoảng thời gian cho chính quyền cách mạng củng cố lực lượng và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp. Như vậy, với những sách lược ngoại giao tài tình, sáng suốt Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua được bão tố từ ngày 23-9-1945 đến ngày 19-12-1946, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới.
Trong những năm đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc, cách mạng Việt Nam với tinh thần “tự lực cánh sinh là chính”, song sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế là vô cùng quan trọng, nhất là sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. Hồ Chí Minh cũng đã vận dụng phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn
biến” trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nước ta với Liên Xô và Trung Quốc để tranh thủ sự giúp đỡ của hai nước này cho cách mạng Việt Nam khi mà Liên Xô và Trung Quốc có những bất đồng lớn. Vì chân lý “Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cả nước, cách mạng Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với cái “vạn biến” của kẻ thù. Từ chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ rồi Việt Nam hóa chiến tranh thì phương pháp cách mạng Việt Nam cũng đã có chiến lược hai chân ba mũi đánh địch bằng ba thứ quân, trên ba vùng chiến lược, diệt địch để làm chủ, làm chủ để diệt địch, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng.
Như vậy, có thể nói cách mạng Việt Nam thắng lợi phần lớn là nhờ có phương pháp cách mạng đúng đắn, trong đó có sự vận dụng linh hoạt phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh. Trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, vận dụng phương châm này vào công tác hàng ngày đó là việc nắm vững đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó sáng tạo ra các hình thức, biện pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta, vận dụng “bất biến” tức là không vì quyền lợi hay lợi ích nhất thời, cục bộ của tổ chức, cá nhân nào đó mà bất chấp nguyên tắc, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tập thể. Phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội lên trên hết. Thực hiện phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế cũng phải luôn “ứng vạn biến”, biết phân tích, dự đoán và mau lẹ chớp lấy thời cơ, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là thước đo bản lĩnh cách mạng, sự mẫn cảm và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta trong thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta./.
Văn Đệ (st)