Bác quả là một con người vĩ đại, không chỉ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà còn vĩ đại ngay cả trong cuộc sống thường nhật.
Có một nhà văn đã viết: “Một con người vĩ đại, nhiều khi vĩ đại ngay cả trong những công việc bình thường nhất”. Nhắc đến câu nói đó, tôi lại nghĩ ngay đến đôi dép cao su của Bác.
“Đôi dép cao su - Đôi dép Bác Hồ” câu nói quen thuộc đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhớ tới Bác. Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam tất cả tình thương bao la của một người Cha, Bác đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Một trong những kỷ vật vô giá Người để lại trước lúc đi xa là Đôi dép cao su giản dị. Ít ai có thể hiểu được nó đã gắn bó như thế nào trong suốt cuộc đời Cách mạng của Bác.
Đôi dép chỉ là một phần rất nhỏ được cắt từ chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị quân và dân ta phục kích tiêu diệt tại một vùng căn cứ địa Việt Bắc năm xưa. Nó được đo cắt rất khéo, không dày cũng không mỏng, quai trước to bản, kiểu quai dép xăng-đan, rất chắc chắn, Bác đi rất vừa chân.Điều đáng ngạc nhiên là đôi dép cao su của Người đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều giới văn, nghệ sĩ trong và ngoài nước. Có những tấm ảnh chụp đặc tả về đôi dép cao su này với những suy ngẫm khác nhau. Đôi dép đã cùng Bác vào sinh ra tử, nó chất chứa bao kỉ niệm sâu sắc và cảm động không thể nào quên.
Khi tới thăm đồng bào, đặc biệt thăm hỏi động viên bà con nông dân, Bác đi dép cao su, mặc bộ quần áo nâu chàm, trông rất giản dị và gần gũi. Có khi Bác còn tháo dép xách tay, xắn quần đi trên đồng nước bùn lầy cùng với bà con. Đôi dép của Người lúc nào trông cũng sạch sẽ và đen bóng. Ở bất kỳ nơi đâu, nhân dân cũng nói về đôi dép của Bác như một báu vật mà họ muốn chiêm ngưỡng. Đặc biệt là các cháu thiếu nhi, khi Bác tới thăm, chúng đã tìm mọi cách để được sờ tận tay và được tận mắt ngắm nhìn đôi dép cao su của Bác. Rồi đến những chiến sĩ ngoài đảo xa, có dịp Bác về thăm cũng tranh nhau sửa sang lại chiếc dép của Bác cho chắc chắn hơn. Kể cả khi đôi dép đã cũ, Bác cũng kiên quyết giữ lại để dùng, không muốn đổi đôi mới. Bởi với Bác là chưa thật sự cần thiết vì lúc ấy nước nhà còn nghèo, dân chúng còn phải chịu rất nhiều khổ cực, vì vậy Người luôn nhắc nhở mọi người phải thực hành tiết kiệm.
Kỷ niệm gắn bó của Bác với đôi dép còn thể hiện ở những ngày tới thăm các nước bạn. Vào những lần ra nước ngoài, vẫn với cốt cách giản dị quen thuộc - Người đem theo đôi dép cao su mộc mạc. Đi tới bất kỳ đâu, Bác cũng được tiếp đón với nghi thức trân trọng, kính nể và nồng nhiệt nhất. Đặc biệt, một lần đến thăm thủ đô Niu Đêli - Ấn Độ, câu chuyện về đôi dép cao su của Bác càng có thêm nhiều điều ngạc nhiên thú vị. Khi Bác tiếp các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ, họ đều chú ý nhìn vào đôi dép dưới chân Người, họ luôn liếc nhìn với vẻ lạ lùng và rất đỗi trân trọng. Báo chí đặc biệt bài nào cũng nói về đôi dép cao su của Bác như một chuyện lạ, một huyền thoại về một con người tuyệt vời của thế kỷ hai mươi.
Có thể nói, đôi dép cao su có một chiều dài lịch sử - qua bao năm tháng - đã gắn bó cùng Bác từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cho tới lúc Người đi xa. Đôi dép cao su của Bác tưởng chừng như rất đỗi bình dị song nó lại là một kỷ vật vô giá Bác đã để lại - chỉ dân tộc Việt Nam ta mới vinh dự được có. Chính vì vậy, đôi dép cao suấy không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Bác mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, đôi dép ấy luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn biết nâng niu, trân trọng những giá trị dù là nhỏ nhất, đơn giản nhất của cuộc sống. Hình ảnh Người bước đi ung dung, thư thái với đôi dép cao su giản dị mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm lạ thường, lúc nào cũng khiến chúng ta ngưỡng mộ.
Kính thưa các đồng chí!
Câu chuyện nhỏ, ý nghĩa lớn như một minh chứng sinh động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức sang trọng. Chính cốt cách giản dị ấy đã góp phần làm tôn lên sự vĩ đại của Người. Cuộc đời của Người từ một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Công - Poanh đến khi làm Chủ tịch nước, sống giữa thủ đô Hà Nội, vẫn luôn giữ một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã. Suốt đời Người sống trong sạch vì dân, vì nước, vì con người, không gợn một chút riêng tư. Ngay trong Di chúc, Người cũng đã viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ mãi là tấm gương sáng cho bao lớp người Việt Nam noi theo. Thế hệ trẻchúng ta may mắn được sinh ra sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Được học tập và tìm hiểu sâu sắc hơn về những phẩm chất đạo đức của Bác, tôi càng thấm thía về chữ "kiệm". Đọc “Đôi dép Bác Hồ” đã giúp tôi tự suy ngẫm lại mình, nhắc nhở bản thân cần phải ra sức phấn đấu tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Đối với mỗi chúng ta, thực hành tiết kiệm theo gương Bác thật sự không quá đỗi khó khăn. Tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải làm được những việc lớn lao, phải thực hiện được những cái cao siêu thì mới thể hiện tinh thần tiết kiệm, vì thật sự hai chữ "tiết kiệm" mỗi chúng ta luôn bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như: tắt một chiếc quạt, tắt một bóng đèn, khóa lại một vòi nước khi không còn sử dụng; biết giữ gìn tài sản của bản thân, gia đình và xã hội; luôn luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết, đó chính là tiết kiệm.
Tôi thiết nghĩ, nếu ai cũng tự ý thức được việc bản thân mình cần phải làm gì để trở thành một đoàn viên thanh niên gương mẫu, một cán bộ ích nước, lợi dân thì việc phấn đấu để trở thành một người hội đủ bốn đức tính: "cần, kiệm, liêm, chính" là một mục tiêu mà ai cũng có thể vươn tới được. Và đó cũng chính là việc làm thiết thực nhất để những bài học về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta.
Trên đây là cảm nhận của bản thân về việc học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm của Bác.
Vinh Bình