Trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 1995, tập 6, tr.95 đăng toàn bộ bài thơ gồm bốn câu với nhan đề Khuyên Thanh niên:
Không có việc gì khó;
Chỉ sợ lòng không bền;
Đào núi và lấp biển;
Quyết chí ắt làm nên,
lấy từ cuốn sách Thơ Bác Hồ, Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 1976, tr 120, cuối trang có ghi chú thích: Trung tuần tháng 9.1950 trên đường đi chiến dịch Biên Giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch, Ngườiđã làm bài thơ này tặng thanh niên.
Ở hai cuốn Biên niên tiểu sử, tập 4, Nxb CTQG , xuất bản năm 1994, tr. 45-46 và tái bản có bổ xung năm 2006, tr. 459 đều ghi thời gian ra đời của bài thơ là Năm 1950, tháng 9, trước ngày 10, lấy tư liệu từ Hồ Chí Minh toàn tập. Nhưng một số sách, báo và tài liệu tuyên truyền, tìm hiểu về Đoàn thanh niên lại nói sự kiện xảy ra vào tháng 3.1951.
Trong chuyện Như lần đầu được hát in trong cuốn Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Nxb Thanh Niên, xuất bản tháng 5. 2006 viết: Đầu tháng 3.1951, Liên đội TNXP 312 được điều động đến sửa chữa cầu Nà Cù (Bắc Cạn) thì được tin đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Hậu cần sẽ đến thăm đơn vị. Đồng chí Việt Thi, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền và văn hoá được giao nhiệm vụ tổ chức một đêm lửa trại để đón khách và thật bất ngờ hôm đó Bác Hồ cũng đến nói chuyện với anh chị em. Trước khi Bác cháu chia tay bên bếp lửa trại, Bác đọc tặng 4 câu thơ trên rồi Bác bảo đồng chí Việt Thi đọc lại. Anh Việt Thi đọc một mạch rõ ràng, trôi chảy. Bác tỏ ý rất bằng lòng và bảo anh cầm càng cho toàn đơn vị hát một bài"(tr 251-253). Nhưng trên báo Tiền phong số ra ngày 21.3.2006, trang 7, có đăng bài Những câu thơ Bác dạy thanh niên đã ra đời như thế của hai tác giả Việt Anh- Vũ Thành, ghi theo lời kể của hai cựu thanh niên xung phong Liên đội 312 là Lê Xuân Quát và Xuân Thi, câu chuyện về bài thơ Bác tặng thanh niên ra đời vào một chiều cuối tháng 3.1951, với đầy đủ chi tiết buổi gặp gỡ đó.
Cũng về câu chuyện này, số báo Tiền phong mới đây nhất ra ngày 26.3.2007 có đăng trên trang 7 bài:Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng thanh niên xung phong của tác giả Đồng Khắc Thọ, Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thái Nguyên thì sự kiện này cũng diễn ra vào cuối tháng 3.1951. Bài báo viết:
"... Chiều tối hôm đó (30/3/1951), phân đội TNXP 312 bám trụ bảo vệ cầu Nà Cù được tin Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh đến thăm. Sau khi hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh, mọi người mừng rõ khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi. Cả đoàn quân truyền nhau reo lên: Bác Hồ!". Bên đống lửa, sau khi thông báo về thành công của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và giải thích tại sao Đảng ta lại lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, Bác hỏi chuyện đào núi và lấp biển có khó không, anh em giơ tay xung phong phát biểu rằng những công việc này rất khó, đòi hỏi quyết tâm cao và kiên gan bền chí thì "...Bác Hồ động viên: Các cháu trả lời đều đúng cả. Việc dù khó đến mấy cũng làm được cả chỉ cần quyết chí... Bác xin tặng các cháu một bài thơ: Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí cũng làm nên. Đọc xong mỗi câu tất cả đồng thanh nhắc lại, tiếng thơ âm vang núi rừng. Bác tặng huy hiệu của Người cho 12 chiến sỹ thi đua, rồi Bác cháu vỗ tay hát bài Nhạc tuổi xanh... Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn, Dương Thiết Sơn chuyển 4 câu thơ của Bác cho Trung ương Đoàn. Ngày 18/3/1996, di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nà Tu được Bộ Văn hoá-Thông tin ra quyết định số 460/QĐ-BT xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Tại nơi đây đã dựng bia đá khắc ghi sự kiện lịch sử, thơ Bác tặng TNXP".
Qua các dẫn chứng trên cho thấy có sự khác nhau, giữa các nguồn tư liệu, về thời gian ra đời của bài thơ. Thông thường, các nhà nghiên cứu đều căn cứ vào nguồn tư liệu được coi là chính thống, cụ thể ở đây là hai bộ Hồ Chí Minh toàn tập và Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử. Về sự kiện này, Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử lấy tư liệu từ Hồ Chí Minh toàn tập và cả hai đều căn cứ vào cuốn sách Thơ Bác Hồ, Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 1976. Liệu thông tin về thời gian Bác Hồ tặng bài thơ này cho thanh niên mà cuốn sách đó đưa ra là tháng 9 năm1950 đã hoàn toàn chính xác, trong khi theo lời kể của các nhân chứng là những người được trực tiếp gặp Bác lần ấy thì thời gian đều trùng khớp là tháng 3 năm 1951?
Trong trường hợp này, rất mong các nhà nghiên cứu cần có sự trao đổi, xác minh để khẳng định lại chính xác thời gian ra đời của bài thơ.
Phạm Hoàng Điệp
Phòng TT-GD
(Theo Khu di tích Hồ Chí Minh tại phủ chủ tịch)