TCCSĐ là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Sự vững mạnh của các TCCSĐ là điều kiện bảo đảm cho sự vững mạnh của toàn Đảng và của cả hệ thống chính trị. Những năm gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản xây dựng đội ngũ đảng viên, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCSĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở; bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của một số loại hình TCCSĐ.
Tập trung nâng cao chất lượng đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng của đảng viên và đội ngũ đảng viên trong công tác xây dựng Đảng: Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện.
Toàn Đảng hiện có 5.192.533 đảng viên. Sinh hoạt trong 52.125 TCCSĐ, với 2.478 đảng bộ bộ phận và 227.328 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở theo các loại hình TCCSĐ xã, phường, thị trấn; cơ quan đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp; đơn vị quân đội, công an; đơn vị ở ngoài nước (1).
Năm 1986, toàn Đảng mới có 1,9 triệu đảng viên, đến năm 2000 có hơn 2,479 triệu đảng viên, đến năm 2020 đã có hơn 5,2 triệu đảng viên (tỷ lệ đảng viên trên dân số cả nước là 5,4%). Về học vấn, năm 2000, tỷ lệ đảng viên có trình độ THPT là 50,4%; cao đẳng, đại học trở lên là 19,3%; đảng viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chính trị là 3,1%. Đến nay, tỷ lệ này nâng lên tương ứng là 78%, 30,1%, 5,03%. Về cơ cấu, phân bố đội ngũ đảng viên sinh hoạt ở nông thôn chiếm 42,1%; ở phường, thị trấn chiếm 19,1%; cơ quan hành chính chiếm 9,4%; trong lực lượng vũ trang chiếm 12,3%; các doanh nghiệp nhà nước chiếm 5,9%... Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng đã kết nạp được 880.155 đảng viên, trình độ chuyên môn của đảng viên mới kết nạp được nâng lên, có đến 41,5% đảng viên có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 3% là thạc sĩ và 0,15% là tiến sĩ, cơ cấu hợp lý theo hướng trẻ hóa và tăng tỷ lệ nữ với 67,7% là đoàn viên, 43,7% là nữ (2). Đặc biệt, thành công trong việc thí điểm kết nạp 6.652 chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng (3).
Thực tiễn hơn 92 năm hoạt động của Đảng, đội ngũ đảng viên đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và củng cố xây dựng TCCSĐ đã góp phần giữ vững và không ngừng củng cố vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội; đồng thời là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, đất nước và dân tộc để nước ta có tiền đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay.
Nhưng phải nhìn nhận một thực tế công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng; nhận thức, động cơ phấn đấu vào Đảng, chất lượng của một số đảng viên mới kết nạp còn hạn chế; cơ cấu đảng viên chưa hợp lý, tỷ lệ đảng viên trẻ chưa tương xứng với tiềm năng. Tình hình chung hiện nay là nhiều chi bộ khu vực nông thôn và đô thị không có quần chúng trẻ để kết nạp vào Đảng theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Một số nơi có tình trạng các bố, mẹ đang làm công tác đảng ở nông thôn tạo điều kiện cho con đang học ở trường cao đẳng, đại học, trường nghề… về quê tham gia mấy buổi học đối tượng đảng, thế là có điều kiện hoàn tất hồ sơ kết nạp, sau khi kết nạp, chờ dịp có lớp học về đảng viên mới tham gia vài buổi, còn những buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng được bố mẹ “sinh hoạt thay”. Cũng có những trường hợp thực dụng hơn. Hỏi chuyện ông bạn về trường hợp con tốt nghiệp đại học sao không xin việc làm mà lại về quê, ông bộc bạch: Cháu học ngành xã hội, lại không phải là đảng viên nên xin việc rất khó, nay để cháu ở nhà một năm, sau khi kết nạp đảng mới đi xin việc!
Trường học là nơi có nguồn phát triển đảng viên dồi dào. Sinh viên là bộ phận ưu tú của tuổi trẻ, đó là lực lượng có nhiều tiềm năng sáng tạo; nguồn lao động có học vấn, đại bộ phận sẽ trở thành trí thức. Họ chính là lực lượng hùng hậu để kế thừa sự nghiệp xây dựng CNXH của các thế hệ đi trước. Giai đoạn 2015-2020 có 667.449 đoàn viên ưu tú học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đảng, đạt tỷ lệ 58,7%, trong số 1.136.756 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên ưu tú được giới thiệu. Con số này chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với số sinh viên đang theo học tại các trường và so với đảng viên được kết nạp cùng thời kỳ trên cả nước. Vì vậy quan tâm phát triển đảng viên trong sinh viên chính là giải pháp hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Mặt khác, việc nghiên cứu để phát huy vai trò số đảng viên là sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng chưa được thực sự quan tâm, dẫn đến có tình trạng nhiều đảng viên là sinh viên sau khi ra trường một thời gian không biết sinh hoạt ở đâu, dẫn đến bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng.
Tôi sinh hoạt ở chi bộ Thôn Đống rồi Tổ dân phố Đống 2 (trước đây là xã Cổ Nhuế nay là phường Cổ Nhuế 2) đã 22 năm nhưng chi bộ cũng mới chỉ kết nạp được 5 đảng viên, trong đó có 2 người đã 40 tuổi. Mấy năm gần đây mục tiêu mỗi nhiệm kỳ kết nạp mới 1 đảng viên, nhưng rất ít khi thực hiện được. Thực tế công tác phát triển đảng viên đang đặt ra những yêu cầu không chỉ về số lượng mà chất lượng và đặc biệt là động cơ vào Đảng, đang đòi hỏi phải thật sự rõ ràng, đúng đắn, vì vậy sự đồng bộ giữa giáo dục mục tiêu lý tưởng và những yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, phải thật sự nhuần nhuyễn và được thử thách thật sự trong các hoạt động xã hội theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Phát triển đảng viên phải song hành với việc sàng lọc đảng viên không còn thiết tha với Đảng, đưa họ ra khỏi đội ngũ đảng viên, đó là việc làm thường xuyên đảm bảo sự trong sạch và vai trò tiên phong của Đảng.
Công tác quản lý sinh hoạt của đảng viên thời mở cửa này vừa khó khăn, vừa phức tạp. Thực tế hiện nay đảng viên đi làm việc trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài. Điều lệ Đảng quy định đảng viên phải hoạt động trong một TCCSĐ nhất định. Mọi đảng viên đều phải tham gia sinh hoạt chi bộ đều đặn, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những nhiệm vụ do chi bộ phân công; phải quán triệt sinh hoạt chi bộ là nơi cần thiết để khẳng định những mặt mạnh của mình để phát huy, đồng thời chỉ ra, phân tích, phê bình những mặt yếu để đảng viên có hướng khắc phục. Chi bộ Tổ dân phố Đống 2 nơi tôi đang sinh hoạt không nhiệm kỳ nào đai hội đủ số lượng đảng viên tham dự mặc dù kế hoạch đại hội đã được thông báo trước đến 3 tháng. Lại có tình huống thường gặp hiện nay là trong gia đình có 2 - 3 đảng viên (chồng, vợ, con) cùng sinh hoạt trong một chi bộ, vậy là có nhiều lý do để chỉ cần một người đại diện đi họp. Số vắng mặt này sẽ có hai xu hướng: hoặc là chấp nhận vắng mặt có lý do hoặc có tham gia sinh hoạt (do có người họp thay). Tình hình đó tác động đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCCSĐ, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Một số TCCSĐ chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chậm sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; chất lượng sinh hoạt đảng, tinh thần tự phê bình và phê bình hạn chế; chưa phân công thường xuyên và kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.
Nhìn nhận những vấn đề cấp thiết như vây, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”,
Nâng cao chất lượng chi bộ
Sinh thời Bác Hồ thường xuyên chăm lo xây dựng chi bộ, đồng thời coi trọng vai trò to lớn quyết định tới thắng lợi cách mạng của chi bộ: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc tốt”, “phải cũng cố chi bộ cho thật tốt”. Người khẳng định trong công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ, phải làm sao cho chi bộ vững để lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, họ biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, vững vàng tiến lên; mỗi chi bộ của Đảng là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Bác đã viết hai bài rất cụ thể về “chi bộ tốt và chi bộ kém”. Viết về chi bộ Ngân Hà (Nam Định), chi bộ Trí Yên (Hà Bắc) là chi bộ tốt, Bác nêu cụ thể chi bộ đã lãnh đạo hợp tác xã mỗi năm thu hoạch trên một mẫu ruộng được bao nhiều cân lúa, mùa sau tốt hơn mùa trước; thực hiện chính sách lương thực hằng năm tốt hơn, nhân dân no ấm hơn. Với chi bộ kém là đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ, không phục vụ nhân dân, không lãnh đạo nhân dân sản xuất tốt. Một số cán bộ, đảng viên còn có thói xấu tham ô, ích kỷ, thậm chí có cán bộ còn dùng tiền hợp tác đi buôn bán, tài chính hợp tác xã không minh bạch… Bác đã phê bình nghiêm túc những chi bộ và những cán bộ yếu kém, yêu cầu cán bộ, đảng viện kiểm điểm trước dân để cán bộ sửa chữa khuyết điểm và củng cố chi bộ đủ sức lãnh đạo nhiệm vụ của địa phương. Bác còn phê bình những cán bộ, chi bộ nói nhiều làm ít. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương (khóa III), Bác nói: “Mấy chỗ tôi đến, nhà ở của công nhân bẩn vô cùng... nhất là đến nông thôn có chỗ rất thương tâm, 10 cháu, 9 cháu choẹt mắt, phải có bệnh xá, cái đó quan trọng, ai cũng phải chú ý… Chi bộ, chi ủy nói chính trị, tình hình quốc tế, còn chỗ ăn ở bỏ đấy, cái này phải chú ý”.
Suy nghĩ về vai trò của chi bộ hiện nay không phải không có những hiện tượng như cả cánh đồng lúa chết trắng, dân không có thu hoạch nhưng chi bộ không biết. Ở một tổ dân phố, sau mỗi trận mưa cả xóm ngõ bị ngập nước hằng tuần chi bộ không hay. Nhà của cán bộ xây vượt tầng cao bên cạnh nhà văn hóa nơi trụ sở sinh hoạt thường xuyên của chi bộ nhưng chi bộ không biết. Trong xử lý kỉ luật cán bộ. đảng viên thời gian trong 10 năm qua hơn 170 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay (6-2022) có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng bị thi hành kỷ luật. Chỉ riêng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có 77 bị can bị khởi tố. Những vi phạm đã tạo thành nhóm lợi ích tiêu cực khá sâu rộng, lôi cuốn nhiều cấp, nhiều người như Việt Á, nhóm nhận hối lộ của Cảnh sát Biển; nhóm tham ô của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; nhóm làm trái các quy định về quản lý đất ở Bình Thuận…
Điều đặc biệt quan tâm là những vụ vi phạm bất liêm gần đây có chiều hướng trình độ chính trị cao cấp, học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, có học hàm giáo sư, phó giáo sư, phụ trách cấp bộ, cấp ngành; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác đào tạo của những cơ sở rất có uy tín tăng lên. Chẳng lẽ những người càng có trình độ cao, giữ chức vụ quan trọng, trách nhiệm lớn, càng tránh được sự kiểm tra của chi bộ. Vẫn biết rằng những việc họ làm sai, thuộc chức trách, nhiệm vụ của cấp trên giao, họ chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền. Nhưng ở phạm vị nhất định, chi bộ phải biết được nếp sống sinh hoạt, tình cảm, tư tưởng và kể cả những thay đổi về tài chính, bất động sản của họ, của gia đình họ. Vì vậy khi họ sa vào vòng lao lý lẽ nào chi bộ lại vô can? Thực tế đã cho thấy, mọi suy thoái, biến chất, thậm chí cả những tha hóa, từ tha hóa nhân cách đến tha hóa quyền lực, dẫn tới làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng,... đều do bất liêm dẫn đến yếu kém, suy đồi về đạo đức mà ra. Điều đó lại xuất phát từ sự buông thả, lỏng lẻo, hời hợt, nể nang, né tránh trong sinh hoạt chi bộ. Những vị quan to tham gia sinh hoạt chi bộ có khi không xem mình là thành viên, tự cho mình là “đại biểu”, nếu có ý kiến thì là những lời chỉ bảo, đảng viên thì vị nể mà xuôi chiều. Cũng có khi buổi sinh hoạt biến thành buổi kể chuyện bên lề những cuộc làm việc của cấp nào đó, gần hết giờ sinh hoạt bí thư nói vài câu kết thúc hội nghị. Đảng viên ra về mà chẳng biết hôm nay sinh hoạt nội dung gì.
Qua theo dõi các cuộc thi bí thư chi bộ giỏi của 32 chi bộ thuộc Đảng bộ phường Cổ Nhuế 2 và các cụm thi của quận Bắc Từ Liêm, theo các chủ đề: lãnh đạo toàn diện chi bộ; triển khai học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi tuyên truyền nghị quyết 15 của Thành ủy Hà Nội…Các bí thư chi bộ Trần Văn Vụ (Tổ dân phố số 3), Lưu Văn Phương (Tổ dân phố Trù 3), Nguyễn Thị Kim Chi (Chi bộ giáo viên), Dương Văn Huân (Tổ dân phố Đống 2)… đều hướng tới nâng cao chất lượng sinh hoạt và hoạt động của chi bộ và đã có những việc làm hay, những kinh nghiệm tốt như: xây dựng quy chế làm việc ngay từ đầu nhiệm kỳ; xây dựng chương trình hành động cụ thể những vấn đề trọng tâm đời sống xã hội của nhân dân trong tổ dân phố gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung sinh hoạt được các chi ủy chuẩn bị chu đáo. Các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ và chi ủy viên hội ý với các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, cán bộ mặt trận, cảnh sát khu vực và các chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, người cao tuổi, chi đoàn thanh niên… lựa chọn một số vấn đề cần tập trung lãnh đạo, ví như lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Sau khi họp và ra kết luận, nghị quyết, bí thư chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên thực hiện và định thời gian hoàn thành, báo cáo. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, nghị quyết của chi bộ cũng được tăng cường, theo quy trình, quy chế làm việc gắn với phân công nhiệm vụ từng đảng viên. Chi ủy còn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của nhân dân giám sát việc đánh giá thực hiện kế hoạch tu dưỡng của đảng viên giữ chức vụ trong cấp ủy. Cũng có những vấn đề khó khăn được một số bí thư nêu ra như: trong sinh hoạt rất ít hoặc không có những ý kiến phản biện về những nội dung nghị quyết của cấp trên đưa ra khó thực hiện hoặc thực hiện ít hiệu quả, có khi thiếu sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó nổi lên vấn đề giải phóng mặt bằng của một số dự án, hoặc phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chỉ tiêu thường phải đạt trên 90% gia đình văn hoá. Những vấn đề như vậy trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ cũng như trong các đại hội chi bộ rất ít ý kiến phản biện để Đảng có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với sự phát triển.
Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng, củng cố TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là đòi hỏi tất yếu và có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành một nghị quyết chuyên đề về tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của TCCSĐ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để đạt được mục tiêu nói trên đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình TCCSĐ, kiện toàn TCCSĐ đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Nghiên cứu, xây dựng mô hình TCCSĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để bảo đảm phù hợp với từng loại hình tổ chức. Cùng với đó rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình TCCSĐ. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở. Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên; tăng cường công tác quản lý đảng viên; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ngay ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Đảng mạnh là tiền đề để cũng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
--------
(1),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội. 2021, tập 2, tr.185.
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tập 2, tr.188, 189, 190.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn