Nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là địa bàn sinh sống nhiều thế hệ của hơn 30 dân tộc anh em; là nơi hội tụ, giao thoa các yếu tố văn hóa đồng bằng, ven biển, miền núi. Trải qua hơn 400 năm (lấy mốc năm 1611 - hình thành phủ Phú Yên với 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa) xây dựng và phát triển của mảnh đất đã tạo lập, hình thành nên những giá trị truyền thống, nét đặc trưng văn hóa trong con người Phú Yên. Giá trị cốt lõi của văn hóa Phú Yên chứa đựng những giá trị chung của văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời mang đậm nét riêng của đất và người “xứ Nẫu”, đó là truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; là khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường; là đức tính cần cù, nhẫn nại, hiếu học, sáng tạo; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; là tinh thần dũng cảm, mưu trí, kiên cường; là sự giản dị, chất phát, chịu thương chịu khó, lạc quan… Những giá trị đó tạo nên sức mạnh tinh thần giúp con người đất Phú vượt qua những khó khăn trong xây dựng, bảo vệ quê hương, để lại những dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Cho đến nay, bên cạnh những giá trị truyền thống của Việt Nam, về cơ bản người Phú Yên vẫn giữ được những giá trị văn hóa chung mang tính đặc thù của địa phương, có thể kể đến một số nét đặc trưng có tính phổ quát như: tính cộng đồng; tính giản dị, chất phát, thật thà; tính dung hòa.
Với đặc điểm là một vùng đất gắn liền với quá trình nam tiến của dân tộc, tính cộng đồng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà; thể hiện nét đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng hơn 30 dân tộc đang sinh sống trên quê hương Phú Yên. Từ một vùng đất hoang vu của buổi đầu khai hoang mở đất, lập làng, những con người từ nhiều cộng đồng khác nhau, với những xuất thân, tính cách khác nhau đến với mảnh đất này, đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt, đón nhận và hòa hợp lẫn nhau để cùng trở thành thành viên của một quê hương mới với ước vọng về một cuộc sống hạnh phúc, phú cường, yên bình. Hơn ai hết, người Phú Yên thấu hiểu giá trị của sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; điều đó đã hun đúc nên tinh thần cộng đồng trong con người Phú Yên. Những con người đó và các thế hệ tiếp sau đã đồng cam cộng khổ, đoàn kết, gắn bó, bảo vệ nhau vượt qua thiên tai, những biến động của lịch sử để tồn tại, bảo vệ và xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Tính cộng đồng đã khiến cho người Phú Yên dù ở bất kỳ đâu cũng luôn đùm bọc, giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, một phần nào đó, tính cộng đồng đôi khi có thể dẫn đến việc hạ thấp vai trò của cá nhân, dễ dàng thỏa mãn, không dám bức phá, không dám vượt qua những giới hạn thường thấy của cộng đồng đó; thậm chí có thể tạo ra một cộng đồng mờ nhạt, lạc hậu và có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung. Vậy nên, thế hệ người Phú Yên mới cần phải là những con người biết vì cộng đồng, nhưng phải có chí tiến thủ, dám sống, dám nghĩ, dám làm, dám bày tỏ quan điểm, khát vọng của cá nhân.
Tính giản dị, chất phát, thật thà cũng là một trong những đặc điểm nổi trội trong hệ thống giá trị văn hóa tinh thần của người Phú Yên. Sự chân chất, mộc mạc của người Phú Yên thể hiện trong cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ thường ngày; nhìn chung, đa số người Phú Yên ít chuộng hình thức, phô trương, xa hoa, lãng phí, mơ mộng về những phù phiếm. Sự mộc mạc, giản dị, bộc trực đã làm nên tình đất và người Phú Yên, nhưng chính những điều này một mặt nào đó đã kéo theo tính cứng nhắc, thụ động, ít sáng tạo, bỏ qua những yếu tố mang tính thẩm mỹ, độc đáo, đột phá; đồng thời dẫn đến tâm lý dễ dàng thỏa mãn, thiếu tính cạnh tranh. Một ví dụ gần nhất để có thể dễ dàng nhận thấy chính sự giản đơn, chân chất, “ăn chắc mặc bền” trong lối sống, suy nghĩ của người Phú Yên đã tạo nên lực cản trong cạnh tranh của sản phẩm bánh tráng Phú Yên với các thương hiệu Bình Định đa dạng về hương vị, được sản xuất, đóng gói đẹp mắt, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu thị hiếu hiện đại. Rõ ràng rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội của thời đại mới, nếu chúng ta vẫn cứng nhắc với những giá trị truyền thống, cứ giữ những cái mộc mạt, đơn giản, xem nhẹ yếu tố thẩm mỹ, thị hiếu, ngại đổi mới sáng tạo thì sẽ tự đánh mất cơ hội để phát triển.
Một đặc trưng nữa có thể kể đến trong văn hóa, con người Phú Yên chính là tính dung hòa. Trải qua một quá trình di cư khai hoang, mở đất, lập làng, cộng cư với các dân tộc bản địa đã khiến người Phú Yên có khả năng tận dụng các điều kiện sẵn có; coi trọng xu hướng dung hòa, hóa giải, tiếp biến các yếu tố văn hóa; coi trọng sự ổn định, bình yên, hòa bình. Mặt tích cực của giá trị truyền thống này là điểm cộng cho khả năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết các xung đột, mâu thuẫn nảy sinh. Nhưng chính tính dung hòa lại dẫn đến sự tùy tiện, thói quen đơn giản hóa, du di, “dĩ hòa vi quý”, e ngại vai chạm trong đời sống sinh hoạt, làm việc. Chính những yếu tố này khiến cho người dân Phú Yên, vốn thích ứng với nền kinh tế nông nghiệp lâu đời cảm thấy khó thích ứng với nhịp độ, quy trình, xu hướng lao động công nghiệp hiện đại; thậm chí, gây ra hiện tượng thiếu sự phân định đúng sai rõ ràng, dễ bị vi phạm các quy tắc, luật lệ trong lao động, trong thương mại và các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế.
Trước bối cảnh chung của quá trình hội nhập quốc tế, sự năng động của thời đại công nghiệp 4.0, việc xây dựng các yếu tố văn hóa, con người hiện đại là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng với sự phát triển của thời đại. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh“Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ;... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý;... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm;... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[1]. Vì vây, để xây dựng yếu tố văn hóa hiện đại của người Phú Yên, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời cần phải phê phán, đấu tranh bài trừ, triệt tiêu dần những yếu tố hủ hóa, cản trở, kìm hãm sự phát triển như tính dễ dàng thỏa mãn, thích an nhàn, dĩ hòa vi quý, tư tưởng tiểu nông, làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, ghanh tỵ, đố kỵ…. Bên cạnh đó, phải tập trung xây dựng yêu tố văn hóa mới như tính cầu thị, ham học hỏi; phát huy tính năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…
Để phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp, vận dụng phát triển những giá trị văn hóa hiện đại, bồi đắp, khơi dậy ý chí, khát vọng, phát huy năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tập thể; cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cùng cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, con người, việc phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người, sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay. Phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[2]. Đồng thời cần tổ chức các cuộc vận động, phong trào xã hội, không ngừng bồi dưỡng, lan tỏa sâu rộng những cái tốt, cái mới, tiến bộ, làm cho cái cũ, cái xấu bị thu hẹp và dần mất đi trong đời sống.
Trong bối cảnh hiện nay, để có thể xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cần phải đảm bảo giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các mối quan hệ xã hội, phát huy các giá trị cốt lõi, thúc đẩy sự phát triển riêng có của mỗi cá nhân, gắn với việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để có thể hoàn thiện mục tiêu đó, cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tạo mọi điều kiện khơi dậy năng lực sáng tạo, đổi mới, ý thức tự chủ của mỗi cá nhân, “tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mỗi tầng lớp Nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới”[3]. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa phù hợp, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội tạo sức mạnh tổng hợp, đồng thuận, đoàn kết xã hội gắn với tăng cường vai trò cá nhân, nâng cao vai trò phản biện xã hội. Phải phát huy vai trò của tổ chức đảng, chính quyền trong giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, xây dựng con người phát triển toàn diện, có năng lực, khát vọng cống hiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi người dân; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cần nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và đồng thời có chế tài để xử lý nghiêm những cán bộ sợ sai, không dám làm, hoặc làm vì vụ lợi cá nhân.
Chú trọng tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Phú Yên về cả hình thức, nội dung, phương pháp. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải thực hiện thường xuyên, tránh thời vụ, giáo điều, chỉ ca ngợi mà không đấu tranh, phê phán những mặt tiêu cực còn tồn tại trong văn hóa ứng xử, tư duy, nhận thức và hành động của một bộ phận người dân; phải có chiến lược dài hạn, bài bản, gắn với các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh, “thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”[4].
Xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại là một quá trình lâu dài, cần thực hiện kiên trì với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, bền vững.
Bác Hồ đã từng nói: “Vô luận việc gì, đều do người làm ra”[5], “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[6], “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”[7]. Vì vậy, để việc xây dựng các yếu tố văn hóa hiện đại của con người Phú Yên trở thành hiện thực, có lan tỏa mạnh mẽ và thấm sâu vào suy nghĩ, máu thịt của mọi người dân Phú Yên, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm gương, tiên phong đi đầu trong thực hiện, tạo sự lan tỏa dần trong đời sống của người dân Phú Yên.
Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh nhà; đặc biệt là bằng khát vọng, tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực của thế hệ trẻ, chúng ta quyết tâm từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thiện mục tiêu xây dựng, phát huy giá trị, văn hóa, con người Phú Yên; để từ đó góp phần xây dựng nên một Phú Yên phát triển nhanh, bền vững, yên định trong phú cường như khát vọng của các bậc tiền nhân khi đặt tên cho vùng đất này.
Đặng Hồng Thái
Trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.94-95
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.48
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1986, tr.9
[4] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.13
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.241
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.240, 269
[7] Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.