Không biết quan điểm của bạn về mấy TikToker nói trên như thế nào, còn đối với tôi-một sĩ quan trẻ đang công tác trong Quân đội, tôi cho rằng đó là suy nghĩ tầm thường của một bộ phận thanh niên không có bản lĩnh, lập trường, phai nhạt về lý tưởng, đạo đức cách mạng... nên sinh ra tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”.
Tầm thường từ tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”
Trên thực tế, đã có người rời bỏ hàng ngũ Quân đội, Công an để được “làm chính mình” (theo tự nhận của một số TikToker). Nhưng mơ ước của những “anh hùng bàn phím” đã nhanh chóng vụn vỡ, khiến họ thất bại thảm hại, để rồi cay đắng thừa nhận rằng, bệnh “đứng núi này trông núi nọ” chẳng thể nào vươn tới đỉnh cao.
Tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính, công việc... nhưng thường tập trung vào nhóm người phải làm việc trong môi trường vất vả, nhiều áp lực, thu nhập thấp. Tuy nhiên, điều kiện công tác, vị trí việc làm chỉ là nhân tố khách quan, còn nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nêu trên là do sự bồng bột, thiếu kiên định, ngại rèn luyện; chưa suy nghĩ thấu đáo đã quyết định nóng vội khiến cho bản thân phải trả giá đắt.
Thực tiễn đã chứng minh, con người ta phải “có làm thì mới có ăn”. Vậy mà, một số bạn trẻ vẫn đắm mình trong lối sống ảo, thích hưởng thụ nhưng lười lao động; muốn làm giàu nhanh nhưng tư duy kinh tế trống rỗng. Chính vì vậy mà họ không ngại vay mượn bằng mọi giá để liều mình “lao như thiêu thân”, đầu tư vào các tài khoản mã hóa, ứng dụng kiếm tiền ảo, các sàn giao dịch chứng khoán trên mạng chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép... Mặc dù lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, nhưng họ vẫn dửng dưng để ngoài tai, đem niềm tin đặt vào những lời chèo kéo của đám “cò mồi”, hệ quả là bị “sập bẫy” và không có đường lui. Cực chẳng đã, bố mẹ vốn đã nhọc nhằn, vất vả lo toan cuộc sống mưu sinh, nay lại còng lưng gánh nợ, thậm chí bán đất, bán nhà để trả nợ cho con. Không những thế, vì coi thường pháp luật mà không ít người đã vướng vào vòng lao lý, tù tội.
Bộ đội giúp dân gặt lúa. Ảnh minh họa: TTXVN
Quân đội là môi trường đặc thù với muôn vàn gian lao nhưng rất đỗi vinh quang. Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta luôn giữ vững bản chất, truyền thống, luôn được dân trọng, dân mến, dân tin. Tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó; giữ vững và phát huy phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội; cùng với đó là tư tưởng ngại khó, ngại khổ nên trong một bộ phận nhỏ sĩ quan trẻ đã có biểu hiện “đứng núi này trông núi nọ” với suy nghĩ “rời bỏ hàng ngũ Quân đội để làm lại từ đầu”. Đó là điều vô cùng đáng trách, đi ngược lại với lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng; ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm của đồng chí, đồng đội; tạo cớ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, chống phá.
Trong cuộc sống, ai cũng có mơ ước, khát vọng riêng của đời mình. Song, điều đó không đồng nghĩa quay lưng lại với sự nghiệp mà chính bản thân đã lựa chọn để đi theo tiền tài, danh vọng hư vô. Hơn nữa, được phục vụ lâu dài trong Quân đội hay Công an từ lâu đã trở thành khao khát của biết bao lớp thanh niên, thậm chí có những bạn trẻ phải lận đận thi hết lần này, lần khác vẫn chưa thành công thì một số ít sĩ quan trẻ-những người đã được đào tạo bài bản lại hoài nghi, dao động, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, cổ xúy cho những hành động sai trái. Nói cách khác, “đứng núi này trông núi nọ” là sự thất bại ngay từ trong tư tưởng của chính những người vẫn tự cho là mình khôn ngoan, sáng suốt.
Môi trường nào cũng có quy tắc, quy định riêng
Tục ngữ có câu: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, từ gia đình-“tế bào của xã hội” đến cộng đồng quốc tế, ở đâu cũng có quy tắc, quy định riêng. Theo đó, để tồn tại, phát triển, mỗi cá nhân nhất thiết phải tôn trọng, chấp hành và tuyệt đối không được phép tự ý vượt quá những “lằn ranh đỏ” mà tổ chức đặt ra. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, tự do mà mỗi người có được là “tự do trong khuôn khổ” chứ không phải “tự do vô tổ chức, vô kỷ luật”. Vậy nên, bất cứ ai cho rằng “rời bỏ hàng ngũ Quân đội, Công an để được làm chính mình” chỉ là sự mơ hồ ảo tưởng, một suy nghĩ viển vông, vô căn cứ.
Quân đội là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thiêng liêng, cao cả. Để hoàn thành trọng trách được Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải trải qua quá trình rèn luyện đặc biệt với những đòi hỏi rất cao cả về trí lực lẫn thể lực. Vậy nên, kỷ luật và ý thức tổ chức kỷ luật là hai thành tố không thể thiếu, luôn song hành, trở thành nét đặc trưng riêng của Bộ đội Cụ Hồ. Trong đó, "kỷ luật là sức mạnh của Quân đội”, còn ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh là nét đẹp cao quý trong phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng và những người tự do nhất chính là những người tự giác chấp hành kỷ luật nghiêm minh nhất. Ý chí sắt đá, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ cũng giống như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” từ lâu đã thấm sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta. Ngược lại, đối với những người “cả thèm chóng chán”, “dễ làm khó bỏ” thì dẫu có đi đâu, làm gì cũng sẽ có chung một kết quả, đó là sự thất bại.
Là chính mình-hiểu sao cho đúng?
Quân đội là “trường học lớn” của tuổi trẻ. Từ “ngôi trường” ấy đã có biết bao tấm gương sáng về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, biết khắc phục khó khăn, thử thách để vươn lên, đem về vinh quang cho Tổ quốc, tiêu biểu trong thời gian gần đây nhất như: Nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh, vận động viên điền kinh Nguyễn Văn Lai, cùng với đó là nhiều gương mặt trẻ lăn xả vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, giáo dục, phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo... Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cũng thường xuyên quan tâm, khuyến khích, động viên những cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bằng những chế độ, chính sách cụ thể, thiết thực, như: Thăng quân hàm trước niên hạn; đề bạt, bổ nhiệm chức vụ công tác; luân chuyển thực tế; đào tạo, bồi dưỡng... và Đề án “Thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội” đang triển khai xây dựng là một minh chứng điển hình. Vậy nên, sống trong quân ngũ không thể có chuyện “không được là chính mình”.
Đến đây, tôi chợt nhớ tới câu chuyện “muốn được làm chính mình” của nhân vật Hiếu trong bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến”. Bởi thích tự do làm những điều mình muốn, Hiếu đã tìm mọi cách để không tham gia quân ngũ. Để rồi, chưa kịp thành công, chàng trai trẻ ấy đã để lại cho gia đình “một đống nợ”. Nghe bà nội của Hiếu tâm sự cùng con gái, chắc hẳn rất nhiều khán giả đã không cầm được lòng mình: “Đời tao, nhìn theo bố mày đi công tác, rồi lại đến lượt nhìn anh mày đi công tác... thứ tao quen nhất chỉ là cái bóng sau lưng thôi”. Song, dẫu đã chịu muôn vàn nỗi đau, sự thiệt thòi, nhưng bà vẫn mạnh mẽ, can trường, chủ động động viên, thậm chí yêu cầu Hiếu-người cháu trai duy nhất ở bên cạnh bản thân lúc xế chiều phải cố gắng nối nghiệp ông cha. Trong đôi mắt ngấn lệ, bà khẳng khái: “Đấy, cho cháu muốn làm gì thì làm, giờ thì cháu làm ra một đống nợ! Còn nhập ngũ, cháu đã vào ngày nào đâu mà biết không hợp? Cháu phải vào để Quân đội dạy cho cháu cách làm một con người... chứ bà không sống mãi mà lo cho cháu được đâu”. Để rồi, sau quãng thời gian tân binh ngắn ngủi, chàng trai khờ dại, non nớt ngày nào đã rắn rỏi, trưởng thành. Không những vậy, Hiếu còn giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng, sự thiêng liêng, cao cả khi được cống hiến cho Tổ quốc. Bởi thế, anh đã tiếp tục viết đơn xin được đi học để phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Trong tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô viết Nikolai Alekseevich Ostrovsky có đoạn: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta cũng đã dạy: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. Do đó, có thể thấy được giá trị và ý nghĩa của tinh thần kiên trì, bền bỉ trong rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ đối với sự trưởng thành, phát triển cũng như chặng đường thành công của mỗi con người.
Từ văn học, nghệ thuật, điện ảnh... cho đến cuộc sống, giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ lại càng được khẳng định rõ nét. Điển hình như câu chuyện về gia đình ông Huỳnh Văn Đó, ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, là du kích Nam Bộ, có con trai Huỳnh Văn Kết là cựu Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, thương binh hạng 1/4. Ông Kết có hai con trai công tác trong lực lượng vũ trang: Anh trai Huỳnh My là Trung úy công an, còn em Huỳnh Văn Hợp đang học năm thứ hai Trường Sĩ quan Chính trị. Đáng chú ý, dẫu đã một lần dang dở mơ ước vì lý do sức khỏe nhưng Huỳnh Văn Hợp vẫn không từ bỏ khao khát được trở thành người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; quyết tâm lặn lội từ Nam ra Bắc lần 2 để đi theo con đường mình đã chọn. Nếu không phải là người kiên định, nếu không có lòng quả cảm, liệu chàng trai ấy có đủ can đảm để đi theo con đường mà ông, cha, anh đã lựa chọn, nhất là khi bản thân đã chứng kiến những cơn đau mà mỗi khi trái gió trở trời bố vẫn phải nghiến răng chịu đựng sau những cống hiến thời trai trẻ?
Từ một vài ví dụ điển hình, chúng ta càng cảm thấy khâm phục những tấm gương dám hy sinh vì non sông gấm vóc bao nhiêu, lại càng bất bình với một số người, dẫu chưa đóng góp được gì cho Tổ quốc nhưng đã vội đề cao giá trị của bản thân họ bấy nhiêu!
Dù ở thời chiến hay thời bình, Bộ đội Cụ Hồ luôn sẵn sàng nhận về mình những công việc khó khăn nhất. Còn nhớ, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm và làm hết mình... Cái gì khó quá thì cứ giao cho Quân đội”. Qua đó khẳng định ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đúng với lời thề: “Thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí”.
Mỗi người là chính mình hay không là chính mình không phải do môi trường quyết định, mà phụ thuộc vào bản lĩnh và ý chí của chính họ. Nếu đã chọn lực lượng vũ trang làm điểm khởi đầu của sự nghiệp thì các bạn hãy luôn tự hào và quyết tâm đi hết con đường ấy một cách vinh quang nhất. Dẫu biết rằng bảo vệ Tổ quốc vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của tất cả mọi người, nhưng Quân đội, Công an tuyệt nhiên không ép buộc bất cứ ai phải phục vụ lâu dài trong môi trường ấy. Vậy nên, trước khi quyết định bất cứ một việc gì, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng để “đứt gánh giữa đường”. Còn tư tưởng “rời bỏ hàng ngũ Quân đội, Công an để được làm chính mình” nếu không phải là hành động "câu view" của những TikToker chuyên “kiếm tiền bẩn” thì cũng chỉ là viện cớ của một sự thất bại-thất bại ngay từ trong suy nghĩ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn