1. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong chủ đề Đại hội, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để dân tộc cường thịnh, trường tồn. Nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hướng tới mục tiêu đến năm 2045, vào giữa thế kỷ XXI, Việt Nam phải trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Muốn đổi mới sáng tạo, muốn đạt tới mục tiêu tổng quát nêu trên, trước hết phải khắc phục triệt để bệnh giáo điều, từ nhận thức đến hành động, từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các ngành, ở trung ương, địa phương và cơ sở đến các cộng đồng dân cư trong xã hội, đến từng người. Bệnh giáo điều là một căn bệnh đã có từ lâu, tồn tại dai dẳng, bám sâu vào tư duy, vào cách ứng xử, vào các thói quen xấu trong nếp nghĩ, thâm nhập vào trong lối sống hằng ngày, vào các mối quan hệ: với mình, với người, với công việc và tổ chức bộ máy. Cùng với các bệnh khác, bệnh giáo điều gây ra những hậu quả tiêu cực, những hệ lụy xã hội phức tạp, thực sự là một lực cản xã hội ngăn trở chúng ta phát triển tới trình độ hiện đại.
Giáo điều là bệnh thuộc về tư duy, ý thức, nhận thức. Đó là lối suy nghĩ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn theo những công thức đã có sẵn, không thích ứng với biến đổi mau lẹ trong thực tiễn cuộc sống, thoát ly khỏi những điều kiện lịch sử cụ thể. Do nhận thức giáo điều, dựa trên những phạm trù tĩnh nên hành động và ứng xử thường cứng nhắc, lệ thuộc vào những kết luận có sẵn trong sách vở, coi nó như một cái tuyệt đối, không thay đổi. Người mang bệnh giáo điều không thể linh hoạt, cản trở sự tìm tòi sáng tạo, không thích ứng với cái mới, ngại đổi mới thậm chí còn cố níu kéo cái cũ, dù đã tỏ ra lỗi thời, bị thực tiễn cuộc sống vượt qua từ lâu, sinh ra trì trệ, bảo thủ, chống lại cái mới và sự đổi mới, dù là không tự giác.
Bệnh giáo điều thường đi liền với bệnh giản đơn, hình thức, chủ nghĩa kinh nghiệm thực dụng, tư duy siêu hình.
Giáo đều có nguồn gốc nhận thức từ thế giới quan duy tâm chủ quan, duy ý chí và phương pháp tư duy siêu hình. Biểu hiện về mặt nhận thức là tách rời lý luận với thực tiễn, rơi vào “bệnh sách vở” mà thực chất là yếu kém về lý luận nhưng lại coi thường (“coi khinh” - chữ dùng của Hồ Chí Minh) lý luận, thường tuyệt đối hóa kinh nghiệm và bị chủ nghĩa kinh nghiệm trói buộc. Trong mối quan hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù, người mắc bệnh giáo điều thường tuyệt đối hóa cái phổ biến, phủ nhận cái đặc thù. Ngược lại thì rơi vào chủ nghĩa xét lại như Hồ Chí Minh giải thích.
Tóm lại, đã giáo điều thì tất sẽ chủ quan, phiến diện và siêu hình. Nó xa lạ với tư duy biện chứng, phép biện chứng duy vật vốn là khoa học về phát triển, xử lý một cách biện chứng, khách quan, khoa học giữa cái khách quan và cái chủ quan. Biểu hiện trong thực tiễn, nhất là qua thái độ và sự ứng xử, người giáo điều, nhất là giáo điều tới mức cực đoan thì thường hay phản đối một cách cảm tính những ai có tư duy độc lập sáng tạo, hay quy kết, chụp mũ về lập trường quan điểm, hay “đao to búa lớn”, “đại ngôn”, từ những khác biệt trong nhận thức, mà họ không có khả năng thuyết phục người khác về mặt lý luận, khoa học thì chuyển ngay sang những nhận định, đánh giá, phê phán về lập trường, quan điểm, rất có hại cả về nhận thức khoa học và hành động chính trị.
Người giáo điều rất hay có thói quen “chính trị hóa” mọi vấn đề, kể cả trong khoa học, dị ứng với những phê phán khoa học, hay định kiến đối với những ai và những gì khác mình. Cách nghĩ và hành xử như vậy là ở bên ngoài chân lý khoa học, ở bên ngoài dân chủ, xa lạ với văn hóa, bởi “văn hóa là biết lắng nghe”, bởi “văn hóa là thống nhất trong đa dạng, thống nhất bao hàm những khác biệt”, “văn hóa trong bản chất của nó là khoan dung”, (chấp nhận, thừa nhận cái khác mình, không tự lấy mình làm chuẩn để áp đặt người khác…)
Xét về mặt văn hóa dân chủ, người giáo điều thường hành động xa lạ với dân chủ (không quen đối thoại, thảo luận, tranh luận, phản biện) để cùng tìm tòi chân lý.
Xét về mặt đạo đức, người giáo điều dễ rơi vào hẹp hòi, đố kỵ, nhất là khi người đó lại có quyền hành và quyền uy, nếu mất bình tĩnh sáng suốt, thiếu tinh thần khách quan, tôn trọng khoa học và thực tiễn thì họ rất dễ mắc sai lầm về việc đàn áp tư tưởng, nhất là với giới trí thức sáng tạo. Xét về lãnh đạo của Đảng đối với trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo phải hiểu trí thức, nhất là với trí thức khoa học và nghệ thuật vì họ có cá tính mạnh, có nhu cầu lớn về tự do và sáng tạo, coi trọng khẳng định cái tôi - bản ngã độc lập nên khi dân chủ bị vi phạm, trí thức rất dễ tổn thương về tinh thần và các giá trị tinh thần. Lãnh đạo trí thức mà không dân chủ, không đủ sức thuyết phục họ về học thuật, tư tưởng và đạo đức thì tự nó tạo ra rào cản, thiếu sự đồng cảm, hợp tác và tin cậy lẫn nhau, khoa học thì thiếu động lực để phát triển và chính trị cũng không tiếp nhận được xung lực từ khoa học để “khoa học hóa” chính mình.
Bệnh giáo điều giản đơn thường đồng nhất hóa nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, hiện tượng vốn chỉ thống nhất (bao hàm khác biệt) chứ không đồng nhất.
Trong đời sống, giải quyết mối quan hệ giữa khoa học và chính trị, giữa chân lý và quyền uy (quyền lực chính trị), giữa nhà khoa học và nhà chính trị, “con người khoa học” và “con người chính trị” vốn không đơn giản. Mối quan hệ phức tạp này sẽ được giải quyết bằng văn hóa, bằng ứng xử văn hóa tinh tế, bao dung của các nhà lãnh đạo mà Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh là những mẫu mực. Các ông là các nhà tư tưởng, đồng thời là những nhà bác học, nhuần nhuyễn giữa quan điểm duy vật và phương pháp biện chứng, sáng tạo chứ không giáo điều, linh hoạt uyển chuyển chứ không cứng nhắc, biết lắng nghe, biết đối thoại, biết thuyết phục. Hồ Chí Minh còn là bậc thầy về sự cảm hóa, thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài, trọng đãi hiền tài một cách biện chứng chứ không siêu hình, một cách chân thành, tin cậy.
Một trong những tác hại của bệnh giáo điều, ở những người giáo điều là, dù không tự giác, không cố ý, họ cũng rơi vào sự kìm hãm dân chủ và tự do tư tưởng, có nguy cơ trở thành độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ và làm phương hại tới sự trong sạch, trong sáng của môi trường đạo đức, văn hóa đạo đức. Hệ lụy của nó là tạo ra những kẻ hở, những mảnh đất dung dưỡng cho thói dân chủ hình thức, đoàn kết hình thức, “giả đạo đức” và “giả khoa học”, “giả chính trị”, “giả cách mạng”. Kẻ cơ hội và chủ nghĩa cơ hội sẽ lợi dụng triệt để tình trạng này để thực hiện những ý đồ, những hành vi bất minh, bất chính để vụ lợi và trục lợi.
Đủ thấy vấn đề đặt ra phức tạp như thế nào và phải tìm tòi như thế nào để có một hệ giải pháp đồng bộ nhằm thanh toán triệt để bệnh giáo điều, từ nhận thức đến hành động trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
2. Một cách cụ thể và trực tiếp, muốn chống được giáo điều phải hết sức chú trọng giáo dục tư duy khoa học, tư duy lý luận, thấm nhuần để thực hành phép biện chứng duy vật, thống nhất hữu cơ với quan điểm duy vật biện chứng. Đây là giải pháp cơ bản, hàng đầu. Nói một cách khác, phải khắc phục thế giới quan duy tâm (cả chủ quan lẫn khách quan) cùng với phép siêu hình. Phải trau dồi năng lực tư duy triết học - ở đây cái cốt lõi là triết học Mác-Lênin đồng thời với trang bị hệ thống tri thức về lịch sử tư tưởng triết học. Các tri thức triết học và tư tưởng trong lịch sử triết học phải được dạy và học trên tinh thần và phương pháp khoa học như những môn khoa học cơ bản nghiêm túc nhất. Đang có một mâu thuẫn giữa tinh giản chương trình, thu hẹp hay lồng ghép các loại hình tri thức với khuynh hướng giản lược hóa các tri thức mà người học phải được lĩnh hội. Phải khắc phục tình trạng người học “dường như cái gì cũng biết” nhưng trên thực tế thì không biết thấu đáo, ngọn ngành tri thức nào. Hiểu biết hời hợt là đồng minh của giáo điều. Cần làm cho người học, nhất là sinh viên chuyên ngành có ý thức và nhu cầu tự trau dồi trí thức triết học, không chỉ tồn tại ở các nguyên lý như cái kết luận được thừa nhận mà phải biết, phải hiểu “cái lịch sử” để nắm vững thực chất của “cái lô gích”. Phải khắc phục định kiến của không ít người trong chúng ta về “tri thức hàn lâm”, do đó dẫn đến sự hiểu biết hời hợt, thậm chí tầm thường hóa thực tiễn ứng dụng, tách rời thực tiễn với lý luận. Không hiểu lý luận, không trọng lý luận thì không thể tiếp cận thực tiễn một cách khoa học, không phải là mô tả cái bề ngoài của thực tiễn mà cái chính là đem lý luận soi sáng cho thực tiễn, là “lý luận hóa” chứ không phải “kinh nghiệm hóa” nó.
Giáo điều tất yếu sẽ biệt phái, chỉ thấy “cái một” - cái duy nhất mà không thấy sự muôn vẻ, sự đa dạng của trí thức, khoa học là phản ánh tính đa dạng của thực tiễn được khái quát hóa, lý luận hóa kinh nghiệm thực tiễn để vượt lên chủ nghĩa kinh nghiệm, tự giải phóng mình khỏi tình trạng biệt phái, giáo điều.
Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng biện chứng của các nhà kinh điển và thực hành xuất sắc phép biện chứng đó. Người không chỉ giác ngộ và tin theo chủ nghĩa Mác-Lênin, trung thành một cách sáng tạo bằng cách phát triển sáng tạo chủ nghĩa, học thuyết đó. Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin là quan trọng và quyết định nhất trong ý thức hệ của mình, nhưng Người không xem đó là cái duy nhất. Người tiếp thu nhiều nguồn tri thức khác của văn hóa phương Đông và phương Tây, nhờ đó mà càng hiểu biết sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác-Lênin, thấy ở đó cả tinh thần và phương pháp, hiểu thực chất để thực hành sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học với chính trị và đạo đức, tổng hợp lại đó là văn hóa. Ta phải học và làm theo Người cả về quan điểm và phương pháp là vì vậy. Để chống giáo điều biệt phái, kinh nghiệm và siêu hình, cần ghi nhớ và thực hành chỉ dẫn của Người qua các luận điểm điển hình:
+ “Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là bản chất, là nguyên tắc tối cao của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
+ “Thực hành sinh ra hiểu biết
Hiểu biết tiến lên lý luận
Lý luận lãnh đạo thực hành”.
+ Nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là thuộc lòng từng câu từng chữ như một con vẹt mà phải nắm lấy thực chất, tiếp thu tinh thần và phương pháp Mác-Lênin để độc lập sáng tạo giải quyết những vấn đề đặt ra, để ứng xử với con người và công việc cho đúng.
+ Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức. Đọc hàng trăm hàng nghìn quyển sách Mác-Lênin mà ăn ở với nhau không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Mác-Lênin được.
+ Phương Tây có gì hay cũng học. Phương Đông có gì hay cũng học. Học để làm phong phú chính mình. Học để biết, để hành cho đúng, cho sáng tạo. Tiếp thu có chọn lọc với tinh thần phê phán, không bắt chước, không sao chép máy móc… Ta và Liên Xô rất khác nhau... Ta có thể đi con đường khác với Liên Xô để tiến tới chủ nghĩa xã hội… Phải thấy đặc điểm to nhất của nước ta là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội…
Đó là những chỉ dẫn quý báu của Người, cần hiểu đúng, làm đúng.
Thứ hai, phải hiểu đúng “bệnh sách vở” và xử lý đúng căn bệnh sinh ra giáo điều này và vượt qua nó. Bệnh sách vở như chúng ta thường gọi có biểu hiện là lệ thuộc hoàn toàn vào sách, nhất nhất tuân theo như những giáo điều. những tín điều, sinh ra mù quáng, không có khả năng phê phán, tiếp thu cái gì, sàng lọc và từ bỏ cái gì (cái sai, cái lỗi thời) và phải đối xử với sách, với tri thức sao cho đúng, không rơi vào tư biện, không “coi khinh lý luận”, không “lý luận suông”. Bệnh sách vở thật ra là bệnh ở những người “đọc sách mà không hiểu sách”, thành con mọt sách đọc quá ít sách nên tri thức hạn hẹp, hời hợt, không có khả năng phân tích, phê phán để vận dụng cho đúng. Để chống bệnh sách vở mà thực chất là chống giáo điều thì không phải máy móc phê phán sách, coi thường sách, vứt bỏ sách mà trái lại phải quý trọng sách vở, đọc nhiều sách hơn, tích lũy nhiều trí thức hơn, “không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản”, “không làm giàu tri thức của mình bằng tất cả kho tàng tri thức nhân loại, thì chủ nghĩa cộng sản chỉ dừng lại là nguyện vọng mà thôi” .
Điều quan trọng là đọc sách, tiếp thu tri thức sách vở bằng phương pháp khoa học, có mục đích đúng khi đọc sách, tránh bệnh hình thức, phô trương, “đọc dăm ba quyển sách, biết được dăm ba điều để khoe khoang, để loè thiên hạ”. Không để sách vở che lấp cuộc sống, rơi vào chủ quan, tư biện, thoát ly thực tiễn.
Thứ ba, phải có tinh thần dân chủ, khiêm tốn, thực sự cầu thị, rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên cả về tri thức (học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ), về tình cảm và đạo đức cách mạng, bồi dưỡng niềm tin khoa học, kỹ năng thực hành và văn hóa giao tiếp ứng xử. Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, phải ra sức “phê bình và sửa chữa” bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và thói ba hoa được nêu trong “Sửa đổi lối làm việc” . Thói “coi khinh lý luận” lại “coi khinh dân vận” mà cán bộ đảng viên mắc phải là do cái bệnh này gây ra, phải ra sức sửa chữa. Biết lắng nghe, biết thảo luận, tranh luận, biết phân biệt đúng - sai, thật - giả, xấu - tốt, biết học hỏi từ trong sách vở nhà trường đến cuộc sống, học dân, hỏi dân, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, nêu cao đức trung thực trong tự phê bình và phê bình, tự học, tự đào tạo suốt đời… Đó là những phẩm chất cần có của những người giác ngộ, những người cộng sản có trí tuệ, khác với người cộng sản tuy nhiệt thành nhưng thiếu hiểu biết, không đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của tình hình, nhiệm vụ mới. Lênin đã từng cảnh báo “nhiệt tình mà không có hiểu biết, rốt cuộc có thể dẫn đến phá hoại một cách vô ý thức”. Lênin cũng đòi hỏi học “Học nữa, học mãi” và Hồ Chí Minh nhấn mạnh “đường đời là một chiếc thang không có nước chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng tinh thần cống hiến, để thực hiện khát vọng phát triển bằng ý chí và hành động sáng tạo thực sự có hiệu quả thì phải tiếp tục đề cao, coi trọng “đổi mới tư duy”. Phải đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý và quản trị sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra của thời đại đang bùng nổ thông tin, xã hội đang chuyển đổi mạnh mẽ sang “xã hội số”, “kinh tế số”, “chính phủ điện tử”, “trí tuệ nhân tạo”, “thế giới phẳng” và “công dân toàn cầu” ... với không ít điều mới lạ, tác động tới tâm lý, ý thức, lối sống, lựa chọn giá trị mới…Xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống, đang vươn tới vừa đòi hỏi phải khắc phục căn bản lối tư duy giáo điều, trì trệ, bảo thủ… lại vừa tạo ra tiền đề, điều kiện và môi trường để thanh toán giáo điều, định hình cả trình độ, phương pháp và phong cách của tư duy hiện đại. Khi Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành nước công nghiệp hiện đại thì môi trường xã hội ấy, cái cốt vật chất kỹ thuật - công nghệ hiện đại ấy sẽ dọn sạch mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng giáo điều, kinh nghiệm, siêu hình, biệt phái như đã nói.
Thứ năm, phải đổi mới thật sự triệt để, toàn diện, đồng bộ mọi lĩnh vực công tác và hoạt động của ngành Tuyên giáo, giáo dục và văn hóa, thông tin truyền thông.
Đây là lĩnh vực cần có những cải biến cách mạng sâu sắc, mang tầm vóc một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ý thức, tinh thần. Từ quan niệm đến nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo - tuyên truyền đến phong cách, đến đội ngũ cán bộ, đào tạo chuyên gia, tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân. Hồ Chí Minh là bậc thầy trong lĩnh vực này mà ta cần học tập, làm theo. Càng không thể quên lời cảnh báo phê phán nghiêm khắc của Lênin về công tác này. Ông nói tới tác hại của giáo điều, sự xuyên tạc làm mất tín nhiệm của chủ nghĩa Mác cần phải thanh toán. Trong việc gây ra tội ác này, “những người Mác xít có môn bài” phải chịu phần trách nhiệm và ra sức sửa chữa./.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo/TG
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn