Những thành tựu dưới sự lãnh đạo của Ðảng trong hơn 94 năm qua đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, gần đây trên không gian mạng, các thế lực thù địch không ngừng nêu những quan điểm để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng ta, đòi đa nguyên, đa đảng... Ðó là quan điểm sai trái, thù địch muốn phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cần đấu tranh phản bác để đảm bảo sự lãnh đạo duy nhất của Ðảng ta trên con đường đã lựa chọn.
Ðấu tranh phản bác
Thứ nhất, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Ðông Âu là xuất phát từ việc đa nguyên, đa đảng.
Thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu dưới sự lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của một đảng trong hơn 70 năm ra đời, xây dựng và phát triển là luận cứ sâu sắc nhất cả về lý luận và thực tiễn, những thành tựu đó đã được toàn nhân loại thừa nhận. Nhất là những thành tựu phát triển ở trình độ tiên tiến đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, giáo dục, quốc phòng, an ninh... trong suốt hơn nửa thế kỷ từ năm 1945 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu rơi vào khủng hoảng, sụp đổ là do một số nguyên nhân như: phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời nền tảng tư tưởng của Ðảng; coi nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ; xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước Nhân dân, không được Nhân dân đồng tình ủng hộ; không xác định đúng đắn sự lãnh đạo của Ðảng, buông lơi sự lãnh đạo của Ðảng và công tác xây dựng Ðảng dẫn đến hàng ngàn tổ chức đảng yếu kém rơi vào hỗn loạn chính trị - tư tưởng, từ đó các phần tử cơ hội chính trị khuyến khích thành lập các đảng phái, đa đảng đối lập, đây là nguyên nhân cơ bản của sự sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu.
Thứ hai, dân chủ không phụ thuộc vào nhất nguyên hay đa nguyên.
Thực tế đã chứng minh rằng, dân chủ không hề phụ thuộc vào nhất nguyên hay đa nguyên, mà phụ thuộc trước hết vào bản chất của chế độ kinh tế, xã hội. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa sự phân hoá hai cực giàu - nghèo ngày càng trầm trọng, dân chủ chỉ là quyền của người dân lựa chọn đảng nào, lực lượng nào sẽ bóc lột, nô dịch họ mà thôi. Ở Việt Nam, Ðảng Cộng sản lãnh đạo xây dựng các cơ chế, thiết chế, chủ trương, chính sách, hiến pháp và pháp luật... phù hợp với công ước của Liên Hợp quốc và các cam kết quốc tế. Qua đó không ngừng phát huy sự tham gia của người dân vào các công việc của Nhà nước và xã hội để dần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý xã hội, đồng thời, Ðảng tự đặt quyền lãnh đạo của mình trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ðó là dân chủ.
Thứ ba, Ðảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền là sự lựa chọn của lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và của dân tộc Việt Nam.
Ðảng ta đã lãnh đạo toàn thể Nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thắng lợi hoàn toàn, cả nước cùng đi lên CNXH. Ðiều đó, khẳng định: chỉ có Ðảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử lựa chọn để lãnh đạo Nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam trên những chặng đường tiếp theo của sự nghiệp cách mạng.
Thứ tư, chính trị luôn chiếm vị trí hàng đầu so với kinh tế là một nguyên tắc.
Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, suy cho cùng thì kinh tế là yếu tố cũng quyết định so với chính trị, nhưng sự quyết định đó không bao giờ là thường xuyên và trực tiếp. Từ việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam mà cho rằng nên đa nguyên, đa đảng là không đúng, không có căn cứ khoa học, là sự suy diễn hình thức, giáo điều, là sự bịa đặt trắng trợn với âm mưu muốn chống phá và lật đổ sự lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Ðảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Thứ năm, đa nguyên, đa đảng không phải là điều kiện để hội nhập quốc tế.
Hơn 94 năm dưới sự lãnh đạo duy nhất của mình, trong đó có gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn, đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nhất nguyên chính trị, một đảng lãnh đạo, cầm quyền là sản phẩm khách quan của đời sống chính trị - xã hội Việt Nam, trong suốt quá trình lịch sử từ khi Ðảng ra đời đến nay đã thể hiện điều đó, không một cá nhân hay tổ chức nào có thể quyết định được.
Kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Ðảng, và được kiểm nghiệm qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở Việt Nam hơn 94 năm qua. Vì:
Một là, giá trị của học thuyết Mác - Lênin với các dân tộc bị áp bức và toàn thể nhân loại.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự kết tinh các giá trị văn minh, trí tuệ của nhân loại, là sản phẩm ra đời từ thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và là vũ khí tinh thần cho giai cấp công nhân đấu tranh giành thắng lợi.
Học thuyết Mác - Lênin xuất phát từ con người và cũng nhằm mục đích giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột và nô dịch thực dân, đế quốc. Khác với các học thuyết khác, học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ đưa ra lý thuyết luận giải về sự cùng khổ của con người dưới chế độ tư bản chủ nghĩa mà học thuyết còn chỉ ra nguồn gốc của sự đau khổ, đồng thời chỉ cho chúng ta phương pháp để đấu tranh giành lấy sự tự do. Ðể giải phóng con người khỏi áp bức bất công, trước hết phải giải phóng giai cấp công nhân. Và thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa nhân văn vì con người của học thuyết Mác - Lênin. Ra đi tìm đường cứu nước và đến với học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh là người thấm nhuần những luận điểm đó. Người đã vận dụng và phát triển, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và đã dẫn dắt dân tộc ta khỏi kiếp nô lệ lầm than.
Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Ðảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi [1]”.
Do đó, để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Ðảng và pháp luật của Nhà nước thì mọi cán bộ, đảng viên phải nắm vững kiến thức cơ bản về nền tảng tư tưởng của Ðảng để có luận cứ đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch chống Ðảng, chống chế độ XHCN ở Việt Nam; nhận thức được và đúng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động để có phương pháp, cách thức đấu tranh thích hợp.
Phải khẳng định nguyên tắc tập trung dân chủ phải là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Ðảng.
Sức mạnh của Ðảng là được tổ chức chặt chẽ, là sự thống nhất ý chí và hành động, là sự đoàn kết thống nhất của đội ngũ đảng viên. Ðảng muốn có được sức mạnh thì phải thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cá nhân phục tùng nguyên tắc của tổ chức.
Tăng cường công tác đối ngoại.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi; tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn trên thế giới... Nâng tầm đường lối đối ngoại của Ðảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân để nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới với tinh thần: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Dựa vào Nhân dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam đã chứng minh “Quan nhất thời, dân vạn đại” hay “Chở thuyền, lật thuyền đều là dân”. “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”. Từ khi có Ðảng, nguồn gốc sức mạnh có được của Ðảng là từ Nhân dân, từ khối đại đoàn kết toàn dân. Ðảng ra đời với việc đề ra đường lối chính trị đúng đắn, được Nhân dân tin tưởng đi theo. Chính lực lượng hào hùng của Nhân dân đã làm nên những thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng hơn 94 năm qua. Ðiều đó cho thấy, chỉ có đường lối đúng đắn, đáp ứng được lợi ích của Nhân dân, Ðảng ta mới được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Và sức mạnh của Ðảng có được “là mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, cũng như sức mạnh của Nhân dân bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng và chỉ dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðó là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng Cộng sản, và là quy luật vận động và phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa [2]”. Nếu từ bỏ quy luật đó cũng có nghĩa là chúng ta từ bỏ mục tiêu và con đường đã lựa chọn, con đường mà toàn Ðảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam ta đã dày công xây dựng, con đường của lòng tự hào, của niềm tin và khát vọng của toàn Ðảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập.
[1] Ðảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.88
[2] GS-TS Nguyễn Phú Trọng (2005): Ðảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, tr. 314-315.
Châu Hồng Nhiên Theo CMO (https://doanthanhnien.vn/)
Tác giả: Diepkinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn