Thông tin đối ngoại và bảo vệ quyền con người: Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”

Chủ nhật - 24/11/2024 22:33
​​​​​​​Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, công tác truyền thông, thông tin đối ngoại cần phải có sự điều chỉnh nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế và đáp ứng tình hình mới. Trong bối cảnh đó, Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện tinh thần mới, quan điểm mới của Đảng ta về công tác thông tin đối ngoại, cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người.

 

Cơ sở lý luận - kim chỉ nam

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về quyền con người ở bình diện toàn cầu. Trong đó, công tác tuyên truyền về quyền con người luôn được coi trọng và xác định là một nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở Việt Nam.

Một loạt các văn bản liên quan đến công tác quyền con người ra đời như Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 2-12-2004 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”. Đặc biệt, Ban Bí thư ra Thông báo kết luận số 46-TB/TW ngày 6-2-2018 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, trong đó nhấn mạnh cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta.

Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 35-NQ/TW “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Công tác này ngày càng được triển khai bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới sáng tạo cả về nội dung, hình thức, phương thức thể hiện, phát huy tốt vai trò dẫn dắt thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là trên in-tơ-nét và mạng xã hội, lan tỏa kịp thời chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, những thông tin tích cực, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực; những cách làm hay, gương người tốt việc tốt tới đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 1079, ban hành ngày 14-9-2022) xác định, công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Đề án khẳng định truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: Phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Đồng thời, cần ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta.

Đặc biệt, gần đây nhất, Kết luận số 57-KL/TW ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới nhấn mạnh cụ thể đến thông tin đối ngoại về quyền con người. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW với mục tiêu gắn kết chặt chẽ, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước với đối ngoại nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng thời động viên sự tham gia tích cực của nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Thông tin đối ngoại cần đi trước, có tính dự báo cao; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”…

Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, công tác truyền thông, thông tin đối ngoại cần có sự thay đổi nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế và đáp ứng tình hình mới. Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện tinh thần mới, quan điểm mới của Đảng ta về công tác thông tin đối ngoại cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người.

Triển khai đồng bộ - thành tựu nổi bật

Công tác thông tin đối ngoại về đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng vai trò đầu tàu trong việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.

Ban Tuyên giáo Trung ương là một trong những mũi tiên phong trong việc định hướng tư tưởng, chỉ đạo các cơ quan báo chí và truyền thông tập trung vào việc phản bác các thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để xây dựng chiến lược phản bác các báo cáo quốc tế không chính xác, giúp dư luận quốc tế hiểu rõ hơn về các chính sách nhân quyền của Việt Nam. Các hoạt động này đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong và ngoài nước về tầm quan trọng của quyền con người gắn với ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Thành công trong công tác thông tin đối ngoại không thể không kể tới vai trò của các Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ trong chủ động nghiên cứu, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức công tác tuyên truyền về vấn đề nhân quyền thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, xuất bản báo chí.... Văn phòng Thường trực mỗi năm xuất bản 12 số Tạp chí Nhân quyền với hơn 200 bài viết chuyên sâu đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về nhân quyền; xuất bản sách “Hỏi đáp về quyền con người”, cùng nhiều tài liệu khác để truyền tải tiếng nói về nhân quyền của Việt Nam. Phối hợp xây dựng và phát sóng nhiều phóng sự, phim ngắn, tin, bài về nhân quyền trên các đài phát thanh và truyền hình nhằm tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Là cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương, Ban Chỉ đạo nhân quyền, thời gian qua, Bộ Ngoại giao luôn phối hợp chặt chẽ cùng các ban, bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác thông tin đối ngoại nói chung, và trong thông tin, tuyên truyền về quyền con người tại Việt Nam nói riêng. Bộ Ngoại giao tích cực lồng ghép, quảng bá thành tựu về bảo đảm nhân quyền của Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao, các cuộc tiếp xúc đối ngoại; phát huy kênh đối thoại song phương về nhân quyền; luôn coi trọng công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong nước và quốc tế, qua đó tích cực đấu tranh, phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại về bảo vệ và phát huy quyền con người, cũng như đấu tranh với các luận điệu sai trái về nhân quyền tại Việt Nam. Với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14-9-2022 phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028, giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các bộ, ngành kế hoạch thực hiện Đề án, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người của Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều bước chuyển biến.

Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý thông tin trên không gian mạng, ngăn chặn hiệu quả những thông tin xuyên tạc, độc hại nhằm chống phá Đảng và Nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thông tin, báo chí, tự do ngôn luận, tự do in-tơ-nét; đề nghị các tập đoàn Google, Facebook hợp tác trong việc ngăn chặn các thông tin xấu, độc trên mạng Internet, không thể phát tán các luồng thông tin vu cáo, xuyên tạc chống Việt Nam về nhân quyền.

Tại các địa phương công tác thông tin đối ngoại cũng được triển khai mạnh mẽ, tập trung nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc. Một số địa phương đã tổ chức các diễn đàn quốc tế, giao lưu văn hóa nhằm giới thiệu các chính sách nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quyền con người của các bộ, cơ quan Trung ương đến địa phương cũng gặp phải một số những khó khăn, thách thức. Nổi bật trong các khía cạnh như: Các thế lực thù địch vận dụng công nghệ tuyên truyền, chống phá trên môi trường không gian mạng, truyền thông hiện đại; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, bộ, ngành dẫn đến các giải pháp còn chồng chéo; các phương thức truyền tải chưa phong phú, đôi khi thông tin mang tính một chiều, theo lối mòn; nguồn lực cho công tác thông tin tuyên truyền nói chung và cho công tác truyền thông quyền con người nói riêng còn hạn chế…

Từ tư duy “cách làm mới” đến giải pháp

Để đẩy mạnh công tác truyền thông đối ngoại trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở thực trạng công tác thông tin đối ngoại nói chung và trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người nói riêng, cần phải có “cách làm mới” với những chính sách cụ thể và linh hoạt trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay.

Cụ thể, thứ nhất, cần xác định việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại, trong đó có lĩnh vực quyền con người, là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Theo đó, cần tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và đổi mới tư duy, cách làm ở tất cả các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị và đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý nói chung; rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, các quy chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và quy định của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.

Thứ ba, chiến lược truyền thông đối ngoại về quyền con người cần tập trung vào các lĩnh vực đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, quyền tiếp cận giáo dục và y tế... Quyền con người là một khái niệm rộng lớn, vì vậy việc tập trung quảng bá, lan toả các thành tựu trong lĩnh vực quyền con người vào các lĩnh vực cụ thể là rất quan trọng.

Thứ tư, thực hiện công tác thông tin đối ngoại về quyền con người hướng vào việc đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số (trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến, hoặc sử dụng công nghệ thực tế ảo…). Đồng thời, đổi mới cách làm thông tin đối ngoại theo hướng đo được hiệu quả; phát triển truyền thông đa kênh (kênh báo chí truyền thông, kênh truyền thông số, các nền tảng mạng xã hội…) và hiện đại trong lĩnh vực đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam là một giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền con người, đồng thời phản bác các thông tin sai lệch.

Thứ sáu, công tác thông tin đối ngoại trong lĩnh vực bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người cần có mức đầu tư xứng đáng, đồng bộ cả về con người, cơ sở vật chất lẫn tài chính. Để đạt được hiệu quả thông tin đối ngoại trong lĩnh vực quyền con người, cần những người làm truyền thông đối ngoại có phẩm chất đạo đức, chuyên môn, trình độ, am hiểu về truyền thông và lĩnh vực quyền con người ở trong nước và ngoài nước; cần những trang thiết bị hiện đại, bắt kịp với xu hướng công nghệ quốc tế; cần có nguồn ngân sách thích hợp để việc truyền thông có thể diễn ra liên tục hằng ngày, hàng giờ, không phải chỉ trong từng thời điểm, từng vụ việc cụ thể.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam là một chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.

Công tác thông tin đối ngoại, trong đó có công tác thông tin đối ngoại trong lĩnh vực đấu tranh và bảo vệ quyền con người bên cạnh những thuận lợi, sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn. Do đó, công tác thông tin đối ngoại trong lĩnh vực đấu tranh, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung hơn nữa vào triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực thông tin đối ngoại nói chung, bảo vệ quyền con người nói riêng; đồng thời chú trọng sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại để tạo dựng hình ảnh tích cực về quyền con người trong nước.

ThS. Nguyễn Trường Sơn, Theo XDĐ

 

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây