Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thế hệ trẻ được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, thế hệ trẻ Việt Nam luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta “sớm sánh vai với các cường quốc năm châu”. Theo suốt chiều dài lịch sử, nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác là những người trẻ tuổi.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển đất nước hiện nay, thế hệ trẻ vẫn khẳng định là lực lượng hăng hái trong thực hiện cá các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới; luôn chủ động sáng tạo, cống hiến, đem sức trẻ và trí tuệ của mình làm rạng danh nước nhà. Song bên cạnh đó, ở nơi này nơi kia vẫn còn những người trẻ sống thờ ơ, vô tâm, ích kỷ, có tư duy, thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”, đôi khi họ đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết, quên đi vai trò đối với cộng đồng, xã hội, gia đình và những người xung quanh.
Phải chăng họ sợ trách nhiệm? Và đây liệu có phải là một “căn bệnh” hay không? Để phần nào gợi mở việc giải đáp những câu hỏi trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm?”.
Ý tưởng hình thành cuốn sách được bắt nguồn từ bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1973, khi Tổng Bí thư là một biên tập viên trẻ của Tạp chí. Nội dung cuốn sách tập hợp bài viết của các tác giả là những người đã và đang công tác tại các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, doanh nghiệp…
Các tác giả cùng trao đổi, chia sẻ quan điểm, suy nghĩ, trăn trở, thể hiện niềm tin, sự khẳng định đối với vai trò của người trẻ trong công việc và cuộc sống hiện nay; đưa ra những góc nhìn, đánh giá đúng đắn, khách quan về thế hệ trẻ và lý do tại sao cần trao cho họ những cơ hội, chính sách ưu tiên để phát triển. Đặc biệt, ý nghĩa xuyên suốt cuốn sách mà tập thể tác giả muốn gửi gắm là sự động viên, khích lệ thế hệ trẻ cần nuôi dưỡng, giữ gìn “vốn quý” của tuổi trẻ, không ngừng phát triển và sáng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa nhằm bảo đảm một tương lai thành công, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong đó, có một số bài tiêu biểu như: bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1973; “Vấn đề thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh” của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; “Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng đối với thanh niên trong tình hình mới” của PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; “Trách nhiệm của đội ngũ công chức trẻ trong giai đoạn hiện nay” của PSG.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; "Học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số rèn đức, luyện tài, phấn đấu vươn lên đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, dân tộc" của đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; “Làm thế nào để đội ngũ trí thức trẻ phát huy được trách nhiệm, hoàn thành tốt vai trò lịch sử của mình?” của GS.TS Phùng Hữu Phú...
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, được xây dựng trên cơ sở ý tưởng bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” in trên Tạp chí Cộng sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí còn là một biên tập viên dồi dào sức trẻ, khát vọng cống hiến và bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm?” là những chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về thế hệ trẻ của các tác giả đã và đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, với điểm chung là luôn quan tâm, gắn bó, đồng hành cùng lực lượng này. “Những phân tích chắt lọc và niềm tin dành cho những người chủ tương lai của đất nước thể hiện qua mỗi bài viết sẽ là thông điệp giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần cống hiến cho Tổ quốc trong thế hệ trẻ, thôi thúc họ phát huy vốn quý về nhiệt huyết cống hiến, bản lĩnh dám đổi mới sáng tạo, làm chủ, từ đó mạnh dạn thực hiện quyết tâm, ước mơ, hoài bão của bản thân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển” - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn