Hạnh phúc của dân là động lực đầu tiên và mục đích cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Khi chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, dân chúng lầm than, chịu sự áp bức, bóc lột dã man của thực dân, phong kiến, đã thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, tìm đường giải phóng cho dân tộc mình. Đến khi cách mạng thành công, giành được chính quyền, Bác bộc bạch với quốc dân, đồng bào rằng: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(2).
Hồ Chí Minh luôn tâm niệm rằng, làm cách mạng là để lo cho dân, để giải phóng cho dân khỏi áp bức, bóc lột, làm cho dân được hưởng tự do, hạnh phúc, chứ không phải là để làm quan, để lo vun vén cho lợi ích riêng. Chính vì thế Người yêu cầu: "Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của Nhân dân, không phải là vua là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ Nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của Nhân dân"(3). "Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi"(4). "Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo... Ngay cả đến tương cà, mắm, muối của dân, Đảng phải lo"(5). Bác khẳng định: "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ"(5). Bác còn căn dặn cán bộ: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(6).
Có thể nói, cả đời Bác sâu nặng nhất là hai chữ "Vì Dân". Bác thấu hiểu nỗi khổ của dân, gần gũi dân, thương dân, quý dân hơn cả bản thân mình. Bác nâng niu, yêu quý từng em bé, quan tâm từng cụ già, yêu thương từng người nghèo khổ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn tranh thủ thời gian đến với dân, thăm dân ăn ở ra sao, sinh hoạt, chăm lo sản xuất như thế nào... Chúng ta còn nhớ câu chuyện đêm 30 Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã đến thăm gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết", ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết. Đêm 30 Tết năm 1960, Bác lại đến thăm nhà chị Tín, thấy cảnh chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động đánh rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác: Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm... Chỉ nói được vậy, chị đã òa lên khóc nức nở. Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị: Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai... Và chúng ta còn nhớ hình ảnh Bác cùng gặt lúa, tát nước với nông dân; hình ảnh ông Ké gần gũi với bà con vùng Tây Bắc; hình ảnh Bác ăn không ngon, ngủ không yên vì miền Nam chưa được giải phóng... Đến những ngày cuối đời, nằm hôn mê trên giường bệnh, nhưng khi tỉnh dậy câu đầu tiên Bác hỏi là: nước Sông Hồng đã rút chưa? Chuẩn bị ngày khai giảng năm học mới cho các cháu đến đâu rồi? Quốc khánh năm nay có bắn pháo hoa cho đồng bào vui không?... Trước lúc về với thế giới người hiền, trong Di chúc Bác còn căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân". Cuộc đời Bác nâng niu tất cả chỉ quên mình, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”.
Năm nay, sinh nhật lần thứ 133 của Bác và kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ công lao trời biển của Người, quyết tâm học tập và làm theo Di chúc, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Trước mắt chúng ta ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của năm, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra… đó chính là món quà có ý nghĩa thiết thực nhất mà chúng ta kính dâng lên Bác.
Hồng Thái - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
-------------
(1) - Trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 1/1946, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.161
(2)- Trong một buổi nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30/5/1946).
(3) - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.426.
(4) - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.260.
(5) - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.238.
(6) - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, NXB Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.86-87.
(7)- Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng vào tháng 10/1945.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn