Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua bao thăng trầm, với các tình huống phức tạp phải giải quyết. Người đã gặp gỡ, tiếp xúc từ đồng bào trong nước đến bạn bè quốc tế, từ những lãnh tụ hàng đầu của cách mạng thế giới đến những tên thực dân cáo già quỷ quyệt, tùy theo đối tượng và hoàn cảnh mà Người có cách ứng xử phù hợp. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành, vừa ân cần tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong phong cách ứng xử, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Hằng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Nét chung tạo nên tính nhất quán trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh chính là sự chân thành, giản dị, cách ứng xử tự nhiên, ân cần, chu đáo với mọi đối tượng mà Người giao tiếp. Sự ân cần, niềm nở, chu đáo đó xuất phát từ một cái tâm trong sáng và tấm lòng rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất cứ ai được gặp Người đều có ấn tượng và cảm giác gần gũi, thân tình.
Chỉ cần một lời chào chân tình, một nụ cười niềm nở, một cử chỉ vượt ngoài quy cách thông thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ mọi cách biệt về chức vụ, địa vị, giữa cấp trên cấp dưới, giữa lãnh tụ với nhân dân; đem đến cho mọi người ý thức về sự bình đẳng hoàn toàn giữa những con người tự do và dân chủ trên cơ sở tôn trọng giá trị nhân phẩm con người.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết: Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không giới hạn ở một đối tượng cụ thể, một tầng lớp, thành phần nào trong xã hội. Từ các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, các chiến sĩ ngoài mặt trận, các đoàn dân công…tất cả đều nhận được tình cảm ấm áp và sự quan tâm chu đáo của Người.
Mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng Người chưa bao giờ quên chia quà cho các cháu thiếu nhi mỗi tết trung thu, nhắc nhở chống rét cho các cụ già, em nhỏ khi có gió mùa đông bắc. Tình yêu thương đó được thể hiện qua sự quan tâm đến từng nhu cầu thiết yếu nhất, đơn giản nhất của con người. Mỗi lần có dịp đến thăm các cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, Người không cho báo trước. Khi xuống, Người thường đi xem nơi ăn, chốn ở rồi mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Chính vì vậy mà phong cách ứng xử của Người đã tạo nên sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và công tác.
Với hoài bão lớn và bản lĩnh kiên định thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động, Người đã có một cuộc hành trình vạn dặm, đi qua các nước ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ Latinh, làm rất nhiều nghề khác nhau, tham gia thành lập và hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị - xã hội, làm quen với các nhà văn hóa, các nhà hoạt động chính trị với quyết tâm tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Vượt qua bao thử thách sống còn, phải đối diện với những hoàn cảnh gắn với vận mệnh của dân tộc, với phong cách ứng xử bản lĩnh, trí tuệ có một không hai, Người đã vượt qua và đẩy lùi mọi đòn tiến công hiểm độc của kẻ thù làm cho tất cả đối phương từng tiếp xúc với Người đều khâm phục và kính trọng.
Còn nhớ, năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được bức điện của Đô đốc D’ Argenlieu xin gặp Người trong cảng, mục đích của chúng là diễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Người. Trong bộ quần áo giản dị, Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. D’ Argenlieu mời Người giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa Chủ tịch, ngài đang bị khung lại giữa lục quân và hải quân đó”. Ông ta cố nói theo kiểu nhát gừng, từng tiếng một và nhấn mạnh chỗ “đang bị đóng khung lại”. Cả bọn sĩ quan Pháp cùng cười ồ khoái chí vì cái tài “chơi chữ” của chỉ huy. Nhưng Bác Hồ thản nhiên cười, trả lời: “Nhưng như ngài biết đó, thưa Đô đốc, chính bức họa mới làm cho khung có chút giá trị”. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Bác, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục Người. Đây cũng chính là phong cách ứng xử bản lĩnh đầy trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1).
Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có phong cách ứng xử của Người vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc. Học tập phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng cách ứng xử có văn hóa với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em, xuất phát từ thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người để có sự ứng xử tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình.
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc, hướng mọi người đến với cuộc sống chân, thiện, mỹ. Giá trị văn hoá ứng xử Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, là hành trang quý giá để Đảng và Nhà nước ta vận dụng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Hà Thảo
(Nguồn: dangcongsan.vn) - VL
----------
(1) Những câu chuyện thành bài học lịch sử. NXB Văn hóa thông tin.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn