Một cách tiếp cận công tác tuyên giáo từ góc nhìn văn hoá

Chủ nhật - 09/04/2017 22:29
Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn đề cao vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng xã hội mới. V.I Lênin đã nhấn mạnh một quan điểm nổi tiếng trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga: Nước Nga đã đạt nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế; chỉ còn thiếu những thành tựu văn hóa mà nếu có thì mới có chủ nghĩa xã hội. Trong cách mạng Việt Nam, ngay từ đầu và trong suốt quá trình phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa, coi đó là động lực của cách mạng và là một trong những mục tiêu lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tư duy văn hóa đó ngày một thấm sâu vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng và hoàn thiện đường lối cách mạng của Đảng trước kia cũng như hiện nay. Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới. Đó là quá trình lãnh đạo trực tiếp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cụ thể về chính sách văn hóa, hoạt động văn hóa, vừa là những giá trị trí tuệ và nhân văn thấm sâu và làm cơ sở có ý nghĩa nền tảng cho tất cả các lĩnh vực khác. Vì thế “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã từng chỉ rõ. Công tác tuyên giáo không nằm ngoài dòng chảy lịch sử và văn hóa đó. Đến lượt mình, cán bộ tuyên giáo của Đảng và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đều phải đặt trên nền tảng của văn hóa, đó là khoa học, là tư tưởng nhân văn, phải đi tiên phong, phải có tâm và có tầm nghệ thuật tác động vào nhận thức của con người. Do đó, việc từng bước nghiên cứu, tiếp cận công tác tuyên giáo từ góc nhìn văn hóa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực. Có thể mạnh dạn nên có tính chất nghiên cứu chấm phá ban đầu như sau:

1. Văn hóa của công tác tuyên giáo - văn hóa chính trị
Văn hóa là những giá trị nhân văn tốt đẹp trong hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần, nói tóm tắt là hoạt động sống của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là văn hóa không đứng ngoài kinh tế và chính trị mà được nảy sinh từ cuộc sống lao động. Như vậy, văn hóa không trừu tượng mà nằm trong hoạt động có ý thức của con người. Ý thức đó biểu hiện nhận thức và đạo đức của con người hành động. Từ những nhận thức rộng nhất và chung nhất về phạm trù văn hóa, cần và có thể tiếp tục mở rộng, đi sâu vào nội hàm các khái niệm văn hóa chính trị, văn hóa tuyên giáo.
Trước hết cần góp phần làm rõ cấp độ và đặc trưng của chính trị và văn hóa chính trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra, chính trị là mối quan hệ giai cấp, biểu hiện qua tổ chức và hoạt động của nhà nước đối với xã hội và dân tộc. Chính trị gồm cả lý luận và thực tiễn. Lý luận chính trị là nhận thức, là học thuyết về đấu tranh xã hội, là quan điểm và đường lối cách mạng. Thực tiễn chính trị lớn nhất là tổ chức và hoạt động của các đảng chính trị. Lý luận chính trị của Đảng ta là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tế chính trị của Đảng ta là cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội và đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Văn hóa chính trị là nền tảng của toàn bộ tổ chức xã hội hoạt động của Đảng ta, của Nhà nước ta cũng như cả hệ thống chính trị. Văn hóa chính trị cốt lõi của Đảng ta là nhận thức lý luận Mác-Lênin và tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Văn hóa đó còn là phẩm chất đạo đức, phong cách và tư cách của cán bộ, đảng viên ta trong sự nghiệp cách mạng và đổi mới
Văn hóa chính trị không chỉ là ý thức của công dân đối với nhà nước mà trước hết là sự biểu hiện tập trung quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước cùng với đội ngũ cán bộ và công chức có tài có đức.
Nói đến công tác tuyên giáo là bao hàm toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng. Đó là công tác tuyên truyền, công tác lý luận, công tác cổ động, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, động viên con người. Đó là hoạt động đặc trưng mang hàm lượng văn hóa có định hướng tích cực. Định hướng tích cực và tiến bộ đó thường gắn với chủ thể lãnh đạo và quản lý xã hội. Do đó hoạt động tuyên giáo mang tính xã hội và tính chính trị sâu sắc. Mang tính xã hội vì nó tác động đến số đông trong cộng đồng và mang tính chính trị vì nó tuân theo ý chí của giai cấp và Đảng lãnh đạo xã hội. Theo hướng tiếp cận đó, văn hóa của công tác tuyên giáo mang đặc thù của văn hóa chính trị.
2. Tiếp cận nội dung văn hóa của công tác tuyên giáo
Phạm trù tuyên giáo và công tác tuyên giáo hình thành trong quá trình xây dựng và hoạt động cách mạng của Đảng ta. Đảng ta, ngay từ đầu đã lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Và cũng ngay từ đầu đã thấm sâu tư tưởng Hồ Chí Minh cho nên hàm lượng văn hóa trong quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đã phản ánh và thể hiện tính khoa học ngày một được nâng cao. Hoạt động dưới sự soi đường của văn hóa và khoa học đó, nội dung văn hóa của công tác tuyên giáo rất phong phú và toàn diện. Xin đề cập một số nội dung cơ bản nhất.
Văn hóa giáo dục chính trị
Từ văn hóa chính trị đến văn hóa giáo dục chính trị là bước đi từ cái phổ biến đến cái đặc thù và đi từ bao quát đến cụ thể hơn. Trước hết cần nhận thức lại rằng, giáo dục chính trị vốn đã quan trọng, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay càng cấp thiết hơn nhiều. Mặt khác, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhiều mặt cao hơn trước. Do đó, giáo dục chính trị phải ở tầm văn hóa cao hơn. Giáo dục nhận thức về thời đại mới, về Đảng, về mục tiêu và con đường đổi mới phải đạt tầm trí tuệ khoa học sâu sắc, có sức thuyết phục từ những luận cứ đầy đủ, toàn diện. Chất lượng văn hóa giáo dục chính trị thể hiện trong sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, trong chương trình giáo dục phong phú và phù hợp, trong phương pháp giáo dục sáng tạo, trong đó có vai trò quan trọng của cán bộ cấp ủy, cán bộ tuyên giáo và đội ngũ giảng viên lý luận chính trị...
Văn hóa tuyên truyền chính trị
Đó là tổng hợp những hình thức, phương pháp phù hợp cho đối tượng mới ở trình độ mới trong thời đại bùng nổ thông tin và internet hiện nay. Tuyên truyền chính trị có vai trò to lớn từ các thời kỳ đấu tranh của Đảng, hiện nay càng trở nên cấp thiết khi chúng ta mở cửa và hội nhập. Tuyên truyền chính trị đứng trước thử thách mới, có mặt khó khăn phức tạp hơn cộng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Văn hóa tuyên truyền chính trị bao gồm ý chí tiến công thông tin, nắm chắc vũ khí công nghệ truyền thông, trong khi vẫn phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí chuyên nghiệp, của đội ngũ cán bộ tuyên truyền có trình độ mới, chuyên nghiệp hơn. Tuyên truyền đối ngoại đạt hiệu quả cao cùng với tuyên truyền nội bộ thể hiện tính văn hóa vững chắc trong hoạt động tuyên truyền chính trị hiện nay. Tính văn hóa biểu hiện trong chất lượng thông tin, thời điểm thông tin, nội dung thông tin có chọn lọc, sắc bén.
Văn hóa giáo dục khoa học
Công tác tuyên giáo góp phần thúc đẩy giáo dục khoa học và công nghệ ở hoạt động thường xuyên tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu và những vấn đề đặt ra nhằm thúc đẩy hoạt động có chất lượng trên lĩnh vực rộng lớn và quan trọng này. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ luôn đứng ở trung tâm các hoạt động tuyên truyền. Thực hiện có chất lượng các tác động tích cực này nằm trong văn hóa giáo dục khoa học, một lĩnh vực đang được quan tâm, song cũng đứng trước những yêu cầu và thử thách rất lớn. Chất lượng của văn hóa giáo dục khoa học phụ thuộc vào điều kiện và năng lực hoạt động của đông đảo cán bộ các ngành giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Ngành tuyên giáo của Đảng có chức năng tham mưu cho Trung ương và cấp ủy chỉ đạo hoạt động này. Bản thân ngành tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo cũng có nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục về khoa học.
Văn hóa-văn nghệ, tuyên giáo đặc thù
Văn hóa, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực hoạt động mang tính đặc thù của công tác tuyên giáo. Hoạt động văn hóa-văn nghệ có con đường riêng tác động vào nhận thức, tình cảm và tư tưởng của con người thông qua những quy luật riêng. Con đường tác động bằng hình tượng này như một dòng chảy nhẹ nhàng nhằm bồi bổ nhận thức và tư duy đạo đức của con người. Với ý nghĩa đó, hoạt động văn hóa-văn nghệ là hoạt động tuyên giáo, góp phần mạnh mẽ xây dựng con người từ thể hiện nay đến thể hiện khác. Cũng theo quan niệm này, đội ngũ cán bộ tuyên giáo theo nghĩa rộng và đầy đủ, sẽ rất đông đảo. Bản thân họ phải thấm đượm những giá trị văn hóa-kiến thức mới có thể sáng tạo được văn hóa-nghệ thuật và tham gia có chất lượng các hoạt động mang tính đặc thù này.
Văn hóa nghiệp vụ tuyên giáo
Vấn đề nghiệp vụ công tác tuyên giáo đã và đang được đặt ra ở tầm khoa học. Những vấn đề công nghệ của hoạt động tuyên giáo cần được tiếp cận có bài bản, có hệ thống, bắt nguồn từ phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh, từ kinh nghiệm của Đảng, từ đòi hỏi của chính đội ngũ chúng ta. Đội ngũ đó không chỉ hội tụ ở Trung ương mà ở các cấp địa phương tỉnh, huyện và cơ sở. Nội dung chính của văn hóa nghiệp vụ tuyên giáo bao gồm:
Một mặt, nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa trong tác nghiệp hoạt động tuyên giáo, mà điểm cốt lõi là con đường giáo dục thuyết phục chính là con đường làm cho tố chất văn hóa thấm sâu vào nhận thức và tư tưởng của đối tượng con người.
Mặt khác, tìm được những phương sách và dung lượng phù hợp cho mỗi loại đối tượng của công tác tuyên giáo trong giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống và trong định hướng nhận thức khoa học.
3. Văn hóa hóa đội ngũ cán bộ tuyên giáo
Văn hóa hóa đội ngũ lãnh đạo, chỉ đạo và thực hành công tác tuyên giáo vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ chủ yếu cấp thiết trước mắt. Nhiệm vụ này vừa xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, vừa xuất phát từ thực trạng trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng và đoàn thể các cấp.
Thuận lợi cơ bản của nhiệm vụ này bắt nguồn từ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giá trị soi đường của văn hóa, từ đường lối của Đảng trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; và từ những tổng kết lý luận gần đây về văn hóa lãnh đạo.
Khó khăn chủ yếu trong nhiệm vụ này là nhận thức còn khác nhau trong tiếp cận và vận dụng các giá trị văn hóa vào công tác cụ thể của mỗi cán bộ tuyên giáo cũng như mỗi cán bộ cấp ủy đảng.
Con đường cơ bản để nâng cao phẩm chất và năng lực văn hóa của mỗi cán bộ tuyên giáo, nói rộng ra là tất cả cán bộ cấp ủy và đảng viên, là con đường tự nhận thức, tự giác học tập để nâng cao. Yêu cầu này phù hợp với định hướng sáng tạo là xây dựng và phát triển Đảng ta là Đảng học tập. Đảng học tập chính là Đảng tiên phong trong xây dựng một xã hội học tập trên đất nước ta giai đoạn hiện nay. Đảng học tập là phạm trù vừa mang tính khoa học và mang tính cách mạng sâu sắc. Học tập để xây dựng và chỉnh đốn Đảng có chất lượng cao.
Ở góc độ cơ quan, cần có những chương trình phù hợp với thời gian và điều kiện ở cấp mình, giúp cán bộ tuyên giáo có hướng dẫn chủ đề, có tài liệu chọn lọc, trong đó những vấn đề nội dung và những vấn đề nghiệp vụ đều được chú ý thỏa đáng. Đây là quá trình vừa lâu dài vừa trước mắt, cần có những chuyển động kịp thời, đáp ứng nhu cầu tự thân của đội ngũ cán bộ tuyên giáo./.
 
TS. ĐỖ KHÁNH TẶNG (Tạp chí Tuyên giáo)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây