Trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước ra đời từ rất sớm và là sản phẩm của đấu tranh giai cấp. Về bản chất, nhà nước mang tính giai cấp, biểu hiện tập trung của ý chí và lợi ích của một giai cấp nhất định. “Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của một giai cấp này đối với giai cấp khác” (1). Khi đấu tranh giành và giữ chính quyền nhà nước, giai cấp xây dựng Đảng chính trị của mình để lãnh đạo và cầm quyền. Ở Mỹ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Các nước phương Tây khác cũng do các đảng tư sản cầm quyền. Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng và đã, đang cầm quyền ở một số nước. Các nhà nước ở các nước khác cũng đều do một đảng chính trị nắm quyền. Đảng chính trị cầm quyền ở các nước là vấn đề tất yếu và đều hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền.
Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX đã thành một nước thuộc địa nửa phong kiến và song song tồn tại chính quyền thuộc địa và chính quyền phong kiến. Đánh đổ sự thống trị của chế độ thực dân, phong kiến trở thành yêu cầu khách quan và là mục tiêu đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu bản chất kinh tế, chính trị và chính sách phản động của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Người lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân, đồng thời cũng tìm hiểu những giá trị văn minh, tiến bộ đã được tạo nên ở các nước tư bản, trong đó có tư tưởng về nhà nước pháp quyền. Nguyễn Ái Quốc trước hết đòi hỏi và yêu cầu Nhà nước Pháp phải cải cách nền pháp luật ở Đông Dương. Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm gửi tới hội nghị Versailles (Vécxây) ngày 18-6-1919 đã nêu rõ điều đó.
Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) và Người đã cùng với Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, xóa bỏ chính quyền thuộc địa, phong kiến xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Một trong những nội dung nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tư tưởng đó đã được nêu bật trong Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), trong các bài viết của Người ngay sau thành lập và hoạt động của Nhà nước cách mạng, trong Hiến pháp 1946. Nói đến Nhà nước pháp quyền ở một nước thuộc địa, theo Hồ Chí Minh, trước hết là xác lập quyền độc lập, tự do, xây dựng Nhà nước với những quyền dân tộc cơ bản. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã nhắc đến quyền con người của các cuộc cách mạng ở Mỹ và ở Pháp. Từ quyền con người đó, Hồ Chí Minh phát triển thành quyền của các dân tộc thuộc địa được sống trong độc lập, tự do. ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC là mục tiêu cao cả, thiêng liêng của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết phải có Hiến pháp và xây dựng hệ thống pháp luật. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Người nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,v.v..” (2).
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được bầu từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Quốc hội khóa I trong kỳ họp thứ hai ngày 9-11-1946 đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp đặt lên hàng đầu nguyên tắc tất cả mọi quyền bính thuộc về nhân dân. Nguyên tắc ấy phải được nhận thức và thể hiện trong từng chính sách và hoạt động của Nhà nước. Người cho rằng tất cả các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (3). Nhà nước pháp quyền trong quan niệm của Hồ Chí Minh không phải là để cai trị dân mà để phục vụ dân.
Nhà nước cách mạng Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã phải trải qua thời gian 30 năm lãnh đạo, tổ chức các cuộc kháng chiến chống xâm lược tàn bạo của các thế lực đế quốc, thực dân hùng mạnh nhất. Quy luật của chiến tranh đã chi phối nhiều mặt của hoạt động và tổ chức bộ máy Nhà nước, kể cả những thách thức sống còn. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, những vấn đề nhận thức và thực tiễn xây dựng, tổ chức hoạt động của Nhà nước pháp quyền đã gặp những trở ngại nhất định.
Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), nhất là trong công cuộc đổi mới, nhận thức về Nhà nước pháp quyền không ngừng phát triển. Đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng (12-1986) đề ra trong đó có đổi mới vai trò, phương thức quản lý, điều hành của Nhà nước, chú trọng quản lý đất nước, xã hội bằng pháp luật. Sau Đại hội VI đã sửa đổi Hiến pháp 1980. Sự ra đời của Hiến pháp 1992 là bước tiến quan trọng trong nhận thức về nhà nước pháp quyền, nhưng khái niệm Nhà nước pháp quyền chưa được đề cập trong Hiến pháp 1992.
Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII, họp từ ngày 20-1 đến ngày 25-1-1994, bước đầu tổng kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII (6-1991), Cương lĩnh của Đảng 1991 và Hiến pháp 1992, đề ra 8 nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện, trong đó có nhiệm vụ Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền chính thức được ghi trong văn kiện của Đảng.
Đó là: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng ta lãnh đạo” (4). Đảng nhấn mạnh vấn đề hàng đầu là phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là bản chất của Nhà nước. “Nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, chống tham ô, lãng phí, đặc quyền đặc lợi”. “Bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân đã ghi trong Hiến pháp như quyền sở hữu, quyền sử dụng tư liệu sản xuất, quyền tự do kinh doanh hợp pháp; quyền được tự do thảo luận, tranh luận, phát biểu các ý kiến nhằm xây dựng đất nước; quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng…” (5), cải tiến việc bầu cử, tuyển chọn dân chủ để lựa chọn những người có đức, có tài vào bộ máy Nhà nước. Thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là những vấn đề thiết yếu của Nhà nước pháp quyền.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (23-1-1995) xác định rõ những quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền:
“1. Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”.
“2. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
“3. Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
“4. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa”.
“5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước” (6).
Từ thực tiễn và yêu cầu của công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương và không ngừng phát triển quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tại các hội nghị Trung ương như Hội nghị lần thứ ba khóa VIII (6-1997), Hội nghị lần thứ tư khóa X (2-2007) tiếp tục làm rõ những vấn đề về Nhà nước pháp quyền, đồng thời đề ra những định hướng quan trọng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua (1-2011) đã khẳng định một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Thể chế hóa Cương lĩnh và quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở tiếp thu trí tuệ của toàn dân tộc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Bản Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Có thể nhấn mạnh một số điểm chủ yếu là:
Một là, xây dựng Nhà nước pháp quyền trước hết là xây dựng một nhà nước độc lập, có chủ quyền, khẳng định quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân. Trong Chương I: Chế độ chính trị, Điều 1 ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (7). “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2, Khoản 2, trang 8-9).
Hai là, Nhà nước bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3, trang 9). Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ Điều 14 đến Điều 49 đã quy định rõ và đầy đủ. Đây là nội dung mới và rõ hơn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14, Khoản 1, trang 14). Những nội dung quy định về quyền con người, quyền công dân thể hiện trong Hiến pháp là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với Công ước về quyền con người của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Ba là, Hiến pháp đã làm rõ hơn quan điểm và cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến chính quyền địa phương. Điều 2, Khoản 3 nêu rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (trang 9). Điều 69 nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (trang 32-33). Điều 70 quy định 15 điểm thuộc những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (trang 33-35) quy định nhiệm vụ của Chủ tịch nước, Chính phủ và Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương.
Bốn là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định tại Điều 4 của Hiến pháp. Điều 4 nêu rõ bản chất của Đảng, những yêu cầu đặt ra với Đảng để thực hiện vai trò lãnh đạo và cầm quyền.
“Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4, Khoản 1).
“Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4, Khoản 2).
“Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Khoản 3).
Trong điều kiện Nhà nước pháp quyền càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đảng quyết định chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước. Quyết định tổ chức bộ máy nhà nước và bố trí, phân công cán bộ. Kiểm tra hoạt động của nhà nước và lãnh đạo nhân dân, hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quản lý và giám sát hoạt động của nhà nước và cán bộ công chức.
Xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo Nhà nước và cầm quyền ở Việt Nam. Sự lãnh đạo, cầm quyền đó mang tính liên tục từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên 6-1-1946, Tổng tuyển cử thống nhất đất nước 25-4-1976 và các kỳ bầu cử Quốc hội sau này. Đó chính là sự tín nhiệm và ủy thác của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Đảng. Hiến định sự lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng trong Điều 4 Hiến pháp là sự khẳng định tính pháp lý từ một hiện thực lịch sử rõ ràng và bền vững. Mặt khác, đó cũng chính là đòi hỏi của nhân dân, đất nước để Đảng có đầy đủ trách nhiệm, năng lực, trí tuệ xứng đáng với vai trò lãnh đạo và cầm quyền./.
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn