Bởi ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh lợi ích kinh tế, giác ngộ giai cấp, thì nhân ái nghĩa tình lại càng là "chất keo" gắn bó người công nhân, lao động, người đoàn viên công đoàn với tổ chức của mình. Trả lời câu hỏi đặt ra là "Tổ chức công hội làm gì?", Bác viết: "Tổ chức công hội để công nhân đi lại cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là giúp cho quốc dân, giúp cho quốc tế". Bác còn giải thích thêm: "Đi lại không phải là bữa nay người A có giỗ chạp thì mời người B đến ăn; mai người B có cúng quảy lại mời người C đến uống rượu. Mà đi lại là bày vẽ cho nhau điều khôn lẽ phải, để giao hoán tri thức cho nhau.
Nghiên cứu là chẳng những sách vở, giở báo ra giảng, mà còn phải bàn bạc cách đấu tranh với tư bản và đế quốc chủ nghĩa. Sửa sang cách sinh hoạt như lập hiệp tác xã, mở hội học, hội chơi cho công nhân... Giữ gìn quyền lợi là khi hội đã có thế lực rồi thì đòi thêm tiền công, giảm bớt giờ làm... Giúp cho quốc dân và thế giới là đem lực lượng thợ thuyền cách mệnh làm cho ai cũng được bình đẳng, tự do như thợ thuyền Nga đã làm năm 1917".
"Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, ở, làm việc và bàn bạc với công nhân". Đó là phong cách cần có của cán bộ công đoàn mà mỗi lần nói chuyện với cán bộ công đoàn Bác đều nhắc nhở, căn dặn. Phong cách cần có này là Bác đã rút ra từ thực tế đào tạo, rèn luyện cán bộ cách mạng, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, trong đó có cán bộ công đoàn trong thời kỳ bí mật, trong kháng chiến và sau này. Bởi theo Bác: "Cán bộ công đoàn phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo phải dân chủ, phải cùng công nhân đồng cam cộng khổ, phải hòa mình với công nhân thành một khối, phải gương mẫu. Cán bộ công đoàn phải hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, lao động, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật... Nếu cán bộ không hiểu việc làm của họ, không hiểu họ thì làm sao lãnh đạo họ được".
Là người sớm tham gia phong trào công nhân, dày công nghiên cứu phong trào công đoàn, Bác Hồ đã cụ thể hóa phương pháp hoạt động công đoàn bằng phương châm dễ nhớ, dễ làm. "Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân". Mọi việc công đoàn làm phải vì lợi ích của người lao động: Mục đích của công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân lao động nói chung.
Lời chỉ dẫn ân cần của Bác với cán bộ công đoàn cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà sửa chữa. Công đoàn các cấp phải cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng. Tăng cường đôn đốc kiểm tra, bớt giấy tờ, hội họp. Cán bộ công đoàn cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn.
Nhờ quán triệt và làm theo phong cách trên, nên công đoàn ngày càng tập hợp được đông đảo công nhân, viên chức, lao động các ngành nghề, các thành phần kinh tế vào tổ chức mình. Công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng và Nhà nước, đã và đang là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kim Huệ
(Theo Báo Quảng Ngãi)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn