Anh em chia nhau xuống dò từng khúc suối xem nông sâu ra sao rồi bàn bạc sôi nổi. Có người nói: “Bảy người dàn hàng dọc để Bác vịn mà sang”. Người khác bảo: “Đi kiếm dây rừng giăng qua suối để Bác vịn mà sang”. Anh khác hăng hái bảo: “Để tớ cõng Bác qua”. Lại có anh ngần ngại: “Ta nghỉ lại một hai giờ, chờ nước rút bớt hãy qua”. Giữa lúc đó thì Bác đi tới, thấy thế Bác hỏi: “Các chú đã tìm hết lối sang chưa?”. “Thưa Bác! Chúng cháu tìm kỹ rồi, xem chừng chỗ này nông hơn, đá nhỏ mà nước chảy không xiết lắm”.
Bác đứng nhìn bao quát chung quanh một lúc rồi hỏi:
- Thế các chú chỉ tìm ở bờ nước thôi à?
Nghe Bác hỏi anh em đều ngạc nhiên, vì tìm lối sang suối mà không tìm ở bờ nước thì còn tìm ở đâu. Anh em liền thưa: “Thưa Bác vâng ạ!”. Bác cười: “Phải tìm trong dân chứ!”. Rồi Bác giải thích:
- Ở đây hai bên suối đều có ruộng nương của đồng bào, chẳng lẽ những ngày nước lũ đồng bào lại không đi ruộng, đi nương? Nếu chỉ tìm ở bờ nước là không biết dựa vào dân.
Cả bảy chiến sỹ lúc đó mới vỡ lẽ, một anh liền chạy đến cái bản ở cách đó không xa, lúc sau anh ta chạy trở về kêu to: “Có cầu! Có cầu!”. Cả đoàn đi ngược theo dòng suối một quãng thì thấy một chiếc cầu tre rất chắc chắn bắc qua hai bờ suối. Chuyến vượt suối vừa mau lẹ vừa an toàn và bài học phải dựa vào dân mãi là bài học quý cho tất cả mọi người chúng ta.
Theo Bác, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, sức mạnh của nhân dân là vô địch. Bác tuyệt đối tin tưởng vào lực lượng của nhân dân nên Bác nói: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Mọi công việc đều phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Khi biết dựa vào dân, được dân giúp đỡ thì không khó khăn nào không vượt qua.
Với cán bộ, đảng viên Bác thường nói: “Đảng phải bảo vệ dân, phải gần gũi dân và biết dựa vào dân. Được như thế thì mọi việc sẽ thành, cách mạng sẽ thắng. Đảng không biết dựa vào dân là không biết bảo vệ mình, Đảng không biết bảo vệ mình mọi việc khó thành công”. Nhưng, muốn quy tụ được nhân dân, Đảng phải vừa là đạo đức, vừa là văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Xuất phát từ quan điểm về vai trò của quần chúng nhân dân: “Nhà nước của ta do dân lựa chọn bầu ra, Nhà nước ta do dân ủng hộ, giúp đỡ...”.
Người yêu cầu: “Tất cả các cơ quan Nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân...”. Câu chuyện vượt suối ngày nào và những lời dạy của Bác mãi mãi là những bài học quý báu, giúp chúng ta thêm nhận thức đúng đắn vai trò của nhân dân, luôn tin tưởng, gần gũi, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân như mong muốn của Người.
-------------------------------------------
(1) Đinh Thiện Thi - Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc Việt, NXB Thanh niên, Hà Nội 2008, trang 182.
Theo Báo Quảng Bình
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn