Cùng với quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm ra mô hình thể chế chính trị phù hợp với thực tiễn của Việt Nam sau ngày đất nước độc lập. Tư tưởng của Người về thể chế chính trị dân chủ cộng hòa dần được hình thành. Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đã khẳng định sau khi Việt Nam giành được độc lập sẽ lập ra Chính phủ dân chủ cộng hòa. Trong bản Hiến pháp năm 1946, tại chương I quy định về Chính thể đã viết: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.
Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã phản đối sự chuyên quyền, độc đoán trong cách thức tổ chức quyền lực của thực dân Pháp. Đứng đầu Liên bang Đông Dương là một viên chức cao cấp người Pháp giữ chức danh toàn quyền Đông Dương. Chức danh này do Tổng thống Pháp bổ nhiệm. “Toàn quyền Đông Dương nắm toàn bộ các quyền lập pháp, lập quy, hành pháp, tư pháp ở Đông Dương”(1). Trong những tác phẩm tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Như ở tất cả các tỉnh, một tỉnh Bắc kỳ cũng có một vị công sứ Pháp... Ông ta là Chủ tịch tỉnh, đốc lý, chánh án, mõ tòa, chủ thầu. Ông kiêm tất cả mọi quyền hành: Tư pháp, thuế vụ, sinh mệnh và tài sản của người bản xứ, việc bầu cử những người cầm quyền bản xứ, quyền lợi của công chức... Ông ta biết bắt giữ, tống giam và kết án một cách độc đoán những người An Nam để thu thuế họ...”(2).
Khát khao về một nền độc lập của dân tộc cùng mô hình nhà nước đoạn tuyệt với sự chuyên quyền, độc đoán đã tồn tại trước đó ở Việt Nam là cơ sở quan trọng để Hồ Chí Minh hướng tới mô hình thể chế chính trị cộng hòa cho Việt Nam sau khi đất nước độc lập. Bởi đó là thể chế xác định chủ thể quyền lực thuộc về số đông.
Trải qua một thời gian dài phát triển, các nước tư bản đã đạt được một số thành tựu liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và vấn đề con người. Những giá trị tiến bộ của thể chế chính trị cộng hòa không thể phủ nhận. Đó là thể chế chính trị khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về số đông. Hầu hết hiến pháp của các quốc gia theo thể chế chính trị cộng hòa đều khẳng định nguyên tắc bầu cử phổ thông, tức là chế độ bầu cử được mở rộng cho tất cả công dân.
Pháp và Mỹ là hai quốc gia tư bản đại diện cho hai mô hình thể chế chính trị Cộng hòa đại nghị và Cộng hòa tổng thống. Quyền con người đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hòa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Sự tuyên bố về các quyền con người, trong đó có quyền chính trị trong cách mạng tư sản và trong xã hội tư bản chủ nghĩa không chỉ dừng ở phạm vi các tuyên ngôn, mà còn được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao, đó là hiến pháp. Nhân dân có quyền tham gia vào công việc nhà nước, có quyền bầu ra nguyên thủ quốc gia, cùng những người đứng đầu các cơ quan quyền lực nhà nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ Hiến pháp tư sản sẽ có những quy định thể hiện sự dân chủ mang tính điều kiện. Hiến pháp năm 1791 của Pháp quy định chế độ bầu cử đã chia công dân thành hai loại tích cực và tiêu cực theo giá trị tài sản mà họ có. “Những người không có tài sản, quần chúng lao động bị coi là công dân tiêu cực. Quyền bầu cử chỉ dành cho các công dân tích cực là những người từ 25 tuổi trở lên, không làm thuê cho ai, có tên trong danh sách vệ quốc quân và phải nộp một khoản thuế trực thu ít nhất là ba ngày lương”(3). Những điều kiện do Hiến pháp quy định đã làm cho hàng triệu người lao động không có quyền bầu cử. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội năm 1791, ở Pháp chỉ có 4 triệu 28 vạn người là công dân tích cực trên tổng số 26 triệu dân được tham gia(4).
Hay như C. Mac đã nhận xét về các Nghị sĩ được bầu trong Hạ viện Anh vào thế kỷ XIX: “Hạ nghị viện trước đây, xét về trình độ trí tuệ chung ở dưới mức bình thường. Nghị viện này, một mặt chủ yếu gồm những quý tộc tỉnh lẻ và con cái của những đại địa chủ, mặt khác cũng gồm cả những chủ ngân hàng, những giám đốc công ty đường sắt, những chủ xưởng bia và những kẻ khác mới phất lên, trong đó cũng có một số nhà hoạt động chính trị, luật gia, giáo sư... Nghị viện khóa này ở một mức độ phi lý còn lớn hơn so với Nghị viện khóa trước, chỉ tuyệt đối đại diện cho bọn đại sở hữu ruộng đất và cho túi tiền”(5).
Thậm chí, cả thời gian sau này, trong quy định của nhiều nước tư bản vẫn có điều kiện hạn chế dân chủ. “Hay ở Mỹ trước năm 1920, ở Pháp trước năm 1944, ở Italia trước năm 1945, ở Thụy Sĩ trước năm 1972, phụ nữ không được đi bầu cử. Ở Niu Di Lân hiện nay, một cá nhân có thể có nhiều phiếu bầu cử, phụ thuộc vào số tiền họ có: Dưới 1000 bảng Anh được 1 phiếu; từ 1000 đến 2000 bảng được 2 phiếu; trên 3000 bảng có 3 phiếu(6). Tại nước Mỹ, thời gian sau này, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã định bãi bỏ điều luật mà theo đó để được tham gia bầu cử người ta phải trải qua kiểm tra xem đã thoát nạn mù chữ hay chưa.
Như vậy, quyền lực nhà nước được xác định trong thể chế cộng hòa ở các nước tư bản thuộc về số đông, nhưng số đông này không bao gồm nhân dân lao động, những người thuộc giai cấp vô sản, mà là những người hữu sản.
Năm 1871, trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản tại Pháp, công xã Pari ra đời. Tuy tồn tại không lâu, chỉ vỏn vẹn trong 72 ngày, nhưng đây được coi là mô hình tổ chức nhà nước đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới. Nhân dân lao động tự thành lập ra Hội đồng công xã Pari, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Thành viên của Hội đồng bao gồm những ủy viên do nhân dân lao động bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.
Khi còn sống, C. Mac đã rất chăm chú theo dõi và rút ra bài học kinh nghiệm của công xã để phác họa mô hình nhà nước sẽ được xây dựng sau khi cách mạng vô sản thành công. Đến Lênin, ông đã xây dựng mô hình chính phủ công - nông - binh, một nhà nước mà quyền lực thuộc về bộ phận giai cấp vô sản, những người lao động chiếm số đông trong xã hội sau cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917.
Các Xô viết được xây dựng theo nguyên tắc đại diện cho giai cấp công nhân, nông dân và binh lính. Tầng lớp tư sản, địa chủ không được tham gia vào công việc nhà nước, hay nói cách khác bị tước các quyền chính trị như bầu cử, ứng cử.
Mô hình chính quyền Xô viết được thành lập trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về thể chế chính trị, đồng thời căn cứ vào thực tiễn của nước Nga thời điểm đó. Tất cả quyền lực nhà nước tập trung vào trong tay các Xô viết của giai cấp công nhân, nông dân và binh sĩ. Các Xô viết tối cao và Xô viết địa phương thành lập ra các ủy ban chấp hành các cấp. Ủy ban Chấp hành các cấp là cơ quan thừa hành của Xô viết và chịu trách nhiệm trước các Xô viết.
Như vậy, chủ thể quyền lực nhà nước trong thể chế cộng hòa Xô viết đó là công nhân, nông dân, binh lính, là những giai cấp, tầng lớp lao động bị tư bản bóc lột.
Năm 1920, khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Hồ Chí Minh đã xác định con đường cứu nước của Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Mô hình nhà nước theo quan điểm lúc đầu của Hồ Chí Minh cũng là mô hình cộng hòa Xô viết. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930, đã khẳng định sau khi đánh đuổi thực dân Pháp sẽ lập ra Chính phủ công - nông - binh ở Việt Nam.
Nhưng từ thực tiễn của Việt Nam, Người có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng về mô hình nhà nước dành cho Việt Nam. Cuộc cách mạng ở Nga và cách mạng Việt Nam khác nhau về tính chất, đặc điểm. Cách mạng Tháng Mười Nga mang tính chất của một cuộc nội chiến. Trong khi cách mạng Việt Nam vừa mang tính giai cấp, vừa mang tính dân tộc. Sự khác nhau này chi phối đến nhiều vấn đề trong cuộc cách mạng và chi phối đến sự khác nhau trong việc quan niệm đối tượng nào là lực lượng cách mạng, là chủ thể quyền lực nhà nước.
Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) đã chủ trương thay thế Chính phủ công - nông - binh bằng Chính phủ nhân dân. Hội nghị nêu rõ sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật sẽ thành lập chính quyền. “Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”(7).
Ngay từ năm 1930, khi soạn ra Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Nguyễn Ái Quốc xác định lực lượng cách mạng là tất cả người dân Việt Nam yêu nước trên nền tảng liên minh công nông. Nhưng chủ thể của chính quyền chỉ là công nhân, nông dân và binh lính. Đến năm 1941, Hồ Chí Minh vẫn giữ quan điểm về lực lượng cách mạng Việt Nam, nhưng Người đã có bước phát triển trong tư tưởng: Lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ chính là chủ thể quyền lực nhà nước sau ngày độc lập. Từ chỗ, quan niệm “nhân dân” là những lực lượng có sức mạnh to lớn nhất, đến chỗ quan niệm đó là lực lượng có quyền lực to lớn nhất là bước tiến trong tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xác định chủ thể quyền lực nhà nước.
Chủ thể quyền lực là toàn thể nhân dân trong nước, không phân biệt họ là bộ phận có tài sản hay không có tài sản. Khi họ đã đấu tranh vì độc lập dân tộc, khi họ đã cố gắng, nỗ lực vì sự phát triển chung của đất nước thì họ hoàn toàn có quyền làm chủ đất nước. Nhà nước phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, làm việc vì lợi ích của nhân dân. Quan niệm nhân dân là những ai được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Thường thức chính trị (1953) của Hồ Chí Minh. Người viết: Nhân dân và quốc dân khác nhau. Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác. Đó là nền tảng của quốc dân. Những bọn phản động chưa đến nỗi bị xử tử, vẫn là quốc dân. Nhưng chúng không được ở trong địa vị nhân dân, không được hưởng quyền lợi như nhân dân. Chúng không có quyền tuyển cử, ứng cử; không có quyền tổ chức tuyên truyền, v.v.. Song, chúng cần phải làm tròn nghĩa vụ, như phục tùng trật tự, tuân theo pháp luật của nhân dân. Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới - (Chính phủ, pháp luật, công an, quân đội...) - là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Đối với bọn phản động thì những tổ chức ấy là để bắt buộc chúng phải làm tròn mọi nghĩa vụ(8).
Quan điểm này giúp cách mạng Việt Nam huy động được cao nhất sức mạnh của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật để giành độc lập. Chính phủ nhân dân được thành lập, chủ thể quyền lực của nhà nước Việt Nam được mở rộng đến mức cao nhất: Đó là toàn thể nhân dân Việt Nam. Tiêu chí để khẳng định ai là nhân dân Việt Nam đó là “tinh thần yêu nước”. Thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp cai trị, “tinh thần yêu nước” rất dễ nhận biết, đó là những con người không phân biệt giai cấp, đảng phái có tinh thần chống thực dân Pháp, muốn đem lại độc lập dân tộc thực sự cho đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, có những bộ phận là người Việt Nam nhưng tự loại mình ra khỏi nhân dân, ra khỏi dân tộc, chấp nhận làm tay sai cho thực dân Pháp, đứng ngoài cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhà nước Việt Nam ra đời năm 1945 là nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố với toàn thể nhân dân trong nước và trên thế giới, Việt Nam là quốc gia độc lập, thể chế chính trị của Việt Nam là Dân chủ cộng hòa. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ thể quyền lực trong nước là toàn thể nhân dân được thể chế hóa một cách mạnh mẽ trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đặc biệt trong quy định về quyền bầu cử của công dân Việt Nam. Công dân Việt Nam khi đến tuổi trưởng thành (18 tuổi trở lên) đều có quyền bầu cử. Không có bất kỳ điều kiện giới hạn nào, kể cả những trường hợp không biết đọc, biết viết. Tinh thần này tiếp tục được duy trì trong bản Hiến pháp 1959 và kế thừa trong các bản Hiến pháp sau này của Việt Nam.
Nhà nước kiểu mới được xây dựng ở Việt Nam là nhà nước mang “tính nhân dân”, “tính dân tộc”, bao gồm không chỉ bộ phận giai cấp vô sản mà còn cả những người dân Việt Nam yêu nước, phấn đấu vì mục tiêu chung của dân tộc. Ở điểm này, Hồ Chí Minh đã phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Học thuyết Mác - Lênin không phải là lời giải sẵn có cho mọi vấn đề của tất cả các cuộc cách mạng, trong đó có cách mạng Việt Nam. Tất cả nhân dân yêu nước Việt Nam là chủ thể quyền lực trong nước. Đó là yếu tố cơ bản xác định thể chế chính trị Việt Nam là thể chế chính trị dân chủ cộng hòa, hay có thể gọi là thể chế chính trị cộng hòa dân chủ nhân dân. Nó không giống thể chế cộng hòa ở các nước tư bản, cũng không giống thể chế cộng hòa Xô viết.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ thể quyền lực nhà nước, người ta thấy có sự kết hợp linh hoạt, sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn. Kế thừa những ưu điểm của các mô hình thể chế cộng hòa trên thế giới, dựa trên đặc thù của lịch sử Việt Nam cùng tài năng, trí tuệ cá nhân, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm riêng về chủ thể quyền lực nhà nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam. Sự sáng tạo này góp phần làm phong phú thêm lý thuyết về các loại hình thể chế chính trị cộng hòa trên thế giới.
ThS. Nguyễn Thị Lan Phương
Đại học Thương mại
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018
-----------------------
(1) Đinh Xuân Lâm, Dương Lan Hải (chủ biên): Nghiên cứu Việt Nam, một số vấn đề lịch sử kinh tế - xã hội - văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1998, tr.70.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.48.
(3), (4) Văn phòng Quốc hội: Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới, Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội, 2001, tr.218, 219.
(5) C.Mác, Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.669.
(6) Nguyễn Đăng Dung, Bùi Ngọc Sơn: Thể chế chính trị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.99-100.
(7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.114.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8 (1953-1954), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.264.
Nguồn tin: Tạp chí Lý luận chính trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn