“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Đó là nguyên lý sống còn để dựng nước và giữ nước của ông cha ta từ ngàn xưa đến nay.
Lịch sử Việt Nam cho thấy, trong các triều đại phong kiến, những bậc “minh quân” luôn mong muốn có nhiều nhân tài, cùng góp công sức và trí tuệ để xây dựng triều đại thịnh trị, làm cho “Quốc thái dân an”. Vua Lê Thái Tổ trong “Chiếu cầu hiền tài” đã viết: “Người tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải có một phương”(1). Các vương triều đã có nhiều cách khác nhau để phát hiện và tuyển chọn nhân tài ra giúp nước như thi tuyển, tiến cử, bảo cử và tự tiến cử. Bấy giờ chế độ thi tuyển thực hiện qua các kỳ khoa cử Nho học lựa chọn quan văn, với quan niệm: “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu”(2). Bên cạnh đó, để lựa chọn nhân tài, còn có hình thức tiến cử nhằm tìm kiếm người có tài, bổ sung vào đội ngũ quan triều đình, do đó: “Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, đó là việc lớn của chính trị”(3) hay “muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”(4).
Kế thừa truyền thống của dân tộc, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chính quyền mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã có nhiều chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài. Người đã viết “Chiếu cầu người hiền tài”, kêu gọi mọi người, các địa phương tìm kiếm người tài, tiến cử người hiền tài cho Chính phủ. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Theo Người, khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính Người cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Người chủ trương phải “tìm người tài đức” bởi: “Kiến thiết cần phải có nhân tài”; đồng thời khẳng định: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”(6). Trong khi vừa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức mới, Người đã tin tưởng sử dụng nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước phục vụ cho nhà nước cách mạng. Trong số họ, có nhiều người đã từng học tập, làm việc ở nước ngoài, có người đã từng tham gia bộ máy của chế độ cũ, như các ông: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Lương Đình Của, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa... Họ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài và coi đây là công việc gốc của Đảng. Bản lĩnh người cán bộ cách mạng là sự kết tinh những phẩm chất, nhân cách, tạo nên năng lực “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thể hiện tập trung ở tính kiên định, sáng tạo, quyết làm và biết làm. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(7). Người cán bộ có bản lĩnh là người luôn trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi. Đó cũng là người biết tuỳ cơ ứng biến, hết sức sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Người chỉ rõ: Trong bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ cũng là vấn đề trọng yếu. Công tác cán bộ chẳng những có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, mà còn góp phần quyết định đến việc thành bại trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý nhà nước phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Người dạy, phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như người làm vườn vun trồng những cây cối quý, “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(8). Trong trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.
Để trọng dụng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, cần làm tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, thực hiện tốt việc chọn lọc, đánh giá cán bộ.
Công tác cán bộ rất hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục vì: “Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những người tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra”(9). Để đánh giá đúng cán bộ, trước hết phải cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ. Đây là căn cứ, là tiêu chí rất quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành nhận xét, đánh giá cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng. Chỉ khi biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Cấp ủy, tổ chức đảng cần dân chủ bàn bạc, thảo luận, thống nhất đánh giá từng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn được xây dựng, đặc biệt phải lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân làm thước đo chủ yếu. Thông qua đánh giá cán bộ, Đảng tìm được những người tài và bố trí họ vào những vị trí công tác xứng đáng để phát huy năng lực, sở trường của họ, đồng thời phát hiện những người thoái hoá biến chất, nhất là những kẻ cơ hội về chính trị để loại ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tìm, chọn được nhân tài, trước hết phải thực hiện tốt công tác đào tạo, tuyển chọn và trọng dụng cán bộ, sử dụng nhân tài cho đất nước, một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...(10). Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, có năng lực, trong đó: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”(11).
Hai là, kiên quyết chống bệnh quan liêu, hẹp hòi, chia rẽ, bè phái trong Đảng và trong công tác cán bộ của Đảng.
Một trong những nguyên nhân không sử dụng được người tài là “bệnh hẹp hòi”. Đó là một kẻ địch đáng sợ cùng với các căn bệnh khác như quan liêu, tham ô, tham nhũng, chủ quan, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái và chia rẽ… phá hoại Đảng từ trong phá ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”(12). Bệnh hẹp hòi làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. “Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”(13). Bởi vậy, muốn sử dụng được nhân tài thì phải kiên quyết chống các bệnh trên và phải chữa khỏi những bệnh đó.
Ba là, có chính sách trọng dụng nhân tài.
Trong công tác cán bộ, việc trọng dụng nhân tài cần phải thật sự khoa học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ "khéo" để diễn đạt công việc này. Phải khéo dùng cán bộ, vì việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc. “Khéo” vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Nếu dùng đúng thì sẽ phát huy năng lực sáng tạo, giúp cán bộ kết hợp năng lực cá nhân với sức mạnh tập thể, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý, giữa lực, thế, thời, mưu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cần mạnh dạn bố trí, sử dụng những người đã được đào tạo cơ bản vào thực tiễn công tác để bồi dưỡng, rèn luyện, sàng lọc, qua đó phát hiện nhân tài, loại bỏ những người thoái hoá biến chất.
Hiện nay, trong phong cách lãnh đạo của một bộ phận cán bộ vẫn còn thể hiện sự quan liêu, cửa quyền, hách dịch, mất dân chủ là một trong những nguyên nhân làm mất nhân tài. Muốn sử dụng người tài phải quý trọng nhân cách của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu, cửa quyền còn nồng cho nên có những người tài cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”(14). Theo Người, cách lãnh đạo dân chủ, gần dân, sát với nhân dân, biết chăm lo đến lợi ích của nhân dân là cách lãnh đạo phát huy được sáng kiến của người tài, là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn trong công việc và những người tài trong nhân dân cũng xuất hiện, cùng chúng ta xây dựng đất nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên về phẩm chất, đạo đức của cán bộ. Thực hiện các chế độ, chính sách cán bộ trong tình hình mới nhằm thu hút nhân tài cho đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng và giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng cán bộ, sử dụng nhân tài. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các học viện, nhà trường, trung tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; khắc phục tình trạng thiếu dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.
Việc sử dụng nhân tài là công việc rất hệ trọng, phải hết sức công tâm, khách quan, chặt chẽ, kỹ lưỡng, tuân thủ nguyên tắc giao đúng người, đúng việc. Nếu sử dụng không đúng, không hết tài năng thì dễ nảy sinh tâm lý chán nản giao cho công việc, trọng trách không phù hợp, không ngang sức, ngang tài, khiến cán bộ không yên tâm công tác, làm việc cầm chừng, thiếu động cơ, thiếu ý chí tiến thủ. Kết quả của giao đúng người, đúng việc là làm cho công việc được thực hiện trôi chảy; khi gặp trở ngại thì chính người được giao đúng việc sẽ tìm tòi các biện pháp để xử lý với những sáng kiến không ngờ. Nếu sử dụng quá tài năng, sức lực sẽ dẫn đến hỏng việc, mất cán bộ, mất nhân tài. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển hợp lý để tạo điều kiện cho nhân tài phấn đấu, rèn luyện, trên cơ sở đó thực hiện việc bổ nhiệm, đề bạt kịp thời, chuẩn xác. Chú trọng xây dựng và sử dụng đội ngũ nhân tài ở các ngành nghề, các lĩnh vực, trình độ, lứa tuổi hợp lý. Cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp cần kịp thời rà soát, bổ sung các quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể việc thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần có quy định về việc liên đới chịu trách nhiệm khi cán bộ giới thiệu nhân sự vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước và xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ.
Để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước gồm những người có tài năng và phẩm chất đạo đức tốt thì cần có một chiến lược lâu dài và hệ thống chính sách đồng bộ về đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người đối với Đảng và Nhà nước về trọng dụng nhân tài cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
PGS, TS. Trần Nam Chuân
Nguyên cán bộ Viện Chiến lược quốc phòng - Bộ Quốc phòng
-------------------------------------
Ghi chú:
(1),(2),(3),(4) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, H.1998, tr.303, tr.253, tr.282, tr.302.
(5),(6), Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2002, tr.99, tr.273 - 274.
(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr.269-273.
(8),(9),(12),(13),(14) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.273, tr.274 , tr.257, tr.241, tr.241.
(10),(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.113 - 114, tr.207.
Nguồn tin: Tạp chí Tổ chức Nhà nước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn