Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học

Chủ nhật - 23/05/2021 20:52
Nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày, mới đây, Sở TN-MT và Tỉnh đoàn Phú Yên đã chuyển giao kỹ thuật, triển khai mô hình Khu dân cư phân loại rác thải ở thôn Ân Niên (xã Hòa An, huyện Phú Hòa). Mô hình này giúp người dân có thể tận dụng được nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón cho cây trồng và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường…
TS Võ Anh Khuê hướng dẫn cách thức ủ rác thải thành phân hữu cơ cho các bạn đoàn viên thanh niên xã Hòa An.
TS Võ Anh Khuê hướng dẫn cách thức ủ rác thải thành phân hữu cơ cho các bạn đoàn viên thanh niên xã Hòa An.

Xử lý rác thải thành phân hữu cơ

Sau một buổi hướng dẫn, hàng chục tình nguyện viên của Xã đoàn Hòa An đã cùng cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở TN-MT), Tỉnh đoàn trực tiếp lắp đặt, tặng chế phẩm sinh học và hướng dẫn người dân cách thức để phân loại rác, ủ rác, cũng như những lợi ích của việc ủ và sử dụng phân vi sinh từ rác thải hữu cơ.Với mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường, đầu tháng 5 này, các bạn trẻ ở Xã đoàn Hòa An đã được nghe quy trình phân loại và cách ủ rác thải thành phân bón hữu cơ do TS Võ Anh Khuê (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) hướng dẫn. Từ đó, các bạn trẻ sẽ truyền đạt lại và hướng dẫn người dân triển khai mô hình Khu dân sư phân loại rác thải ở thôn Ân Niên. Đây là mô hình lắp đặt thí điểm thùng ủ rác thành phân hữu cơ quy mô hộ gia đình, nhằm hướng đến mỗi hộ gia đình tự có trách nhiệm với rác thải sinh hoạt của gia đình mình.

Anh Phạm Duy Thông, đoàn viên Xã đoàn Hòa An cho biết, cũng như nhiều vùng nông thôn, bảo vệ môi trường tại địa phương đang là một vấn đề nan giải. Do đó, việc triển khai một mô hình mang tính thực tế nhằm bảo vệ môi trường hết sức cần thiết và rất hữu ích để chung tay.

Theo TS Võ Anh Khuê, quy trình ủ rác thành phân hữu cơ khá đơn giản, tùy theo số lượng rác sinh hoạt của gia đình, rác thải hữu cơ được phân loại như: lá cây, thức ăn thừa, rau củ, trái cây hư… tất cả được cho vào thùng phuy nhựa có nắp đậy nhằm tránh ruồi muỗi hay các con vật vào đẻ trứng. Sau đó, kết hợp với chế phẩm vi sinh pha sẵn theo tỉ lệ 2 muỗng vi sinh, 10 muỗng đường, 1 lít nước sạch.

Đây là công đoạn vô cùng quan trọng giúp quá trình ủ diễn ra nhanh chóng, bởi chế phẩm sinh học không những thân thiện với môi trường, mà còn có tác dụng chuyển hóa lân khó tiêu thành dạng dễ tiêu mà cây trồng có thể hấp thụ được, sinh chất kích thích tăng trưởng thực vật, phân hủy nhanh bùn, bã hữu cơ, khử mùi hôi của rác thải, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại. Từ đó, rác thải được ủ thành phân hữu cơ vi sinh rất hiệu quả cho cây trồng và không ảnh hưởng đến môi trường.

Tiết kiệm tiền mua phân bón

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên được Sở TN-MT và Tỉnh đoàn lắp đặt thùng ủ rác thành phân hữu cơ sinh học, bà Phạm Thị Duy ở thôn Ân Niên cho biết, gia đình bà vốn thuần nông nên tự trồng rau cung cấp bữa ăn hàng ngày. Khi được hướng dẫn, lắp đặt thùng ủ phân hữu cơ này, bà rất hào hứng. “Mô hình này vô cùng thiết thực, hữu ích, vừa có thể giảm thiểu rác thải, thân thiện với môi trường, vừa giúp gia đình tôi tự làm phân bón cây, tiết kiệm được chi phí mua phân bón. Sau thời gian thử nghiệm, nếu đem lại hiệu quả, tôi sẽ triển khai làm thêm”, bà Duy nói.

Ở thôn Ân Niên, ông Trần Cang là một trong 16 hộ dân tham gia mô hình này. Ông Cang chia sẻ thêm: Trước đây, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình tôi tương đối nhiều, trong đó có nhiều loại rác hữu cơ như rau, lá cây, các loại dư thừa của phụ phẩm phục vụ sinh hoạt; rác thải vô cơ như túi nilong, vỏ chai nhựa… đều để chung một loại. Tuy nhiên do không được thu gom hàng ngày nên gây mùi hôi, ảnh hưởng môi trường. Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 1 thùng nhựa để phân loại và đựng rác thải, lại còn được các bạn trẻ hướng dẫn về cách phân loại và ủ rác hữu cơ thành phân bón hữu dụng. Điều này không chỉ giúp gia đình tôi có nguồn phân để bón cho rau xanh, tạo nguồn rau sạch, rau an toàn mà đặc biệt là giúp xử lý rác thải, có trách nhiệm với môi trường sống.

Mô hình Khu dân cư phân loại rác thải ở thôn Ân Niên đang ở mức thí điểm, nhưng ý tưởng biến rác thải thành phân hữu cơ được đề ra và thực hiện đã giúp giảm thiểu rác thải sinh hoạt thải ra môi trường; nâng cao ý thức cho người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
 

Hiện nay, rác thải được xem là một nguồn tài nguyên. Để tận dụng được nguồn tài nguyên này, trước hết cần phải làm tốt công tác thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn. Do đó, mô hình Khu dân cư phân loại rác thải ở thôn Ân Niên không chỉ giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với rác thải tại nguồn, mà còn góp phần làm cho môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. TS Võ Anh Khuê
 

 Văn Khang (st)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây